"Tăng tuổi hưu là để tính tương lai cho thế hệ mai sau" - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói với báo chí sáng 29-5 - Ảnh: B.D.
Về hưu - đó là ngã rẽ bắt buộc của cuộc đời khi tuổi tác đến "hạn" kéo theo nhiều đổi thay về sức khỏe, sự minh mẫn, nguồn nhiệt huyết. Bài viết Xin đừng tăng tuổi nghỉ hưu cho nhà giáo đã phản ánh được phần nào hệ lụy của tuổi "xế chiều" trên bục giảng.
Đúng là "sức ì" của lứa tuổi khiến không ít người thầy lớn tuổi có phần bê trễ việc giảng dạy, khó khăn đuổi theo cái mới, thiếu hẳn nguồn năng lượng sáng tạo. Đúng là học sinh của thầy cô lớn tuổi có phần thua thiệt so với các lớp khác, nguy cơ các em phải đối diện với người thầy mệt mỏi vì tuổi tác, trầm cảm vì áp lực là sự thật...
Ở trường tôi, những giáo viên nằm trong diện "chờ hưu" thường được miễn giảm hầu hết các hoạt động chủ nhiệm, phong trào. Dường như mọi người trong nghề đều ngầm hiểu rằng sức ì tuổi tác đến, thời điểm cần nghỉ ngơi cũng đã đến nên hầu như chẳng có ai phàn nàn, ý kiến gì, mọi người vui vẻ chia sẻ công việc cho nhau.
Nghề giáo với những đặc thù công việc thường gánh nhiều áp lực vô hình từ chất lượng giảng dạy và giáo dục học sinh, áp lực từ phụ huynh và dư luận xã hội… Hơn chục năm trong nghề, tôi được nghe tiếng lòng của không ít người thầy muốn nhanh chóng về hưu, nghỉ hưu.
Điều gì đã níu giữ các thầy cô ở lại bục giảng đến tận thời điểm cuối cùng mà không chọn "hưu non"? Tôi nghĩ căn bản vẫn là chế độ lương hưu. Nhiều người do quá trình công tác có trở ngại khiến số năm đủ để hưởng lương hưu bị thiếu hụt. Ở một số trường hợp khác, gánh nặng cơm áo gạo tiền vẫn đeo mang thầy cô dù đã bước sang tuổi 50, 60 khiến việc về hưu đúng tuổi trở thành áp lực.
Khi khoản lương hưu bỗng sụt giảm đáng kể so với mức lương được nhận trước khi về hưu, nhiều giáo viên quay cuồng và ước được kéo dài tuổi hưu. Lúc này, ước muốn tăng tuổi hưu cũng đồng nghĩa với việc giải quyết nhu cầu chi tiêu cá nhân chứ không phải là để cống hiến thêm cho sự nghiệp trồng người.
Nói vậy để thấy rằng nếu tăng tuổi hưu với nghề giáo, nhiều hệ lụy sẽ nảy sinh. Nhưng có trường hợp ngoại lệ không? Xin thưa là có.
Tôi có người thầy quê ở Quảng Bình, vốn là người lính, sau ngày đất nước giải phóng mới học sư phạm ngữ văn và nhận công tác ở mảnh đất nghèo của thị xã quê tôi. Năm 2007, khi tôi vừa chân ướt chân ráo về trường nhận nhiệm sở, thầy đang là tổ trưởng tổ văn và phụ trách hướng dẫn tập sự cho tôi.
Vốn kinh nghiệm sống, vốn tri thức chuyên môn cùng bầu nhiệt huyết của người thầy đã bước qua tuổi 52 vẫn tròn đầy đã cho tôi nhiều cơ hội được học tập những bài học thực tế không hề có trong sách vở.
Là một thành viên của tổ nghiệp vụ phòng giáo dục, thầy đã dự giờ không biết bao nhiêu tiết dạy. Và bây giờ thì những kinh nghiệm quý báu đối với từng đơn vị kiến thức, từng tình huống sư phạm biến thành bài học cho người đồng nghiệp cũng là người học trò như tôi và nhiều anh chị đi trước.
Năm 2015, thầy nhận quyết định hưu trí. Mọi người trong tổ bộ môn làm bữa tiệc nhỏ chia tay thầy và mời những đồng nghiệp cùng tổ đã chuyển trường về dự. Chúng tôi đã quây quần bên nhau, kể về những kỷ niệm ngày trước một cách trân quý, vui có buồn có.
Và mọi người dường như "né" bàn đến chuyện thầy về hưu, bởi ai cũng nhận ra thầy buồn với chuyện mỗi ngày không còn được xách cặp đến lớp dạy bọn trẻ cấp hai.
Quanh đi quẩn lại cũng vào chủ đề chính của buổi tiệc. Khi thầy phát biểu cảm tưởng, tôi và mọi người len lén nhìn nhau, tránh đôi mắt ầng ậng nước của một người thầy còn chan chứa nhiệt huyết với sự nghiệp trồng người.
Thầy bảo thầy thật sự hụt hẫng khi xác định đến tuổi nghỉ hưu và nhận quyết định hưu trí. Thầy kể ngay buổi sáng đầu tiên chính thức nghỉ hưu, thầy vẫn dậy thật sớm theo thói quen. Thầy đã "mở toang cửa và bàng hoàng". Bàng hoàng nhận ra sáng nay mình không còn phải đến lớp. Bàng hoàng vì từ nay trở đi tiếng trống trường cách nhà năm chục mét không còn thúc giục bước chân.…
Tôi chắc chắn rằng, đã 5 năm trôi qua hay thêm vài năm đi chăng nữa, bầu nhiệt huyết muốn đi dài hơn, đi thêm trên hành trình trồng người của thầy vẫn vẹn nguyên. Và nếu được chọn nghỉ hưu hay kéo dài tuổi hưu ở thời điểm 5 năm trước, thầy sẽ chọn phương án 2 như một lẽ sống của cuộc đời.
Vậy nên, đối với một quyết sách lớn liên quan đến nhiều người, ảnh hưởng lớn đến người lao động như dự thảo luật kéo dài tuổi hưu, mong rằng mỗi người có trách nhiệm "cầm cân nảy mực" hãy hết sức thận trọng để tìm ra được giải pháp đúng đắn nhất, hợp lý nhất, chu toàn nhất có thể.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận