04/02/2021 11:04 GMT+7

Thầy giáo gốc Bắc hát cải lương để dạy trò Sài Gòn học văn

THẢO THƯƠNG
THẢO THƯƠNG

TTO - 'Mình phát triển chút chút thì học trò sẽ biết đến, sẽ yêu thích cải lương hơn, gìn giữ loại nhạc truyền thống này...', thầy Đặng Ngọc Ngận tâm sự.

Thầy giáo gốc Bắc hát cải lương để dạy trò Sài Gòn học văn - Ảnh 1.

Những đoạn cải lương của thầy Đặng Ngọc Ngận khi dạy văn được học trò yêu thích - Ảnh: N.H.

“Nghe tiếng ai thê lương, đêm phải chăng khuya rồi, vì ngồi một mình ôi nhớ ơi nhà văn. Kim Lân có tên Nguyễn Văn Tài là người vùng Bắc Ninh ngoài xa, là người không nhiều tác phẩm, chỉ có ít thôi mà dường như trút hết tâm tư. Phải chăng tiếng thương trong lòng mà viết về nông thôn Việt Nam…”.

Giọng cải lương ngọt lịm của thầy Đặng Ngọc Ngận - tổ trưởng tổ văn Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM) - vang lên từ lớp 12A13 khi học tác phẩm Vợ nhặt. Đam mê cải lương, thầy Ngận đã tự cải biên tác phẩm văn học, tự thể hiện lời ca để thu hút học sinh học văn.

"Phải vui học trò mới thích"

Thầy Ngận kể cơ duyên đến với nghề giáo: "Lúc nhỏ, tôi rất thích học văn nhưng không nghĩ mình dạy văn vì định học báo chí. Sau này duyên sư phạm đến, nghề chọn mình. Từ cấp II tôi đã mê cách dạy của cô giáo dạy văn ở trường. Cô gần như là người ảnh hưởng nhiều nhất đến tôi. Từ chữ viết phải tập sao cho giống cô, rồi cách nói năng, nhấn nhá, cách đứng lớp...".

Thầy Đặng Ngọc Ngận hát cải lương để học trò yêu thích học văn - Video: THẢO THƯƠNG

Năm 2013 khi mới ra trường, thầy Ngận dạy ở Trung tâm Giáo dục thường xuyên - hướng nghiệp - dạy nghề huyện Bình Chánh. Năm 2017, thầy chuyển công tác về Trường THPT Phạm Phú Thứ. Và biệt danh thầy Ngận "giọng ca vàng trong làng cải lương" bắt đầu từ đây.

Thầy tâm sự: "Khi dạy ở hai nơi, điểm chung tôi nhìn thấy là học sinh còn ít yêu thích môn văn. Quan điểm của tôi là phải vui học trò mới thích. Phải làm sao để các em không chán thầy, rồi tới thích thầy, sau đó là thích môn học của thầy. Tôi thích sân khấu cải lương từ nhỏ. Dạy mệt nhưng nghe đoạn cải lương là khỏe trong người. Thế là tôi nảy suy nghĩ đan xen đoạn cải lương để hỗ trợ bài dạy, để xốc tinh thần học sinh".

Một tác phẩm văn học ở sách giáo khoa yêu cầu học sinh nắm các phần như tác giả, tác phẩm, phân tích văn bản và tìm hiểu ý nghĩa nhan đề... Cách dạy của thầy Ngận vẫn đảm bảo những nội dung cần đạt, nhưng cuối mỗi phần thầy củng cố bằng cách ca những đoạn cải lương.

"Ở bài Vợ nhặt, phần tác giả có những thông tin như quê quán, tên thật, thể loại, tác phẩm nổi tiếng. Còn tác phẩm mở đầu bối cảnh là nạn đói. Văn bản gốc trình bày câu chuyện nạn đói về bối cảnh không gian, mùi, âm thanh, màu sắc. Tôi lựa những từ khóa trong văn bản, xoáy sâu đặc điểm, đưa ra những bài lý, chọn tông bài tùy theo nội dung, vui hát điệu gì, buồn hát điệu gì, bi ai hát điệu gì, tâm sự trao đổi hát điệu gì..." - thầy Ngận giải thích.

Người thầy 9X quê gốc miền Bắc, lớn lên ở Tây Nguyên, nói thêm: "Hay khi phân tích bà cụ Tứ mình phải làm thế nào, các bước ra sao để học trò nghe dễ nhớ. Cụ Tứ hay người vợ nhặt, anh Tràng mình xây dựng mỗi nội dung riêng. Học sinh có thích hoặc không thích cải lương nghe vẫn vui tai, tò mò, lắng nghe và nhớ kiến thức...".

Thầy giáo gốc Bắc hát cải lương để dạy trò Sài Gòn học văn - Ảnh 3.

Những poster được học sinh thiết kế với chủ đề sân khấu hóa tác phẩm văn học trong buổi ngoại khóa của tổ văn Trường THPT Phạm Phú Thứ (Q.6, TP.HCM)

Đa dạng phương pháp học tập

Từ niềm đam mê cải lương, thầy Ngận tìm ra "phong cách" giảng dạy riêng cho mình và truyền cảm hứng để "chống chán" cho học sinh. Thầy tham gia học lớp kịch hát dân tộc Trường ĐH Sân khấu - điện ảnh TP.HCM một thời gian ngắn để nâng cao "trình" cải lương, đa dạng phương pháp dạy học.

"Mỗi lớp mỗi phương pháp khác nhau vì học sinh, sức học không lớp nào giống lớp nào. Có lớp thuyết trình nội dung, làm video, clip, phỏng vấn, dựng phim, thiết kế poster. Lớp khác chơi những trò chơi thiết kế. Hay có lớp nghe cải lương để bổ trợ, giảng dạy bổ sung thêm sau cùng. Môn văn chỉ giảng bài là học sinh sẽ không thích, sẽ buồn ngủ" - thầy cho biết.

Trong dịch COVID-19, học sinh chuyển sang học online thì cải lương của thầy thành một phương pháp hữu hiệu. Thầy sáng tác, "sản xuất" video, lồng ghép... chuyển thành trải nghiệm học tập thú vị để học sinh vừa thư giãn, vừa nghe âm nhạc vừa nghe được văn học.

"Ở miền Tây, các trường có câu lạc bộ đờn ca tài tử thì ở trường tôi có tổ chức câu lạc bộ âm nhạc dân tộc nhưng phát triển chưa mạnh. Tuy vậy, tôi vẫn cứ theo đuổi cải lương và phương pháp bổ trợ dạy học này. Mình phát triển chút chút thì học trò sẽ biết đến, sẽ yêu thích cải lương hơn, gìn giữ loại nhạc truyền thống này..." - thầy Ngận bộc bạch.

Chia sẻ về dự định lâu dài, thầy giáo trẻ mơ ước đưa cải lương đến gần hơn với học sinh. "Khi đứng lớp mình chỉ bổ trợ, pha những đoạn cải lương, còn lại phải dạy như bình thường để đúng mục tiêu bài học vì tôi sợ mình đi quá giới hạn. Khi ngoại khóa là dịp để mình cùng học trò tung tẩy. Tôi và tổ văn tổ chức rộng rãi cho các em những loại hình âm nhạc dân tộc và đờn ca tài tử. Tôi ước mơ đưa được âm nhạc vào trong nhà trường...".

Nhiều bạn rất thích

Bạn Thu Hiền, lớp 12A13, chia sẻ: "Tôi theo các môn tự nhiên nên môn văn cũng ít mặn mà. Nhưng thầy Ngận dạy tôi lại rất thích học. Nhạc hiện đại tôi nghe quen rồi nên không thấy lạ. Nhưng nghe cải lương mà lại do chính thầy giáo dạy văn hát khiến lớp tôi nhiều bạn rất thích".

Ông Trần Tiến Thành (chuyên viên môn ngữ văn Sở GD-ĐT TP.HCM):

Bổ sung, hỗ trợ kiến thức

Văn học dung chứa nhiều loại hình nghệ thuật khác thì giáo viên có thể tùy vào năng khiếu mà chuyển thể vì không thể ai cũng hát cải lương được. Người khiếu họa thì vẽ chuyển thể, người khiếu nhạc thì hát...

Sáng tác, cải biên tác phẩm văn học để bổ sung, hỗ trợ kiến thức trong tiết học văn tạo tâm thế cho học sinh để đón nhận bài học, có sự dung chứa giữa các loại hình nghệ thuật thơ - ca - nhạc - họa, giúp học sinh cảm nhận được văn chương. Khi học trò đang chán, cải lương giúp dễ nhớ, thu hút. Nó là bước đầu của giảng dạy, rất phù hợp giai đoạn học trò đang học môn văn mà chưa thu hút các em.

Thầy Ngận có khả năng hứng tác thành câu cải lương, tôi rất hoan nghênh. Thầy không sao chép mà hứng tác câu cải lương chuyển thể. Đứng bên sông có thể hát bên sông, đứng trong phòng có thể cất lên câu hát trong phòng, tạo tâm thế giúp học cảm nhận được tác phẩm văn học.

Dạy văn hóa trong trường nghề như thế nào? Dạy văn hóa trong trường nghề như thế nào?

TTO - Luật giáo dục 2019 khẳng định các cơ sở giáo dục nghề nghiệp được dạy các môn văn hóa. Tuy nhiên, nếu không đổi mới, hoạt động này lại rơi vào vết xe đổ và việc phân luồng học sinh sau THCS sẽ gặp thách thức.

THẢO THƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên