![Thấy gì từ thượng đỉnh 'trí tuệ nhân tạo mở' ở Paris? - Ảnh 1.](https://cdn.tuoitre.vn/thumb_w/730/471584752817336320/2025/2/14/tong-thong-phap-macron-va-thuong-dinh-ai-read-only-17395018717501860032147.jpg)
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chụp ảnh selfie bằng smartphone tại một sự kiện bên lề Hội nghị thượng đỉnh AI tại Paris (Pháp) vào ngày 11-2 - Ảnh: Reuters
Các nước đã ký tuyên bố về "AI mở" nhằm thúc đẩy phát triển AI có đạo đức và tính bao trùm, đồng thời ủng hộ đối thoại toàn cầu về quản lý trí tuệ nhân tạo và phản đối "sự tập trung thị trường".
Đáng chú ý, Mỹ và Anh từ chối ký vào văn bản này. Phó tổng thống Mỹ J.D. Vance cho rằng các quy định về AI cần thúc đẩy phát triển thay vì kìm hãm ngành công nghiệp, đồng thời bày tỏ lo ngại về việc hợp tác với "chế độ độc tài" (ám chỉ Trung Quốc).
Ông cũng chỉ trích các quy định bảo vệ dữ liệu quá nghiêm ngặt của châu Âu. Phía Anh tuyên bố chỉ tham gia các sáng kiến phù hợp với lợi ích quốc gia.
Roman Dushkin, tổng giám đốc điều hành của A-Ya Expert và giảng viên cao cấp khoa điều khiển học tại NRNU MEPhI, giải thích việc Mỹ và Anh từ chối là dễ hiểu: "Tại sao họ phải ký khi họ là một trong những nhà phát triển hàng đầu? Lập trường của Vương quốc Anh rất đơn giản: họ muốn tạo ra những mô hình AI tốt nhất ở châu Âu và bán cho toàn thể người dân châu Âu. Họ viết về điều đó mà không hề do dự hay vòng vo".
Hiện có ba quan điểm chính trong quản lý AI: Mỹ ủng hộ để AI trong tay doanh nghiệp lớn, với xu hướng nới lỏng các hạn chế dưới thời ông Trump; Trung Quốc muốn Nhà nước kiểm soát; còn châu Âu đề cao khía cạnh đạo đức và giám sát xã hội. Rõ ràng AI hiện đại thực sự là một vũ khí, và không quốc gia nào có khả năng phát triển công nghệ này lại từ chối nó.
Luật của châu Âu trong lĩnh vực AI được đánh giá khá toàn diện và nghiêm ngặt. EU cấm thu thập thông tin nhận dạng khuôn mặt từ Internet, yêu cầu minh bạch với các hệ thống AI "rủi ro cao". Điển hình như việc Apple phải bổ sung khả năng tải xuống các ứng dụng của bên thứ ba vào thiết bị của mình để tuân thủ quy định của EU. Người ta cũng chưa quên việc người đứng đầu Telegram, Pavel Durov, đã từng bị bắt giữ tại Paris.
Tuy nhiên, những nỗ lực của Pháp trong lĩnh vực AI còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát của Le Point, 67% người dân Pháp không tin vào khả năng lãnh đạo của nước này trong lĩnh vực AI. Dù có nghiên cứu về AI, Pháp vẫn chưa tạo ra được các giải pháp Internet có tầm ảnh hưởng toàn cầu như Trung Quốc.
Về phía Nga và Ấn Độ, dù được đánh giá là những đối thủ tiềm năng trong lĩnh vực AI, quan điểm và hành động của họ vẫn chưa rõ ràng. Điều này cho thấy cuộc đua phát triển và quản lý AI toàn cầu vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp trong tương lai, đặc biệt khi các cường quốc công nghệ có những cách tiếp cận và mục tiêu khác biệt.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận