27/08/2024 13:41 GMT+7

Vì sao CEO Telegram Pavel Durov là 'Mark Zuckerberg của Nga'?

Pavel Durov, nhà đồng sáng lập Telegram, đã tạo nên một trong những nền tảng trực tuyến lớn nhất thế giới, đề cao tự do ngôn luận. Tuy nhiên, chính hướng đi này đưa ông vào tầm ngắm của các cơ quan chức năng.

CEO Telegram Pavel Durov: Từ 'Mark Zuckerberg của Nga' đến khi bị bắt - Ảnh 1.

Ông Pavel Durov, nhà đồng sáng lập và CEO của Telegram - Ảnh: REUTERS

Ông Pavel Durov bị bắt giữ tại Pháp hôm 24-8, trong cuộc điều tra liên quan đến các hoạt động tội phạm trên Telegram.

Ngày 26-8, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói về vụ bắt giữ ông Durov và khẳng định rằng Pháp cam kết mạnh mẽ với tự do ngôn luận, nhưng "trong một nhà nước pháp quyền, các quyền tự do phải được duy trì trong khuôn khổ pháp lý, cả trên mạng xã hội và ngoài đời thực".

Đề cao quyền riêng tư

Việc bắt giữ ông Durov đã tạo ra làn sóng tranh cãi, biến ông trở thành người hùng trong mắt những người lo ngại về tự do ngôn luận và sự kiểm duyệt của chính phủ, đặc biệt khi hoạt động giám sát nội dung trực tuyến đang ngày càng gia tăng trên toàn cầu.

Tỉ phú Elon Musk, chủ sở hữu của mạng xã hội X (Twitter), và Edward Snowden, cựu nhân viên tình báo Mỹ, là những người lên tiếng bảo vệ ông Durov.

Hashtag #FreePavel đã lan truyền trên X khi cuộc tranh luận về mối quan hệ mập mờ giữa công nghệ và tự do ngôn luận bùng nổ.

Telegram tuyên bố họ tuân thủ luật pháp Liên minh châu Âu (EU). "Thật vô lý khi cho rằng một nền tảng hoặc chủ sở hữu của nó phải chịu trách nhiệm cho việc lạm dụng nền tảng đó", đại diện công ty tuyên bố.

Theo báo New York Times, Telegram từ lâu đã mang đậm tinh thần cam kết với tự do ngôn luận của ông Durov. Ông tin tưởng mạnh mẽ rằng chính phủ không nên kiểm duyệt những gì mọi người nói hoặc làm trên Internet.

"Quyền riêng tư, cuối cùng, quan trọng hơn nỗi sợ hãi của chúng ta về những điều xấu xảy ra, như khủng bố", ông Durov viết năm 2015.

Dù vậy, cách tiếp cận không can thiệp của ông Durov cũng đã thu hút các phần tử khủng bố, cực đoan, buôn lậu, lừa đảo và buôn bán ma túy đến với Telegram.

Chọn rời Nga

Năm 2014, ông rời Nga khi sự giám sát của các cơ quan an ninh nước này ngày càng tăng và cuối cùng chuyển đến Dubai, nơi ông cho rằng chính phủ sẽ không can thiệp vào công việc kinh doanh.

Sinh năm 1984 tại Liên Xô, ông Durov cùng gia đình chuyển đến miền Bắc nước Ý khi ông mới 4 tuổi. Anh trai ông, Nikolai, một thiên tài toán học, từng xuất hiện trên truyền hình Ý để giải các phương trình bậc ba, sau đó trở thành giám đốc công nghệ của Telegram.

Đầu những năm 1990, sau khi Liên Xô sụp đổ, gia đình ông Durov trở về St. Petersburg, nơi hai anh em Pavel và Nikolai tham gia các cuộc thi toán học và lập trình trên chiếc máy tính IBM mà gia đình mang về từ Ý.

Trong thời gian học đại học ở St. Petersburg, một người bạn đã giới thiệu cho ông Durov phiên bản đầu tiên của Facebook. Lấy cảm hứng, ông Durov bắt đầu phát triển phiên bản của riêng mình là Vkontakte.

Ông Durov cho biết đã bắt đầu xây dựng Telegram như một cách liên lạc an toàn hơn sau khi lực lượng an ninh Nga xuất hiện tại căn hộ của ông vào khoảng năm 2011. Khi đó, ông vẫn đang điều hành Vkontakte trong khi xây dựng Telegram.

Chính phủ cuối cùng đã đưa ra tối hậu thư: Cung cấp dữ liệu về người dùng Vkontakte hoặc mất quyền kiểm soát công ty và buộc phải rời khỏi đất nước.

"Tôi đã chọn rời đi", ông Durov nói.

Tự do trong khuôn khổ

Sau khi ông Durov bị bắt cuối tuần qua, cựu thủ tướng và tổng thống Nga Dmitry Medvedev, hiện là phó chủ tịch Hội đồng An ninh Nga, đã viết trên Telegram rằng ông Durov "muốn trở thành một người đàn ông tài giỏi trên thế giới, sống tốt mà không cần quê hương" nhưng "ông đã tính toán sai".

Kể từ khi rời Nga, ông Durov thường xuyên di chuyển cùng các kỹ sư của Telegram, thay đổi địa điểm vài tháng một lần.

Ông từng sống ở Barcelona, Bali, Berlin, Helsinki và San Francisco, dù ông đã chọn Dubai làm trụ sở chính thức của Telegram.

Ông vẫn là một lãnh đạo kỹ thuật đầy tâm huyết, thường ám ảnh với các tính năng của ứng dụng mà bỏ qua việc kiếm tiền hoặc kiểm soát các hoạt động tội phạm.

Ông Durov có quốc tịch Các tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) và Pháp. Dù di chuyển bằng máy bay riêng, ông cho biết không thích mua sắm, giữ hàng trăm triệu USD trong tài khoản ngân hàng và bitcoin để đảm bảo sự tự do.

Bloomberg ước tính tài sản ròng của ông hơn 9 tỉ USD.

Telegram hiện có gần 1 tỉ người dùng trên toàn thế giới, lớn hơn cả X. Ứng dụng này hoạt động như một ứng dụng nhắn tin, tương tự như WhatsApp hay iMessage.

Khi Telegram trở nên phổ biến, cách tiếp cận nhẹ nhàng của ông Durov trong việc kiểm soát nội dung đã bị chỉ trích. Các nhà hoạch định chính sách, cơ quan thực thi pháp luật và các nhà nghiên cứu an ninh cho rằng ứng dụng đã trở thành nơi ẩn náu cho thông tin sai lệch, tuyên truyền khủng bố, chủ nghĩa cực đoan, buôn bán ma túy, nội dung khiêu dâm trẻ em và buôn bán vũ khí.

Trong nhiều năm, Telegram đã gỡ bỏ một số nội dung, chẳng hạn như tài liệu lạm dụng tình dục trẻ em hoặc các bài viết kích động bạo lực. Nhưng các cơ quan chức năng thường thất vọng với sự thiếu hợp tác của ông Durov.

Một số người còn lo ngại rằng Telegram duy trì mối quan hệ với Chính phủ Nga, nơi đã bỏ lệnh cấm ứng dụng này vào năm 2020. Các chuyên gia an ninh cũng cảnh báo rằng công cụ không sử dụng các tiêu chuẩn mã hóa giống như các ứng dụng khác như Signal, do đó không an toàn như công ty tuyên bố.

CEO Telegram Pavel Durov: Từ 'Mark Zuckerberg của Nga' đến khi bị bắt - Ảnh 1.CEO Telegram là con tin chính trị?

CEO Telegram Pavel Durov bị bắt ở Pháp cùng lúc tạo ra hai cuộc tranh luận về kiểm duyệt thông tin không gian mạng và về tình trạng đối đầu chính trị giữa Nga và các nước phương Tây.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên