Thay đổi thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân cần lưu ý gì?

Từ ngày 15-8, nghị định 188/2025 chính thức có hiệu lực, với những quy định cụ thể về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế. Người dân cần nắm rõ những thay đổi để đảm bảo quyền lợi của mình.

bảo hiểm y tế - Ảnh 1.

Người dân đi khám bảo hiểm y tế ở một bệnh viện tại Hà Nội - Ảnh: HÀ QUÂN

Nghị định 188/2025 chính thức có hiệu lực từ ngày 15-8 (một số điều có hiệu lực từ ngày 1-7), với những quy định cụ thể về thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế (BHYT). Các quy định này được kỳ vọng sẽ tạo thuận lợi cho người dân khi đi khám chữa bệnh.

Không được yêu cầu người bệnh sao chụp giấy tờ

Một quy định rất nhân văn trong nghị định 188 là cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội không được yêu cầu người bệnh tự sao chụp thẻ BHYT hoặc giấy tờ liên quan. Nếu cần, cơ sở y tế và cơ quan bảo hiểm xã hội phải tự thực hiện việc sao chụp sau khi được người bệnh hoặc người giám hộ đồng ý.

Cơ quan bảo hiểm xã hội cũng khuyến cáo người dân nên chủ động cập nhật thông tin BHYT lên tài khoản định danh điện tử (VNeID) mức độ 2 hoặc ứng dụng VssID, để việc khám chữa bệnh diễn ra nhanh chóng, thuận tiện, tránh bị gián đoạn quyền lợi do thiếu hoặc sai thông tin.

Theo quy định, người có thẻ BHYT khi đi khám chữa bệnh cần xuất trình thông tin thẻ BHYT và giấy tờ xác minh nhân thân theo một trong các cách sau:

Căn cước công dân (CCCD) hoặc VNeID mức độ 2 đã tích hợp thông tin BHYT.

Thẻ BHYT bản giấy hoặc bản điện tử.

Trường hợp thẻ BHYT không có ảnh hoặc chưa có mã số BHYT điện tử, cần mang thêm một giấy tờ xác minh nhân thân như CCCD, hộ chiếu, giấy xác nhận của công an xã hoặc tài khoản VNeID/VssID có liên kết BHYT.

Với một số nhóm như học sinh, sinh viên, người nghèo... nếu chưa thể tra cứu được thẻ BHYT qua hệ thống, vẫn cần mang theo thẻ BHYT bản giấy.

Nghị định quy định rõ trẻ em dưới 6 tuổi khi đi khám chỉ cần xuất trình thẻ BHYT bản giấy hoặc bản điện tử hoặc mã số BHYT. Nếu chưa có thẻ, sử dụng giấy chứng sinh bản gốc hoặc bản chụp.

Trường hợp trẻ vừa sinh chưa được cấp giấy tờ, cha mẹ hoặc người đại diện có thể ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án hoặc nhờ cán bộ y tế xác nhận.

Trong trường hợp người tham gia BHYT đang chờ cấp lại hoặc điều chỉnh thông tin thẻ, khi đi khám cần mang theo giấy hẹn trả kết quả cấp thẻ hoặc thông tin thẻ do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp; giấy tờ chứng minh nhân thân (CCCD, hộ chiếu, VNeID, VssID...).

Đối với người hiến bộ phận cơ thể: Nếu chưa có thẻ BHYT, người hiến tạng vẫn được khám chữa bệnh BHYT nếu xuất trình giấy ra viện của cơ sở nơi thực hiện hiến tạng. Kèm theo giấy tờ tùy thân như CCCD, hộ chiếu, tài khoản VNeID/VssID hoặc xác nhận nhân thân từ cơ quan chức năng.

Trường hợp cần điều trị ngay sau khi hiến, người bệnh và bệnh viện phải xác nhận vào hồ sơ bệnh án.

Chưa xuất trình thẻ BHYT khi nhập viện, thanh toán thế nào?

Đối với trường hợp cấp cứu, người bệnh phải bổ sung các giấy tờ hợp lệ (thẻ BHYT, CCCD, hộ chiếu, giấy xác nhận của công an xã hoặc tài khoản VNeID/VssID có liên kết BHYT) trước khi kết thúc đợt điều trị, để được thanh toán chi phí BHYT theo đúng quy định.

Người có thẻ BHYT nhưng chưa kịp xuất trình thẻ khi nhập viện (trừ trường hợp cấp cứu) vẫn được thanh toán BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ. Phần chi phí trước đó sẽ được xem xét thanh toán trực tiếp theo quy định nếu đủ điều kiện.

Nếu tài khoản VNeID/VssID bị lỗi hoặc mất kết nối Internet, người bệnh cần cung cấp mã số BHYT để bệnh viện tra cứu trên hệ thống của Bảo hiểm xã hội Việt Nam. 

Nếu không tra được, bệnh viện vẫn tiếp nhận điều trị và phối hợp với bảo hiểm xã hội để xác minh sau.

Khi ra viện, nếu hệ thống vẫn chưa hoạt động lại, hồ sơ bệnh án sẽ được gửi tới cơ quan bảo hiểm xã hội để xác minh và thanh toán sau. Người bệnh phải cam kết cung cấp thông tin chính xác về BHYT của mình.

Thay đổi thủ tục khám chữa bệnh bảo hiểm y tế, người dân cần lưu ý gì? - Ảnh 3.Từ 1-7 ai được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế?

Từ 1-7, hàng triệu học sinh, sinh viên cả nước sẽ được hỗ trợ 50% mức đóng bảo hiểm y tế, thay vì chỉ 30% như trước. Ngoài ra bổ sung quy định hỗ trợ mức đóng bảo hiểm y tế cho 4 đối tượng.


Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên