15 phút đi thuyền
Có mặt từ lúc sáng sớm để đi chuyến tàu đầu tiên từ đất liền đến Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 nằm trên đảo Trí Nguyên (vịnh Nha Trang, Khánh Hòa), thầy cô giáo người ôm cặp sách, người cầm nhánh hoa… háo hức gặp các em học sinh và làm lễ khai giảng bắt đầu năm học mới.
Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 đóng tại đảo Trí Nguyên, cách bến tàu dân sinh Phú Quý khoảng 15 phút đi thuyền. Tại đây hiện có 301 học sinh tiểu học là con em của ngư dân trên đảo.
Ngoài ra, Trường Vĩnh Nguyên 3 còn có 2 điểm trường hải đảo khác cách đất liền 6 - 8 hải lý gồm: điểm trường đảo Bích Đầm, điểm trường đảo Vũng Ngán. Trong đó điểm trường đảo Bích Đầm có 2 lớp với 47 học sinh; điểm trường đảo Vũng Ngán có 2 lớp với 30 học sinh.
Cô Võ Thị Hương Trang - hiệu trưởng Trường tiểu học Vĩnh Nguyên 3 - cho hay để sang đảo các giáo viên bắt buộc phải đi thuyền, với các điểm trường xa như Bích Đầm, Vũng Ngán thời gian di chuyển lâu hơn và số lượng tàu thuyền qua lại rất ít.
"Do đặc thù sinh sống ở trên đảo nên các em ít tiếp cận với cái mới, kỹ năng giao tiếp không bằng học sinh đất liền. Bên cạnh đó, giữa các điểm trường hải đảo cách nhau, đường thủy là cách đi lại duy nhất, lại thường rất khó khăn… khiến công tác quản lý dạy học ở các điểm đảo khá khó khăn", cô Trang chia sẻ.
Tuy vậy, theo cô Trang, cán bộ, giáo viên trên đảo vẫn cố gắng truyền tải, giảng dạy đến các em học sinh. Thư viện, sách truyện cũng được mang từ đất liền ra đảo phục vụ việc giải trí, học hỏi thêm kiến thức của các em.
Cô Cao Thị Mỹ Duyên (23 tuổi, người dân tộc Raglai) cho hay nhà cô ở huyện miền núi Khánh Sơn, cô chọn ra đảo giảng dạy vì muốn mang con chữ đến những nơi khó khăn.
"Tôi đi từ Khánh Sơn xuống Nha Trang rồi đi thuyền qua đảo Bích Đầm dạy, vì quãng đường xa, phương tiện đi lại ít nên tôi và các giáo viên thường sẽ chọn ở lại trường, thứ bảy, chủ nhật mới về lại đất liền.
Đến nay tôi đã công tác được 2 năm tại điểm trường Bích Đầm, các em tuy sống thiếu thốn nhưng vui tươi và rất hồn nhiên. Tôi muốn cống hiến sức trẻ của mình giúp các em có thêm nhiều kiến thức vì đa phần các em nếu không đến trường sẽ phải theo cha mẹ đi biển hoặc lao động sớm", cô Duyên nói.
Cầm tay học trò viết tên lên nhãn vở, cô Trương Thị Huyền Vy - chủ nhiệm lớp 1A điểm trường Trí Nguyên - tâm sự các em học sinh trên đảo nếu muốn học lên cấp 2, 3 nếu có điều kiện hoặc người nhà trong đất liền thì sẽ vào đất liền học, còn lại thì xin học phổ cập trên đảo.
"Dù trên đảo vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tôi tin với sự tâm huyết của giáo viên sẽ phần nào bù đắp cho những thiếu thốn của các em" - cô Vy cho biết.
Khai giảng tại huyện đảo Trường Sa
Sáng 5-9, lãnh đạo UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa) cho hay các trường tiểu học học tại 3 đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Đá Tây A và thị trấn Trường Sa đã khai giảng năm học mới.
Trước đó, các cán bộ, chiến sĩ cùng thầy cô giáo và các học sinh trang hoàng trường từ sớm để đón chờ ngày khai trường.
Thầy Bùi Tiến Anh (25 tuổi, trú huyện miền núi Khánh Vĩnh) - giáo viên dạy trên đảo Song Tử Tây - cho hay đây là lần đầu tiên thầy được ra đảo dạy học. Sau khi tham dự lễ khai giảng sáng nay, thầy được phân công phụ trách giảng dạy lớp mẫu giáo và lớp 4.
"Tôi muốn mang sức trẻ, kiến thức của mình giúp các em nhỏ nơi hải đảo, góp sức mình cho quê hương. Vì vậy tôi đã đăng ký ra đây giảng dạy. Tuy ở đây còn nhiều thiếu thốn, nhưng ấn tượng nhất với tôi đó là sự ngây thơ hồn nhiên của các em nhỏ trên đảo. Các em như những tờ giấy trắng nên tiếp thu nhanh và rất vâng lời.
Nhờ sự quan tâm hỗ trợ mà sách vở và trang thiết bị trên đảo khá đầy đủ, tuy nhiên nơi đây không có mạng nên muốn cập nhật thêm phương pháp giảng dạy hay thông tin tôi phải điện vào trong đất liền. Vì là lần đầu ra đảo giảng dạy tôi cũng có chút bỡ ngỡ, nhưng tôi tin mình sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục của mình", thầy Anh nói.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận