Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban bí thư Trần Quốc Vượng trao tặng bằng khen và hoa cho các tập thể, cá nhân điển hình toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Sáng 19-8, 20 gương cá nhân, 5 tập thể được nhận bằng khen của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc tại chương trình giao lưu toàn quốc các điển hình tiêu biểu học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2019 với tên gọi Hồ Chí Minh - Hành trình khát vọng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá những tấm gương sáng trong học tập và làm theo Bác, những câu chuyện cảm động về tình yêu quê hương, đất nước, yêu thương con người, về đạo đức lan tỏa trong đời sống xã hội, tạo động lực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước.
Anh dũng trong chiến đấu, anh hùng trong sự nghiệp đổi mới
Cựu chiến binh Phùng Minh Út chia sẻ câu chuyện tự nguyện góp công góp sức vận động xây cất nhà tình nghĩa cho đồng đội tại chương trình giao lưu - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Cựu chiến binh Phùng Minh Út (64 tuổi, phó chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Gia Hòa 2, huyện Mỹ Xuyên, tỉnh Sóc Trăng) là thương binh hạng 4/4.
Hòa bình lập lại, ông Út trở về quê hương cùng gia đình khai phá 2ha đất thực hiện mô hình tôm - lúa, gắn với phát triển trồng trọt và cung cấp con giống cho các hộ nuôi tôm, tiền lãi một ít dành dụm tái sản xuất, phần còn lại ông giúp cho gia đình liệt sĩ, đồng chí, đồng đội.
Ông tự nguyện góp công, góp của, vận động bạn bè xây cất nhà tình nghĩa cho các đồng đội, những người khó nghèo.
Từ miền Nam ra thăm Bác, cựu chiến binh Út xúc động chia sẻ hình ảnh Bác luôn hiện diện trong ông với lòng kính trọng.
Còn anh nông dân Ngô Văn Đậu (56 tuổi, ở An Giang) luôn say mê làm kinh tế giỏi, tự nguyện hiến đất xây nghĩa trang cho người nghèo, mua xe chuyển bệnh nhân miễn phí.
Khi được hỏi điều gì thôi thúc anh làm như vậy, anh Đậu khiêm nhường nói: "Việc làm của tôi là thiết thực trong tâm, noi gương theo Bác. Thấy cô bác, anh em bà con khó khăn nên mình giúp đỡ bà con".
Các vị khách mời là những tấm gương điển hình giao lưu tại chương trình - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Lắng nghe câu chuyện của hai người đàn ông trên, anh hùng lao động - nhà giáo nhân dân Nguyễn Đức Thìn thốt lên: "Các anh là những bông hoa đời, tôi muốn chụp hình, làm thơ".
Ông Thìn cũng là một trong 20 cá nhân điển hình được trao tặng bằng khen lần này. Ông nói mỗi ngày đều học ở những người tốt, việc tốt xung quanh mình và thi đua với chính mình.
Mắc bệnh phong ở tuổi 30, trong 1.461 ngày điều trị tại Bệnh viện Phong Quỳnh Lập (Nghệ An), ông đã không để phí một ngày nào vừa điều trị vừa học tập và tổ chức lớp học tình thương cho các em học sinh.
Là người khuyết tật, đôi bàn tay đã hoàn toàn toàn không cảm giác, không còn xòe ra được, ông Thìn vẫn cầm bút gõ máy tính và tiếp tục sáng tác thơ, văn và viết báo, tích cực tham gia các hoạt động đoàn thể, xã hội ở địa phương.
Đi dọc đất nước vẽ mẹ Việt Nam anh hùng
Họa sĩ Đặng Ái Việt, người con từ miền Nam ra thăm lăng Bác, xúc động chia sẻ câu chuyện đi khắp dọc dài đất nước vẽ lại hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng. Chín năm qua, bà đã vẽ 2.097 hình ảnh mẹ Việt Nam anh hùng trên khắp dải đất chữ S.
"Ngày 16-8 tôi đã vẽ bà mẹ ở xã Đại Đồng (huyện Thạch Thất, Hà Nội) là mẹ Việt Nam anh hùng thứ 2.097 của cả nước.
Chín năm tôi đi vẽ mẹ Việt Nam anh hùng, rất nhiều người hỏi: họa sĩ đi vẽ là vì đam mê? Vâng, đam mê là đúng bởi nghệ sĩ phải có đam mê, nhưng tôi vẽ hơn cả sự đam mê là làm theo lời Bác dạy.
Tôi là người chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, việc sáng tác, gắn bó phải gắn với phục vụ nhân dân", họa sĩ Đặng Ái Việt nói.
Cựu tù Côn Đảo Bùi Văn Toản xúc động nhận món quà là chiếc radio ngày trước - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Một ca sĩ nước ngoài biểu diễn bài hát "Bài ca Hồ Chí Minh" cùng với các em thiếu nhi - Ảnh: NGUYỄN KHÁNH
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận