08/08/2020 09:53 GMT+7

Thầy chủ nhiệm ở tâm dịch Đà Nẵng nhắn với học trò: Chớ than phận khó!

ĐOÀN CƯỜNG
ĐOÀN CƯỜNG

TTO - “Thầy muốn nhắn nhủ các em hãy ngừng than vãn, sống lạc quan, tích cực để chúng ta lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực giúp đẩy lùi những năng lượng tiêu cực trên thành phố Đà Nẵng xinh đẹp này”- thầy Nguyễn Đình Hòa viết.

Thầy chủ nhiệm ở tâm dịch Đà Nẵng nhắn với học trò: Chớ than phận khó! - Ảnh 1.

Thầy Hòa phát giấy báo dự thi tốt nghiệp THPT năm 2020 trước khi có quyết định hoãn thi - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Trước khi có quyết định hoãn thi tốt nghiệp THPT, thầy Nguyễn Đình Hòa - giáo viên chủ nhiệm lớp 12 Trường THPT Trần Phú (Đà Nẵng) - và đồng nghiệp vẫn thực hiện đầy đủ việc chuẩn bị cho kỳ thi. Ngày 28-7, thầy cô phát giấy báo dự thi cho học sinh. Sáng 1-8, họ tiếp tục tham gia tập huấn công tác thi.

Thầy Hòa chia sẻ: "Tôi viết để động viên học trò, các em hãy an tâm, tập trung cho đợt thi sau".

Thầy chủ nhiệm ở tâm dịch Đà Nẵng nhắn với học trò: Chớ than phận khó! - Ảnh 2.

Máy rửa tay tự động, sát khuẩn được trang bị trước Trường THPT Trần Phú hôm 28-7 - Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG

Thầy Hòa viết:

Gởi các bạn 12

Như vậy, Bộ GD-ĐT đã chính thức cho phép học sinh Đà Nẵng và một số huyện của tỉnh Quảng Nam dời lại ngày thi THPT năm 2020.

Nhiều em nhắn tin hỏi thầy dời lại là dời đến khi nào?. Quả thật, thầy cũng không thể trả lời chính xác trước tình hình dịch bệnh phức tạp như thế này.

Các em cần nhận thức được rằng đây là giải pháp bất khả kháng được đưa ra trong một tình huống hiểm nghèo nhằm mục đích trước hết là bảo vệ sức khỏe, tính mạng của các em và của cả cộng đồng.

Có nhiều em ý kiến: tại sao không hủy (bỏ) thi, chỉ xét tốt nghiệp?. Hiện nay Luật giáo dục vẫn yêu cầu học sinh 12 hoàn thành chương trình học phải thi tốt nghiệp, có những trường hợp đặc cách nhưng luật chưa tính đến tình huống phải bỏ thi trên diện rộng như hiện nay. Thầy cũng muốn an toàn, cũng muốn không phải đi coi thi, chấm thi...nhưng nhiều quy định liên quan chưa cho phép bỏ kỳ thi này. Chưa kể đến rất nhiều bạn học sinh có năng lực, đã ngày đêm nỗ lực ôn luyện để có điểm thi cao xét vào các trường đại học danh giá. Giờ đây, nếu xét tốt nghiệp chứ không thi, bao nhiêu công sức của các bạn ấy đổ sông đổ biển như dã tràng xe cát.

Các bạn hoang mang vì không biết dời đến khi nào?. Như các cấp lãnh đạo đã nói, khi nào hết dịch, xã hội an toàn mới tổ chức thi. Thay vì hoang mang trước một thời gian vô định, các em hãy nhìn bao bác sĩ, chiến sĩ, tình nguyện viên đang vững tâm đi vào tâm dịch, chiến đấu với những nguy hiểm vô hình đang rình rập xung quanh. 

Nỗi đau của em có so bằng nỗi đau mất đi người thân mà không được nhìn mặt lần cuối, chỉ nhận được hũ tro cốt từ người khác. Nỗi khổ tâm của các em có bằng người mẹ chưa hề chuẩn bị đã phải dứt sữa cho đứa con mấy tháng tuổi để vào vùng cách ly làm nhiệm vụ?. Vậy thì tại sao ta không coi việc ở yên tại nhà, nỗ lực ôn bài, luyện tập thể thao, giữ vệ sinh, đảm bảo sức khỏe là một nhiệm vụ giữa mùa dịch?.

Thầy chủ nhiệm ở tâm dịch Đà Nẵng nhắn với học trò: Chớ than phận khó! - Ảnh 3.

Thầy Hòa cùng học trò - Ảnh: FB nhân vật

Các em lo về việc học ĐH? Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường ĐH phải có phương án tuyển sinh, để dành chỉ tiêu hoặc xin tăng thêm chỉ tiêu cho học sinh vùng dịch. ĐH Đà Nẵng đã sớm công bố phương án tuyển sinh cho học sinh Đà Nẵng, Quảng Nam. Theo thầy biết còn nhiều trường đại học khác sẽ có phương án phù hợp với tình hình thực tế hiện nay.

Các em lo không vào được ngành mà mình yêu thích?. Khi không có cái mình yêu, phải biết yêu cái mình có. Biết bao người quyết tâm chọn ngành yêu thích để rồi ra đời phải làm những việc trái ngành mà vẫn thành công. Thầy vốn chuyên toán, cuộc đời đưa đẩy thầy đi dạy văn vẫn có thể dạy tốt đó thôi. Khi con trai của cô giáo Thuy Le trượt trường y theo truyền thống của gia đình, cô đã rất đau khổ mấy ngày. Chồng cô đã phải động viên cô rất nhiều. 

Giờ anh con trai cô ấy tốt nghiệp ĐH Kinh tế Đà Nẵng loại xuất sắc, là sinh viên xuất sắc tiêu biểu của trường với rất nhiều thành tích nổi trội. Anh ấy tự tìm học bổng, tự đi xin việc và giờ là nhân viên của Big4, bốn hãng kiểm toán lớn nhất thế giới với lịch sử hơn 100 năm. Sự thay đổi tập cho chúng ta khả năng thích nghi, giải phóng những năng lượng tiềm ẩn mà ta chưa khám phá được. Ca dao ngày xưa có câu:

Chớ than phận khó ai ơi

Còn da lông mọc còn chồi nảy cây!

Thầy muốn nhắn nhủ các em hãy ngừng than vãn, sống lạc quan, tích cực để chúng ta lan tỏa một nguồn năng lượng tích cực giúp đẩy lùi những năng lượng tiêu cực trên thành phố Đà Nẵng xinh đẹp này!

Thí sinh nói gì trước kỳ thi? Thí sinh nói gì trước kỳ thi?

TTO - Chiều nay 8-8, các thí sinh đến phòng thi làm thủ tục, bắt đầu kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020. Đây là một kỳ thi đặc biệt, diễn ra khi dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

ĐOÀN CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên