24/12/2020 15:03 GMT+7

Thất bại BOT giao thông thì không thể phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhận định nhu cầu vốn đầu tư vào hạ tầng giao thông trong 10 năm tới rất lớn, nếu thất bại BOT giao thông thì không thể thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng theo chiến lược.

Thất bại BOT giao thông thì không thể phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng - Ảnh 1.

Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho rằng phải làm các dự án BOT giao thông hấp dẫn để nhà đầu tư, ngân hàng tham gia - Ảnh: H.HÙNG

Nhận định đó được Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đưa ra tại hội nghị tổng kết công tác năm 2020, giai đoạn 2016-2020 và triển khai kế hoạch năm 2021, nhiệm vụ chủ yếu giai đoạn 2021-2025 của Bộ Giao thông vận tải tổ chức sáng 24-12.

Phó thủ tướng đánh giá dù ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhưng năm 2020 kinh tế nước ta vẫn tăng trưởng, trong đó có sự đóng góp rất quan trọng của ngành giao thông. 

Ngoài đầu tư phát triển hạ tầng, ngành giao thông còn rất tích cực trong cứu hộ, cứu nạn để bảo vệ người dân, bảo đảm giao thông thông suốt. 

Thay mặt Thủ tướng, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chuyển lời khen của Thủ tướng đến Bộ Giao thông vận tải.

Tuy nhiên, Phó thủ tướng cũng đánh giá ngành giao thông còn những tồn tại hạn chế và đứng trước nhiều thách thức như: các dự án công trình khởi công mới, đặc biệt dự án dùng vốn ngân sách nhà nước và đối tác công - tư (PPP) giai đoạn 2016-2020 rất ít so với yêu cầu. Mục tiêu đến năm 2020 đưa vào sử dụng khoảng 2.000km đường cao tốc nhưng phải năm 2022 mới đạt được...

Phó thủ tướng dẫn chứng nhu cầu đầu tư của ngành giao thông giai đoạn 2021-2025 cần 700.000 tỉ đồng nhưng chỉ cân đối được 230.000 tỉ đồng, trong đó 150.000 tỉ đồng chuyển nguồn từ giai đoạn trước. 

Dự thảo chiến lược phát triển đất nước trong 10 năm tới cần có thêm 3.000km đường cao tốc để tới năm 2030 có tổng số 5.000km đường cao tốc, đưa nước ta trở thành nước công nghiệp có thu nhập ở mức trung bình cao. 

Để làm 3.000km đường cao tốc tính theo giá hiện nay cần 600.000 tỉ đồng thì 5 năm tới cần xấp xỉ 300.000 tỉ đồng cho đường cao tốc. Nhưng cả ngành chỉ được bố trí hơn 230.000 tỉ đồng. Chưa kể cần vốn đầu tư cho lĩnh vực khác, làm đủ các tuyến đường sắt đô thị ở Hà Nội, TP.HCM cũng cần 70-80 tỉ USD...

"Nhu cầu rất lớn nhưng khả năng cấp vốn hạn chế. Việc huy động nguồn lực ngoài ngân sách phát triển kết cấu hạ tầng giao thông còn rất khó khăn. Phải hoàn thiện pháp luật PPP để tháo gỡ khó khăn nhằm huy động các nguồn lực, để người đầu tư cảm thấy an toàn, đã ký hợp đồng với Nhà nước rồi mà không có hiệu lực nếu đúng phát luật thì doanh nghiệp có thể kiện Nhà nước. Phải tính hiệu quả các dự án để người ta thấy hấp dẫn mà vào làm. 

Bây giờ ngân hàng thấy không hiệu quả nên không vào cuộc khiến các dự án BOT thất bại. Chúng ta mà thất bại BOT giao thông thì không thể thực hiện mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng theo chiến lược được" - Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng lý giải.

Phó thủ tướng đề nghị Bộ Giao thông vận tải tập trung xây dựng kế hoạch trung hạn 2021-2025, đẩy mạnh tiến độ giải ngân các dự án trọng điểm đã có nguồn vốn bố trí, đẩy nhanh tiến độ đầu tư hạ tầng các dự án giao thông như đường cao tốc Bắc - Nam, đường cao tốc ở Tây Nam Bộ, cao tốc liên vùng, các đường vành đai của TP.HCM, đường sắt đô thị của Hà Nội, TP.HCM, nâng cấp mở rộng các sân bay.

"Các bộ ngành, địa phương phối hợp chặt chẽ, xử lý dứt điểm tồn tại vướng mắc trong quá trình triển khai các dự án, nhất là dự án quan trọng. Xử lý các vướng mắc dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông để sớm đưa vào khai thác, sử dụng. Đường sắt đô thị đưa vào khai thác càng chậm càng kém hiệu quả, thất thoát vô hình dù thất thoát không vào ai" - Phó thủ tướng đề nghị.

Theo Bộ Giao thông vận tải, giai đoạn 2011-2020 đã hoàn thành khoảng 1.074km đường cao tốc, đưa tổng chiều dài cao tốc đang khai thác lên 1.163km. Mạng lưới quốc lộ đạt 24.598km, các tuyến quốc lộ chính yếu được đưa vào cấp kỹ thuật, thay thế cầu yếu và đồng bộ tải trọng, tỉ lệ mặt đường bêtông nhựa được nâng lên 64%...

Hiện nay, Bộ Giao thông vận tải đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng đường cao tốc Bắc - Nam, cao tốc Bến Lức - Long Thành, sân bay Long Thành, cao tốc Mỹ Thuận - Cần Thơ, nâng cấp kênh Chợ Gạo giai đoạn 2, các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội và TP.HCM, nâng cấp, mở rộng các sân bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng…

Dự án BOT giao thông hụt nguồn thu:  Bỏ cũng dở, ở không xong Dự án BOT giao thông hụt nguồn thu: Bỏ cũng dở, ở không xong

TTO - Bộ GTVT vừa kiến nghị Thủ tướng cho phép tăng phí BOT theo hợp đồng dự án vào thời điểm phù hợp, bởi nếu giữ nguyên mức phí như hiện tại, Nhà nước cần bố trí khoảng 5.080 tỉ đồng hỗ trợ do chưa được tăng giá theo hợp đồng BOT đã ký.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên