Sinh viên có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu trí tuệ nhân tạo được UBND TP.HCM tặng bằng khen tại Ngày hội doanh nghiệp công nghệ thông tin và trí tuệ nhân tạo TP.HCM 2019 - Ảnh: TỰ TRUNG
Đây sẽ là nơi thử nghiệm các ứng dụng, sáng tạo mới nằm trong khu đô thị sáng tạo phía đông TP.HCM.
200ha trong đô thị phía đông
Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho biết, trong tương lai, khu đô thị phía đông TP sẽ hình thành. Dù chiếm 10% diện tích, 10% dân số, đây sẽ là nơi có mật độ cao nhất về công nghệ, nghiên cứu khoa học và đào tạo, vì có Khu công nghệ cao ĐH Quốc gia TP.HCM và hơn 100.000 sinh viên.
Bên cạnh đó, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh khu đô thị này sẽ dành 200ha để xây dựng "thành phố tương lai". Đây là nơi thử nghiệm các công nghệ mới chưa được lưu hành chính thức trong đời sống xã hội. Trong "thành phố tương lai" này có thể thử nghiệm nhiều thứ như xe bay, xe tự động. "Đây cũng là nơi giới trẻ có thể dùng để phát triển những ý tưởng của mình" - ông Nhân nói.
Ông Nguyễn Việt Dũng - giám đốc Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - cũng cho rằng môi trường để thử nghiệm các sản phẩm công nghệ mới (ở nước ta - PV) hiện còn rất thiếu. Ông Dũng kể trước đây có một trường đại học phải qua Singapore mới có thể thử nghiệm thiết bị bay vì ở Việt Nam chưa cho phép.
"Nếu tạo được một đô thị con, trong đó những ứng dụng mới đều có thể thử nghiệm một cách hài hòa sẽ tạo điều kiện cho các nghiên cứu và start-up công nghệ phát triển" - ông Dũng nói.
ThS Vũ Anh Tuấn - tổng thư ký Hội Tin học TP.HCM (HCA), giám đốc Vườn ươm doanh nghiệp phần mềm Quang Trung - cho rằng muốn có sản phẩm ứng dụng thì phải được thử nghiệm. Nếu chạy thử trong môi trường giả lập, sản phẩm ra ngoài thực tế sẽ không chạy được. Nhiều công trình trong phòng thí nghiệm hoạt động rất tốt nhưng ra ngoài lại gặp nhiều sai số, thậm chí sai hoàn toàn.
"Do đó, rất cần khu vực có thể thử nghiệm các sáng tạo mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Khu vực này giống như một phim trường, mô phỏng các yếu tố như môi trường thật, giúp hạn chế tối đa những sai số giữa quy mô thí nghiệm và thực tế. Ngoài ra, một khu vực thử nghiệm riêng cũng để đảm bảo lĩnh vực an ninh, quốc phòng" - ông Tuấn nói.
Nguồn: Sở Khoa học và công nghệ TP.HCM - Đồ họa: N.KH.
Thiếu doanh nghiệp dẫn dắt thị trường
Ông Nguyễn Việt Dũng nói, hoạt động công nghệ thông tin tại TP.HCM hiện nay thiếu các doanh nghiệp dẫn dắt thị trường, đặc biệt là những doanh nghiệp lớn. Ông Dũng ví dụ những "ông lớn" ở Thung lũng Silicon thường là đầu tàu về công nghệ và chiến lược, tạo ra nhiều bước đột phá để nhiều doanh nghiệp trong nước đi theo.
"Việt Nam hiện tại có những doanh nghiệp lớn nhưng chưa thể dẫn dắt, điều đó làm cho phần lớn start-up công nghệ thông tin chưa có phương hướng" - ông Dũng nói.
Theo ông Lê Quốc Cường - phó giám đốc Sở Thông tin và truyền thông TP.HCM, tính đến cuối năm 2018 số doanh nghiệp hoạt động chuyên ngành điện tử - công nghệ thông tin tại TP.HCM vào khoảng 5.636 doanh nghiệp, tăng 23% so với năm 2016. Ông Cường đánh giá mặc dù có sự phát triển nhanh và sử dụng lực lượng lao động có trình độ cao hơn so với các ngành khác, điện tử - công nghệ thông tin vẫn chiếm tỉ trọng khiêm tốn trong nền kinh tế TP.
Số liệu năm 2017 cho thấy doanh nghiệp và lao động điện tử - công nghệ thông tin chiếm khoảng 3% toàn TP. Nhưng doanh thu của điện tử - công nghệ thông tin chỉ bằng 7,1% công nghiệp chế biến, 23,6% ngành xây dựng, 30,9% ngành vận tải và 62% ngành ngân hàng.
Cần tăng thêm 1.000 doanh nghiệp công nghệ
Bí thư Nguyễn Thiện Nhân cho rằng cần tăng nhanh số lượng doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực điện tử - công nghệ thông tin. Cụ thể có lộ trình tăng thêm 1.000 doanh nghiệp từ con số hơn 5.000 hiện tại.
Ông Nhân cho biết hiện nay năng suất lao động của ngành công nghệ thông tin - truyền thông so với năng suất chung của TP.HCM gấp 1,96%, đóng góp vào sản phẩm nội địa TP.HCM là 4,44%. Nếu tăng thêm 1.000 doanh nghiệp - cùng với khoảng 17.000 lao động - công nghệ thông tin sẽ chiếm khoảng 5,12% sản phẩm nội địa TP.HCM và sẽ trở thành ngành kinh tế chủ lực của TP.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận