Đường vào làng hoa Sa Đéc - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Không quá lời khi nói qua bao biến cố, làng hoa Sa Đéc hiện đang trong giai đoạn phát triển rực rỡ nhất từ trước đến nay.
Cái nôi của làng hoa
Người ta vẫn quen gọi là làng hoa Sa Đéc để chỉ chung về một khu vực chuyên trồng hoa thuộc TP Sa Đéc. Nhưng với những bậc cao niên ở xứ này, họ vẫn thích gọi là làng hoa Tân Quy Đông hơn.
Bởi phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc chính là nơi các ông tổ nghề hoa trồng những nhánh hồng đầu tiên, đặt nền móng cho sự phát triển của làng hoa Sa Đéc sau này.
Phường Tân Quy Đông trải dọc bờ sông Tiền. Không ai còn nhớ chính xác cụ thể thời điểm khởi sự của nghề trồng hoa nhưng theo bà Nguyễn Thị Huệ, từ khi sông Tiền bồi đắp phù sa làm nên bờ nên bãi, bà đã thấy những chậu hoa được xếp dọc hai bên bờ sông.
Người trồng hoa kiểng tại Sa Đéc từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930 được xem là thế hệ tiên phong khai mở làng nghề.
Ở tuổi 73, bà Ba Huệ vẫn còn đủ minh mẫn để nhớ về tuổi 20 của mình.
"Hồi đó đất rộng người thưa, trong làng Tân Quy Đông này chỉ có vài trăm gia đình và lác đác vài người trồng hoa hồng, chủ yếu để thưởng lãm. Nhà tui cũng đi xin được vài gốc hồng về trồng trước sân" - bà Ba Huệ kể lại.
Bà Huệ nhớ nhất là vườn hồng Tư Tôn của ông Dương Hữu Tài (người địa phương hay gọi là ông Tư Tôn), cách nhà bà chỉ một con rạch nhỏ. Hằng ngày, từ nhà bà đi bộ lên vài chục mét là có thể ngửi thấy mùi hương quyến rũ từ vườn hồng này tỏa ra.
"Hồi đó chỉ một vài nhà trồng hoa. Mỗi đợt tết đến xuân về, tôi thấy các chú, các bác tập trung lại nói chuyện với nhau cả ngày về cây hoa và kỹ thuật trồng hoa. Nhiều khi còn có mấy ông Tây tham gia cùng mấy ổng" - bà Ba Huệ nói.
Chưa có tài liệu để biết chính xác thời điểm hình thành làng hoa Sa Đéc, tuy nhiên người trồng hoa kiểng tại Sa Đéc từ cuối thế kỷ 19 đến năm 1930 được xem là thế hệ tiên phong khai mở làng nghề.
Lúc này hoa kiểng chỉ mới đáp ứng nhu cầu cá nhân riêng lẻ. Tuy vậy, việc hình thành làng nghề hoa kiểng bắt đầu được gầy dựng.
Từ năm 1930-1945, giao thông lúc này được đầu tư nên hoa kiểng Sa Đéc nhộn nhịp tỏa đi khắp lục tỉnh Nam Kỳ. Thế hệ thứ hai mang hoa Sa Đéc "đi đánh xứ người" hình thành trong giai đoạn này.
Giai đoạn 1945-1975 đất nước lâm vào cảnh chiến tranh, loạn lạc nên nhiều người bỏ nghề. Tuy nhiên, vẫn có những cá nhân theo và phát triển nghề như ông Tư Tôn với vườn hồng nổi tiếng. Ông và những người trồng hoa cùng lứa được xem là thế hệ thứ ba.
Sau ngày đất nước thống nhất đến hiện tại, hoa kiểng Sa Đéc trải qua nhiều thăng trầm. Khi tỉnh có chủ trương đưa ngành hoa kiểng vào một trong năm ngành hàng tái cơ cấu cùng các chính sách phát triển du lịch gắn liền với hoa, làng hoa này mới được vực dậy và ngày càng phát triển.
Anh Võ Văn Khanh - 47 tuổi, chủ cơ sở hoa kiểng Lý Khanh - bên vườn cây kiểng công trình bạc tỉ của mình - Ảnh: MẬU TRƯỜNG
Cái nghề không phụ một ai
Đến giờ khi nhắc lại, anh Võ Văn Khanh - 47 tuổi, chủ cơ sở hoa kiểng Lý Khanh - vẫn còn tiếc rẻ về một thế hệ vàng trong làng hoa Sa Đéc. Trong đó, anh vẫn nhắc nhiều đến vườn hồng Tư Tôn với vẻ nể phục.
Anh Khanh sinh ra và lớn lên ngay trong "cái nôi" của làng hoa Sa Đéc. Từ nhỏ, anh đã theo chân các bậc cha chú đi phụ việc cho những vườn hoa có tiếng lúc bấy giờ như vườn hồng Tư Tôn, bác Tư Mạnh, Hai Nhiều, Hai Tý, Tám Hường, Hai Nghệ...
Cứ ở đâu có người gọi làm phụ là anh Khanh lại tới vườn vừa làm để kiếm thêm tiền đi học vừa học việc.
"Hồi nhỏ tôi mê hoa dữ lắm, nhưng do cha mẹ không làm nghề hoa nên khi chọn ngành học ở Sài Gòn, tôi không học trồng trọt, hoa hòe mà lại đi học ngành dệt" - anh Khanh nói.
Nhưng rồi cái duyên với nghề hoa truyền thống lại đến với anh một lần nữa khi nhiều gia đình ở Sài Gòn hồi đó có nhu cầu trồng hoa, trang trí hoa trong nhà.
Vốn có chút kinh nghiệm học được từ nhỏ, anh Khanh mạnh dạn lãnh các công trình rồi vừa làm vừa học hỏi. Đến năm 1996, anh quyết định quay về quê lập nghiệp với nghề trồng và buôn bán hoa, cây cảnh.
Từ một cậu bé phụ việc cho các vườn hoa những năm thập niên 1960, 1970, nay ở tuổi 47 anh Khanh đã có một cơ sở hoa kiểng thuộc hàng lớn tại làng hoa Sa Đéc với doanh thu lên đến hàng tỉ đồng mỗi năm.
Ông Nguyễn Thanh Hùng, phó Phòng nông nghiệp TP Sa Đéc, cho biết từ những diện tích trồng hoa nhỏ ban đầu, qua hơn 100 năm phát triển, hiện làng hoa Sa Đéc có diện tích 527ha với khoảng 2.300 hộ dân tham gia lĩnh vực này.
Theo số liệu của Phòng nông nghiệp TP Sa Đéc, giá trị sản xuất hoa của địa phương năm 2018 đạt 1.550 tỉ đồng, chiếm 65% giá trị sản xuất nông nghiệp của TP.
Qua nhiều biến cố, theo ông Hùng, nghề làm hoa mới thực sự được đầu tư phát triển bài bản từ năm 2010 khi được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn của địa phương.
"Hiện chúng tôi đã có nhiều công trình để phát triển làng hoa trong tương lai. Một số công trình đã hoàn thành như nạo vét kênh, xây dựng các bồn hoa, cổng chào, đường hoa để thu hút khách du lịch.
Mỗi người dân địa phương cũng được tập huấn để giới thiệu, quảng bá về làng hoa Sa Đéc với du khách" - ông Hùng nói.
Vườn hoa của xứ Nam Kỳ
Một vườn hoa ở làng hoa Sa Đéc - Ảnh: THÀNH NHƠN
Vào năm 1867, thống đốc Nam Kỳ Bonard quyết định thành lập hạt Sa Đéc (sau này đổi tên là tỉnh Sa Đéc).
Theo bước chân của người Pháp, các giống hoa kiểng được du nhập đến đây và biến Sa Đéc thành "vườn hoa của xứ Nam Kỳ" (Le Jardin de la Cochinchine).
Theo ông Lê Nhứt Thống - chủ tịch Hội Sử học TP Sa Đéc, làng hoa Sa Đéc gắn liền với việc khai hoang vùng đất mới của nông dân Nam Bộ xưa.
Vì người dân vùng này chuộng cái đẹp nên trong quá trình chinh phục thiên nhiên, họ đã tìm đến với hoa để chiêm ngưỡng, trồng trọt và chăm sóc...
Kỳ tới: Trái tim của làng hoa
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận