28/10/2019 08:21 GMT+7

Thảm cảnh 39 người chết ở Anh: Hồi chuông cảnh tỉnh

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)
NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)

TTO - Thay vì trách sự nhẹ dạ cả tin của nạn nhân, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng rất đáng báo động với những đường dây buôn người ngày càng hoạt động tinh vi, thủ đoạn. Nỗi đau từ vụ việc ở Anh đang vang lên hồi chuông cảnh tỉnh.

Thảm cảnh 39 người chết ở Anh: Hồi chuông cảnh tỉnh - Ảnh 1.

Khi đọc thông tin về việc 39 người nhập cư lậu chết trong container ở Anh, tôi lập tức nhắn tin cho một người quen. Cách đây không lâu, cậu ấy đã nhờ tôi dịch một bức thư tuyển dụng. Bức thư đó mời gọi cậu ấy sang Anh làm việc.

Điều rất lạ là bức thư yêu cầu cậu ấy phải chuyển trước vào tài khoản bên kia một số tiền lớn. Điều lạ hơn là cậu ấy đã tìm được "công ty tuyển dụng" đó qua... Facebook.

Dù đã khuyên cậu ấy không nên chuyển tiền cho phía bên kia và không nên đi nước ngoài mà không có visa và hợp đồng lao động với một công ty uy tín, tôi vẫn rất lo bởi cậu ấy có vẻ quyết tâm đi nước ngoài tiếp.

Cậu đã từng bôn ba sang Trung Đông làm việc. Hợp đồng hết hạn, cậu trở về Việt Nam cùng vợ con, nhưng rất nhiều tháng qua không tìm được công việc ổn định.

Tôi đã lo lắng suốt nhiều giờ sau đó, khi thông tin về các nạn nhân trong vụ nhập cư lậu ở Anh liên tục được cập nhật. Nỗi lo đó thở phào khi người quen của tôi nhắn tin rằng cậu ấy vẫn còn ở Việt Nam.

39 người vừa bỏ mạng ở Anh là ai và điều gì đã khiến họ liều mình vượt biên giới? Hoàn cảnh nào đã đưa đẩy họ đến với đường dây vận chuyển người bất hợp pháp?

Chắc hẳn nhiều người trong số họ đã phải chắt chiu tiết kiệm, vay mượn, cầm cố nhằm có đủ tiền để trả cho đường dây vận chuyển. Hi vọng về một công việc tốt hơn, một tương lai xán lạn hơn đã khiến họ đánh đổi hầu như tất cả, kể cả mạng sống.

Dẫu chưa thể khẳng định liệu có ai trong số những nạn nhân là người Việt Nam, nhưng vụ việc khiến chúng ta không khỏi đau đớn, bàng hoàng.

Vụ việc cũng là một hồi chuông cảnh tỉnh cần thiết khi thực tế cho thấy có nhiều người Việt đã và đang bị những đường dây vận chuyển người bất hợp pháp lôi kéo dụ dỗ. Họ phải trả một số tiền lớn, để rồi phải chui lủi như những tội phạm trên cả chuyến đi.

Và đích đến của họ thực sự không hề sáng sủa: theo báo cáo của Chính phủ Anh, 70% số người Việt bị vận chuyển bất hợp pháp đến Anh bị bóc lột lao động, nhiều người làm việc trong các quán bar, trong các cơ sở sơn móng chân, móng tay, nhiều người phải tham gia những hoạt động phi pháp như trồng cần sa...

Việc thiếu thông tin đã khiến không ít người sa vào bẫy của những con quỷ dữ - những kẻ làm giàu bằng việc vận chuyển người bất hợp pháp.

Thay vì trách sự nhẹ dạ cả tin của những nạn nhân, đã đến lúc chúng ta cần nhìn thẳng vào thực trạng rất đáng báo động: những đường dây vận chuyển người ngày càng hoạt động tinh vi, thủ đoạn. Hoạt động của chúng đôi khi ẩn dưới việc môi giới xuất khẩu lao động.

Để ngăn chặn tình trạng người Việt Nam nhập cư lậu sang các nước khác, cần có những biện pháp triệt để hơn, hữu hiệu hơn: đẩy mạnh công tác tuyên truyền về rủi ro nhập cư bất hợp pháp, rủi ro khi tham gia xuất khẩu lao động, quản lý chặt chẽ môi giới xuất khẩu lao động, phối hợp với các quốc gia triệt tiêu những đường dây vận chuyển, buôn bán người.

Quan trọng hơn nữa, cần đầu tư vào đào tạo nghề tại địa phương, khuyến khích phát triển kinh tế nông thôn để tạo ra nhiều hơn nữa cơ hội việc làm...

Người quen mà tôi nói đến ở trên cho biết cậu luôn ước muốn tìm được công việc tốt và ổn định ở quê nhà. Đó là ước muốn lương thiện, và chắc hẳn đó cũng là ước muốn của nhiều người trong số 39 người nhập cư lậu vừa bỏ mạng trên chuyến hành trình đầy lạnh giá đến nước Anh.

Nỗi đau từ vụ việc ở Anh đang vang lên hồi chuông cảnh tỉnh, và tôi hi vọng người quen của tôi sẽ không còn dám ra đi, mong rằng một công việc tốt, ổn định sẽ giữ mãi cậu lại với quê nhà...

NGUYỄN PHAN QUẾ MAI (Indonesia)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên