Bộ trưởng Bộ Kinh tế số và xã hội Thái Lan Buddhipongse Punnakanta - Ảnh: Bangkok Post
"Ngày nay ai cũng có thể làm phóng viên. Bất cứ cái gì cũng có thể được đăng lên và chia sẻ. Người Thái rất thích chia sẻ. Nhưng ai sẽ là người chịu trách nhiệm cho những thông tin như vậy và phản ánh tác hại của nó đối với xã hội?" - ông Buddhipongse nói tại một diễn đàn bảo vệ dữ liệu cá nhân ngày 25-9.
Tờ Straits Times cho biết mục đích của trung tâm này là khoanh vùng các thông tin nghi là giả, kiểm chứng và công bố thông tin đúng cho công chúng thông qua một trang web mới và trên các ứng dụng như Facebook và Line.
Trung tâm này sẽ tập trung tìm kiếm những lĩnh vực thường xuất hiện tin giả, bao gồm các thảm họa tự nhiên, các vấn đề tài chính, các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và hàng lậu cũng như các chính sách của chính phủ.
"Đây không chỉ là sáng kiến của riêng chính phủ mà chúng tôi còn hợp tác với các tổ chức xã hội dân sự" - Bộ trưởng Buddhipongse nói với tờ Straits Times.
Nhân viên của bộ, nhân viên của các doanh nghiệp nhà nước, các nhóm dân sự, trường đại học và Hội Nhà báo Thái Lan sẽ cùng quản lý trung tâm chống tin giả có trụ sở tại Bangkok.
"Tôi đã yêu cầu mỗi đơn vị cung cấp ít nhất 3 người vì chúng tôi cần xác định mỗi thông tin là thật hay giả trong vòng 2 tiếng" - ông Buddhipongse nói.
Thái Lan tuyên bố mở trung tâm chống tin giả chỉ 2 tháng sau khi nước này đề xuất các công ty công nghiệp thành lập các trung tâm chống tin giả tại mỗi nước thành viên ASEAN.
Hội đồng các nhà quản lý viễn thông ASEAN đã chấp nhận đề xuất của Thái Lan. Một nguồn tin nói với hãng Reuters rằng các hướng dẫn thực hiện đề xuất có thể được chính thức đưa ra tại hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận