29/09/2017 09:30 GMT+7

Thái Lan cải cách kinh tế bằng tiền tươi thóc thật

PHÚC LONG
PHÚC LONG

TTO - Mặc cho những bộn bề của chính trường, nền kinh tế Thái Lan vẫn nổi bật hơn so với nhiều nước Đông Nam Á, đáng chú ý là sáng kiến kinh tế 45 tỉ USD mà chính quyền Bangkok đang gấp rút khởi động.

Thái Lan cải cách kinh tế bằng tiền tươi thóc thật - Ảnh 1.

Thủ tướng Thái Lan (trái) thử lái máy cày tại một trường nông nghiệp ở tỉnh Suphan Buri ngày 18-9 - Ảnh: REUTERS

Theo hãng tin Bloomberg, chính quyền quân sự Thái Lan muốn đẩy nhanh các dự án thuộc sáng kiến "Hành lang kinh tế phía đông" trị giá 1,5 ngàn tỉ baht (45 tỉ USD) trước thời điểm nước này tổ chức cuộc bầu cử dân sự vào năm sau.

Thái Lan đánh giá hành lang kinh tế ven biển chạy qua 3 tỉnh Rayong, Chachoengsao và Chonburi là rất quan trọng để thu hút các ngành công nghiệp tiên tiến, và họ cụ thể hóa mục tiêu bằng cách đổ tiền nâng cấp đường sắt, sân bay, cảng biển... bên cạnh các chính sách giảm thuế để thu hút các nhà đầu tư tư nhân.

Với mục tiêu củng cố lòng tin nhà đầu tư, Bangkok khẳng định mọi cơ sở pháp lý cho kế hoạch kinh tế tham vọng này này sẽ sẵn sàng vào cuối năm 2017, trong khi một số công trình hạ tầng sẽ bắt đầu thi công ngay năm sau.

Chúng tôi đang rất gấp rút. Chúng tôi muốn mọi thứ sẵn sàng khi chính quyền mới bắt đầu hoạt động"

Ông Kanit Sangsubhan, tổng thư ký phụ trách kế hoạch đổi mới kinh tế

Một số dự án thuộc hành lang kinh tế của Thái Lan bao gồm: 6 tỉ USD nâng cấp Sân bay quốc tế U-Tapao; 6,7 tỉ USD đầu tư vào đường sắt; 12 tỉ USD cho các đô thị mới và bệnh viện; 15 tỉ USD cho công nghiệp... 

Thái Lan kỳ vọng sẽ thu hút 80% tổng nguồn vốn đầu tư từ khối tư nhân. Nếu quá trình đấu thầu một số dự án hoàn thành kịp giữa năm 2018, việc xây dựng có thể bắt đầu ngay lập tức, tổng thư ký Kanit cho biết.

Đáng chú ý, chiến lược của Thái Lan không nhằm thu hút các ngành nghề sản xuất truyền thống với giá nhân công rẻ mạt như một số nước khác, họ chỉ quan tâm đến các ngành công nghiệp hiện đại như tự động hóa, bảo trì hàng không, công nghệ điện tử...

Để vượt qua thử thách về tay nghề công nhân, ông Kanit tuyên bố Thái Lan sẵn sàng nhập khẩu lao động tay nghề cao, song song đó là cải thiện hệ thống giáo dục, đào tạo nhằm đáp ứng nhu cầu thị trường.

Thời gian qua, Bangkok đã mời chào nhiều tên tuổi lớn của thế giới giới Airbus SE, Lockheed Martin Corp, Sikorsky Aircraft, Alibaba Group Holding Ltd... đến khảo sát tiềm năng của sáng kiến "Hành lang kinh tế phía đông".

Đầu tháng 9 này, Thái Lan cũng đón tiếp hàng trăm doanh nghiệp Nhật Bản đến tìm hiểu cơ hội đầu tư.

Giá cổ phiếu một số đại gia bất động sản Thái như Amata Corp và WHA Corp đã tăng vọt trong năm nay do thị trường kỳ vọng họ sẽ gặt hái nhiều lợi ích từ quyết tâm thúc đẩy hành lang kinh tế đông của chính phủ.

"Hành lang kinh tế phía đông" là một phần của chiến lược quốc gia 20 năm do Thủ tướng Prayuth Chan-Ocha đề xuất nhằm củng cố và phát triển nền kinh tế lớn thứ 2 Đông Nam Á.

Người phát ngôn chính phủ Werachon Sukondhapatipak cho biết chiến lược này sẽ ràng buộc trong hiến pháp và các chính quyền sau của Thái Lan phải nghiêm túc thực hiện.

PHÚC LONG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên