26/01/2021 07:29 GMT+7

Tết xưa - Tết nay: Vạn thọ ngày tết, hoa của đoàn viên

NGUYỄN VĂN HÒA
NGUYỄN VĂN HÒA

TTO - Như một tín hiệu của mùa xuân, hoa vạn thọ luôn hiện diện trong tâm trí của mỗi người khi tháng chạp đã cạn ngày. Với riêng tôi, mùi hoa vạn thọ đã ăn sâu vào tiềm thức vì mỗi khi vạn thọ nở lại báo hiệu một mùa đoàn viên ấm áp lại về.

Tết xưa - Tết nay: Vạn thọ ngày tết, hoa của đoàn viên - Ảnh 1.

Một cây hoa vạn thọ đẹp phải sum suê nhiều nhánh và hé nở đúng những ngày cuối chạp - Ảnh: QUÂN NAM

Với những người dân quê, mỗi một mùa vạn thọ là cả bao mong ngóng, hi vọng. Khác với những nhà vườn trồng hoa chuyên nghiệp để phục vụ nhu cầu mua bán thì họ trồng hoa vạn thọ bất cứ thời điểm nào trong năm.

Riêng người dân quê tôi thì trồng hoa theo vụ mùa và thời tiết. Cứ rằm tháng 8, đúng vào Tết Trung thu thì ươm hạt, đợi khi chúng nảy mầm vững chãi cũng là lúc bắt đầu cấy trồng theo ý muốn. Đó là thời điểm mà người trồng phải tỉ mẩn chăm bón, nâng niu từng thân cây nhỏ.

Ươm hết mình màu vàng của nắng

Vườn quê rộng, cha thường chọn những cây tre tẻ già vót thành từng nan nhỏ, đan lại thành luống để bảo vệ hoa không bị lũ gà thả vườn giẫm đạp. Bởi vậy nên mỗi độ vào tháng chạp, chỉ cần đi dọc các con ngõ nhỏ ở vùng nông thôn, hầu như nhà nào cũng có những luống hoa vạn thọ bao bọc quanh sân, bên thềm giếng và cả hiên nhà.

Tháng chạp ở miền Trung bao giờ cũng có cái hanh hao, se se lạnh. Bởi vậy để hoa vạn thọ đơm nụ kịp tết, ngoài việc chăm bón, người trồng còn gửi gắm bao yêu thương mong ngóng vào đó.

Tôi nhớ những ngày tháng chạp đã cũ, hầu như buổi chiều nào, buổi sáng sớm nào tôi cũng phải nhóm bếp để nấu nước, pha ấm rồi tưới cho hàng vạn thọ quanh nhà. Chỉ cần vậy, cây sẽ tươi tốt hơn, mau lớn hơn và ươm nụ đúng kỳ.

Tết xưa - Tết nay: Vạn thọ ngày tết, hoa của đoàn viên - Ảnh 2.

Để hoa vạn thọ đơm nụ kịp tết, ngoài việc chăm bón, người trồng còn gửi gắm bao yêu thương mong ngóng vào đó - Ảnh: QUÂN NAM

Một cây hoa vạn thọ đẹp phải sum suê nhiều nhánh và hé nở đúng vào dịp những ngày cuối chạp, để sang những ngày đầu năm mới hoa sẽ nở rộ hơn và khoe đầy đủ các màu sắc, hình hài.

Muốn được vậy, người trồng phải tỉa ngọn đúng lúc để thân chính nảy ra nhiều nhánh nhỏ. Hoa vạn thọ dường như sẽ đẹp hơn, có vị tết hơn khi được ươm trồng thành từng luống bao bọc quanh sân. Người dân quê có thể trồng từng loại theo cụm hoặc xen kẽ nhiều giống vạn thọ khác nhau.

Và cứ thế mỗi dịp tết đến xuân về, chúng đều chân phương ươm hết mình màu vàng của nắng và cả những lấm chấm của giọt mưa xuân còn đậu trên từng bông hoa, kẽ lá. Vạn thọ bánh thuẫn, vạn thọ cúc, vạn thọ mặt trời, vạn thọ bánh men... là những cái tên mộc mạc và cũng gợi đầy không khí tết.

Hoa càng nở rộ thì tết cũng đến bên hiên nhà và những đứa con đi lập nghiệp hay cầu chữ nghĩa phương xa sẽ trở về đoàn tụ bên gia đình.

Trước ngày 30 tết, cha tôi thường chọn hai cây vạn thọ vàng ươm đẹp nhất trồng vào trong một thùng tôn đã cũ, bên ngoài dán giấy báo hẩm màu để trang trọng nơi chính giữa nhà trên.

Tết xưa - Tết nay: Vạn thọ ngày tết, hoa của đoàn viên - Ảnh 3.

Người trồng vạn thọ phải tỉ mẩn chăm bón, nâng niu từng thân cây nhỏ - Ảnh: QUÂN NAM

Trong không gian trầm mặc của hương trầm, hoa vạn thọ điềm nhiên mà ấm áp, phảng phất mùi hương của tình thân và sự quây quần. Vậy nên cũng dễ hiểu khi có nhiều người bảo rằng với họ, khi ngắm hoa vạn thọ, dường như trong tâm tưởng luôn vọng lên một tiếng còi tàu, tiếng còi của sự hồi hương sau bao lo toan áo cơm thường nhật.

Cũng màu hoa ấy, sẽ quyến luyến họ đến tận tháng giêng khi mỗi người lại lên một chuyến tàu để bắt đầu hành trình mới cho mình. Khi bước ra khỏi con đường làng quen thuộc, khi màu hoa vạn thọ đã khuất dần phía sau cũng đồng nghĩa với một mùa áo cơm tiếp nối.

Muốn có hoa đẹp thì chỉ xé xung quanh

Sau tết, mà đúng hơn là sau ngày rằm tháng giêng, khi hoa vạn thọ bắt đầu tàn; cha lại chọn những bông hoa to nhất (hoa cái) cột thành bó và treo gác bếp để giống cho mùa sau. Việc chọn hoa và gieo hạt cũng đòi hỏi phải có bí quyết riêng. Bởi nếu chọn không cẩn thận, gieo không đúng cách thì sẽ không cho ra các loại hoa như ý muốn.

Nếu xé bông hoa giống từ trong ra ngoài mà gieo thì chắc chắn sẽ cho ra những cây vạn thọ trổ hoa tàn ô. Mà hoa tàn ô là loại xấu. Kinh nghiệm muốn có hoa đẹp thì chỉ xé xung quanh, còn phần giữa của bông hoa giống vứt bỏ.

Tết xưa - Tết nay: Vạn thọ ngày tết, hoa của đoàn viên - Ảnh 4.

Cha thường chọn những cây tre tẻ già vót thành từng nan nhỏ, đan lại thành luống để bảo vệ hoa không bị lũ gà thả vườn giẫm đạp - Ảnh: QUÂN NAM

Năm nay, thời tiết diễn biến phức tạp mới tháng 10 mà lũ bão về liên tiếp. Đêm gió mưa quật tơi bời trên những tàn cây già cỗi trong khu vườn tạp. Những thân cây vạn thọ không chống chọi nổi với mưa bão. Sáng ra nhìn luống vạn thọ nghiêng ngả, mặt cha thoáng buồn.

Ông vội cột đỡ những cây đã ngã rồi hốt những xẻng cát đổ thêm vào gốc để cho cây được vững chãi hơn. Cha bảo năm nay là năm có nhiều biến động và khắc nghiệt. Chưa năm nào người dân phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức như thế.

Mưa lũ, bão rét dập dồn nên vạn thọ năm nay cũng sẽ không được tốt tươi và nhiều hoa như những năm trước. Dù vậy để hoa trổ kịp tết, ngày ngày cha cần mẫn, chăm chút; sáng chiều hai cữ tưới nước ấm cho cây. Thỉnh thoảng có hôm cha lại chong đèn điện cả đêm cho các luống hoa.

Ngày nay, dù có rất nhiều loài hoa được trồng, được bán phổ biến và rất đẹp nhưng vạn thọ là loài hoa mà cha tôi luôn gìn giữ. Cha bảo rằng: vạn thọ là hoa của sự đoàn viên, hoa của tình thân, tình người! Loài hoa ấy đã ăn sâu vào trong tiềm thức, vào trong máu thịt của những người dân quê tôi tự bao đời!

Tôi lớn lên qua bao mùa vạn thọ quê nhà, qua bao mong ngóng tết để được tấm áo mới và nhiều ngóng trông thơ trẻ khác. Với tôi, dù có đi đâu, làm gì thì hoa vạn thọ vẫn luôn hiện diện trong bao nhiêu ký ức đẹp về quê nhà và hễ nhìn thấy hoa, nghe mùi hương đặc trưng của nó là như đã thấy tết về!

980x320 (1)

Diễn đàn Tết xưa - Tết nay do báo Tuổi Trẻ tổ chức, với sự đồng hành của hệ thống bán lẻ FPT Shop và Hãng hàng không Vietjet Air.

Diễn đàn gồm các bài viết, bài dự thi của cuộc thi Tết xưa - Tết nay về những ký ức tết xưa, khát vọng ngày xuân hay những khoảnh khắc sum họp, cảnh đẹp trên đường về quê đón tết của bạn đọc.

Diễn đàn mong nhận được nhiều ý kiến đóng góp, bài dự thi trên cả nước. Thời gian nhận bài từ ngày 15-1-2021 đến hết ngày 20-2-2021.

Cách thức tham gia:

Bài viết dự thi gửi đến theo 2 cách:

Gửi qua địa chỉ email: tet@tuoitre.com.vn

Gửi qua đường bưu điện theo địa chỉ: báo Tuổi Trẻ - 60A Hoàng Văn Thụ, P.9, Q.Phú Nhuận, TP.HCM. Ngoài bì thư ghi rõ tham gia cuộc thi viết Tết xưa - Tết nay.

Các bài vào vòng sơ kết sẽ được thông báo sau.

Cơ cấu giải thưởng:

• 1 giải nhất: 10 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Samsung A31 và 02 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air;

• 2 giải nhì: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Xiaomi Note 9 hoặc Oppo A53; 01 vé khứ hồi G1 của Vietjet Air;

• 3 giải ba: mỗi giải gồm 5 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là: điện thoại Realme C12 hoặc VSmart Joy 4 hoặc Vivo Y20; mô hình máy bay Vietjet size lớn;

• 10 giải khuyến khích: mỗi giải gồm 2 triệu đồng (hiện kim) + quà tặng là pin sạc dự phòng Quick Charge Li-polymer 10000 mAh UMETRAVEL SKY10000; mô hình máy bay Vietjet size nhỏ;

• 20 phần quà tặng dành cho bạn đọc trên mạng xã hội là: balô FPT Shop + voucher giảm 10% khi mua laptop tại hệ thống cửa hàng FPT Shop; gấu bông + túi du lịch Vietjet.

Lễ trao giải dự kiến diễn ra trước ngày 28-2-2021.

Tết xưa - tết nay: Chuyến xe tết 0 đồng Tết xưa - tết nay: Chuyến xe tết 0 đồng

TTO - Đứa nhỏ nhất theo mẹ về luôn, trên chuyến xe nó trả 0 đồng vì mẹ đã giành trả hết với câu nói khiến lòng nó đau buốt, "lâu lâu mẹ mới cho út được chút, nhận đi kẻo mẹ buồn!". Suốt chuyến xe, đứa nhỏ cứ cười hoài để ngăn mình đừng khóc.

NGUYỄN VĂN HÒA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên