14/07/2006 05:08 GMT+7

Tên khủng bố máu lạnh

NGUYỄN QUÂN tổng hợp
NGUYỄN QUÂN tổng hợp

TT - Sau sáu lần bị thông báo đã chết nhưng lại xuất hiện để tiếp tục gây ra các vụ khủng bố giết nhiều người, Shamil Basayev cuối cùng đã chết thật. Quãng đời trai trẻ của hắn là quãng đời của chiến tranh và khủng bố triền miên.

Kỳ 1: Bom cài hay tai nạn?

LwnYHItq.jpgPhóng to

Basayev trong lần chiếm đóng bệnh viện ở Budennovsk. Những hành động khủng bố kiểu này của hắn gây mất thiện cảm đối với người dân Chechnya. Ảnh: AFP

Thật ra nhiều người dân Nga và Chechnya gần đây đã tin rằng việc bắt giữ hoặc tiêu diệt Basayev chỉ còn là vấn đề thời gian vì tay chân của hắn hoặc trở về đầu hàng chính quyền, hoặc đã bị tiêu diệt qua nhiều chiến dịch liên tục của các đặc nhiệm Nga.

Thậm chí có nhiều người Chechnya dửng dưng với thông tin Basayev đã bị hạ bởi theo họ nhân vật này là “nội gián” của an ninh Nga. Những chuyện trong quá khứ đã cho thấy điều đó: năm 1993, Basayev cùng thuộc hạ (được sự hỗ trợ của quân đội Nga) từng tham chiến chống lại những kẻ ly khai ở Abkhazia (muốn tách rời khỏi Gruzia).

Vào thời điểm đó, Basayev đã có tiếng tàn ác trong đối xử với dân lành và tù nhân (Time, 10-7). Có người còn cho rằng vụ tiêu diệt Basayev vào thời điểm này là cách "gây ấn tượng" của chính quyền Nga trước kỳ khai mạc Hội nghị thượng đỉnh G8 tại Saint Petersburg. Họ lập luận: các nhà báo nước ngoài còn tìm đến để phỏng vấn được Basayev thì hà cớ gì an ninh Nga không biết tên trùm khủng bố này đang ở đâu.

Hài hước và... tàn ác vô độ!

Những vụ tấn công của Basayev

Năm 1991: cướp máy bay từ Mineralnye Vody (Caucasus) đi Thổ Nhĩ Kỳ. Tháng 6-1995: chiếm đóng và bắt giữ con tin ở bệnh viện tại Budennovsk, miền nam Nga, làm thiệt mạng 100 người. Tháng 10-2002: chiếm đóng và bắt con tin tại nhà hát Dubrovka ở Matxcơva, làm thiệt mạng 129 người. Tháng 8-2004: đánh bom cảm tử ở tàu ngoại ô Matxcơva làm thiệt mạng 10 người. Tháng 8-2004: đánh bom cảm tử trên hai chuyến bay rời Matxcơva làm thiệt mạng 89 người. Tháng 9-2004: chiếm giữ và bắt con tin ở trường học tại Beslan, CH Bắc Ossetia, làm thiệt mạng 331 người trong đó có 186 trẻ em. Tháng 10-2005: tấn công vào Nalchik, miền nam Nga, làm thiệt mạng hàng chục người.

Hắn vốn không theo đạo Hồi. Sinh ngày 14-1-1965 tại ngôi làng nhỏ trên núi Vedeno ở phía đông nam Chechnya, Basayev rất thích tự xưng là công dân của “Nước cộng hòa Chechnya Ichkeria”. Gia đình hắn vốn sùng đạo và sống chừng mực. Hắn được đặt tên theo họ của một thủ lĩnh người Dagestan là Imam Shamil, người từng lãnh đạo các bộ tộc ở Dagestan chống lại Sa hoàng trong thế kỷ 19.

Theo nhà phân tích chuyên về vấn đề Nga của Đài BBC là Steven Eke, trong con người Basayev hội tụ cả sức hút đối với số đông, khiếu hài hước đáng kinh ngạc, sự tàn ác vô độ và nỗi ám ảnh về sự nổi tiếng. Còn một số nhà báo từng có dịp gặp gỡ hắn trong thời kỳ nội chiến Chechnya lần thứ nhất (1994-1996) mô tả hắn như “một kẻ to cao, rậm râu, thích cuốn hút người khác” và là một kẻ “có giọng nói nhỏ nhẹ nhưng quyết đoán”.

Basayev cũng có điều kiện để học hành. Tốt nghiệp trung học phổ thông năm 1982, Basayev thực hiện nghĩa vụ quân sự trong hai năm. Sau đó hắn đã ba lần thi vào khoa luật của ĐH Lomonosov nhưng đều trượt.

Năm 1987, hắn được vào học tại Viện Kỹ sư nông nghiệp nhưng bị đuổi khỏi trường chỉ một năm sau đó vì không đạt kết quả. Thời trẻ, có thể hắn từng mơ thực hiện kiểu đấu tranh lãng mạn như Che Guevara. Hắn kể lúc còn học ở Matxcơva, trong phòng ký túc xá của hắn treo mỗi ảnh chân dung của Che.

Cho đến năm 1991, khi nước Nga cải tổ, Basayev lao vào làm giàu bằng nghề buôn bán máy vi tính ở Matxcơva nhưng cũng nhanh chóng thất bại với nợ ngập đầu. (Trớ trêu là cộng sự kinh doanh vào thời đó của Basayev là Supyan Tamarov sau này là người trang cấp cho đơn vị người Chechnya có tên “Đội săn lùng Shamil”).

Liên Xô của thời kỳ chính biến đã góp phần làm thay đổi cuộc sống của Basayev. Đầu năm 1991, hắn tham gia nhóm Liên đoàn các dân tộc Caucasus (CPC). Tháng 8-1991, hắn tham gia bảo vệ tòa nhà Chính phủ Nga (Nhà Trắng) trong cuộc đảo chính. Hắn kể rằng hắn tay cầm súng, lựu đạn đeo thắt lưng bảo vệ vị giáo sư người Chechnya Ruslan Khasbulatov, thành viên của Xô viết tối cao.

Quan hệ với Al Qaeda

hXuA4sRo.jpgPhóng to
Doku Umarov, người được xem thay thế vai trò của Basayev
Trớ trêu thay, đúng ba tháng sau, ngày 9-11-1991, hắn tham gia nhóm không tặc cướp chiếc máy bay TU-154 bay từ Mineralnye Vody (Caucasus) đi Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ). Tại đấy, nhóm không tặc đầu hàng và được trả về Chechnya sau khi thương lượng. Dù không được đào tạo chính qui về quân sự (hắn chỉ là lính cứu hỏa trong thời gian thực hiện nghĩa vụ quân sự) nhưng Basayev lại rất "máu" chuyện súng đạn.

Năm 1992, Basayev được đề cử vào chức vụ tổng tư lệnh lực lượng của CPC. Từ tháng 8-1992, hắn tham gia tích cực vào cuộc xung đột ở Abkhazia (CH tự xưng ở Gruzia). Hắn đóng vai trò tư lệnh mặt trận Gagra và thứ trưởng Quốc phòng Abkhazia. Hắn cũng chỉ huy cả một đạo quân tình nguyện mà sau này được gọi tên là “Binh đoàn Abkhazia”.

Mùa hè 1994, vào buổi đầu của cuộc nội chiến tại Chechnya, Basayev đứng về phía của Dzhokhar Dudayev (tổng thống tự xưng của Chechnya). Ngày 14-7-1995, một nhóm phiến quân Chechnya do chính Basayev chỉ huy đã chiếm giữ Bệnh viện Budennovsk (miền nam Nga) và bắt giữ con tin gồm cả bác sĩ, y tá lẫn bệnh nhân. Chính quyền Nga phát lệnh truy nã toàn quốc nhưng tên khủng bố vẫn biệt tăm. Hắn bắt đầu dọa nạt chính quyền Nga bằng những hăm dọa khủng bố để đòi chấm dứt cuộc chiến tại Chechnya.

Thomas de Waal, nhà báo Anh chuyên về vấn đề Chechnya và Caucasus, mô tả: “Trong con người Shamil Basayev, tài đánh bóng tên tuổi và bản năng khủng bố hòa quyện vào nhau một cách đáng sợ. Hắn cố ý tạo cho mình hỗn danh “kẻ thù số một của nước Nga”. Bằng chứng là hắn đích thân xuất hiện và tổ chức hai cuộc bắt cóc con tin táo bạo tại nhà hát ở Matxcơva năm 2002 và tại trường tiểu học ở Beslan năm 2004.

Hắn biết cách gây hỗn loạn đối với người dân Nga, biết đánh động đối với giới truyền thông khắp thế giới và biết cách lôi kéo sự ủng hộ của các nhóm cực đoan ở nước ngoài”. Và đã có bằng chứng cho thấy Basayev có liên hệ và nhận tài trợ từ tổ chức Al Qaeda dù hắn luôn miệng cải chính mối quan hệ này.

Từ năm 2000-2005, đã ít nhất sáu lần có thông tin Basayev thiệt mạng nhưng bằng mọi cách hắn đều xuất hiện sau đó để cải chính tin đồn. “Việc tiêu diệt Basayev là sự kiện có tính chất biểu trưng: tên lãnh đạo cuối cùng của lực lượng quá khích Chechnya đã bị loại trừ. Nó cũng sẽ giống như việc người Mỹ tiêu diệt được Bin Laden”, Alexei Makarkine, thuộc Trung tâm Công nghệ chính trị, lý giải.

Còn theo Ted Carpenter, phó chủ tịch phụ trách các vấn đề an ninh và quốc phòng của Viện Cato, từ nay chính quyền Nga sẽ chẳng cần nghĩ đến chuyện thương lượng với bọn cực đoan Chechnya nữa.

NGUYỄN QUÂN tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên