05/10/2018 10:58 GMT+7

Tế bào miễn dịch trị ung thư: người bệnh tốn bao nhiêu?

LAN ANH - D.KIM THOA
LAN ANH - D.KIM THOA

TTO - Các nhà khoa học Việt Nam đang có những bước đi ban đầu để có thể đưa liệu pháp tế bào miễn dịch trị liệu ung thư vào áp dụng cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam.

Tế bào miễn dịch trị ung thư: người bệnh tốn bao nhiêu? - Ảnh 1.

Bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Bá Trung - trưởng khoa điều trị tổng hợp - chăm sóc người bệnh điều trị ung thư tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh: DUYÊN PHAN

Đến nay đã có hàng chục bệnh nhân được áp dụng phương pháp này. Chi phí điều trị ở phía nam hiện là 2,1 tỉ đồng.

Những bước đi âm thầm

GS.TS Tạ Thành Văn, phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội, là học trò của GS Tasuku Honjo, đồng chủ nhân của giải Nobel y sinh năm 2018.

GS Văn bắt đầu làm nghiên cứu sinh ở Nhật Bản từ 1994-1995, 1996 ông theo học ở Mỹ đến 1999 và vẫn cảm thấy chưa ổn, năm 1999 GS Văn quay lại Nhật Bản học tiếp đến năm 2003 và đó là thời gian ông là học trò của GS Honjo.

Nhưng cơ duyên của việc áp dụng phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu cho bệnh nhân ung thư ở Việt Nam, đề tài có hướng tiếp cận tương tự với hướng nghiên cứu của các tác giả đoạt Nobel y sinh 2018 lại đến từ một nhóm chuyên gia khác của Nhật Bản.

"Ban đầu trước khi đàm phán, phía Nhật Bản dự định bán công nghệ này cho Việt Nam, sau này họ đã chuyển giao miễn phí cho chúng tôi nghiên cứu, chỉ thu phí bản quyền khi phương pháp được áp dụng điều trị chính thức" - GS Văn chia sẻ.

Tế bào miễn dịch trị ung thư: người bệnh tốn bao nhiêu? - Ảnh 2.

Quy trình điều trị của một đề tài khoa học cấp bộ đang được thực hiện tại Trung tâm nghiên cứu gen và protein - Đồ họa: V.CƯỜNG

Theo GS Văn, để tiếp cận hướng điều trị này, các nhà khoa học của Trung tâm nghiên cứu gen và protein ĐH Y Hà Nội đã được Bộ Y tế cho phép thực hiện một đề tài khoa học cấp bộ kéo dài trong 3 năm (hiện đề tài đang thực hiện ở năm thứ 2).

Dự kiến có 70 bệnh nhân mắc 5 loại ung thư, trong đó có ung thư phổi, vú, đại trực tràng, ung thư gan giai đoạn 3b và 4 (giai đoạn muộn) được lấy từ 10-30ml máu/bệnh nhân, phân lập, biệt hóa và nhân nuôi tế bào miễn dịch lên gấp nhiều lần so với ban đầu, rồi truyền tự thân lại cho bệnh nhân.

Tổng số mỗi bệnh nhân được truyền 6 lần tế bào miễn dịch trong vòng 3 tháng. Cho đến nay, đã có 15 bệnh nhân được áp dụng phương pháp này và hàng trăm bệnh nhân ung thư khác đề nghị được đưa vào danh sách chờ.

PGS Trần Huy Thịnh (Trung tâm nghiên cứu gen và protein ĐH Y Hà Nội) chia sẻ trong 15 bệnh nhân đầu tiên được áp dụng phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu, điều ông nhận thấy là chất lượng sống của bệnh nhân được cải thiện, các kết quả khác về giảm kích thước khối u, khỏi bệnh ung thư hay kéo dài sự sống của bệnh nhân thì cần thời gian theo dõi.

Vì những bệnh nhân đầu tiên được truyền tế bào miễn dịch trị liệu ung thư mới từ tháng 2-2018, cho đến nay mới khoảng 8 tháng, chưa đủ thời gian để đánh giá các yếu tố này.

"Trong số các bệnh nhân đã áp dụng phương pháp này, có một bệnh nhân hơn 70 tuổi bị ung thư đường tiêu hóa giai đoạn muộn. Trước khi được trị liệu thì mỗi ngày bệnh nhân phải uống một viên giảm đau liều cao và hầu như chỉ nằm, ngồi, không thể vận động nhiều.

Nhưng sau khi trị liệu, bệnh nhân không phải uống thuốc giảm đau, có thể trông cháu khoảng 5 giờ mỗi ngày và đã tham dự được một chuyến đi miền Nam thăm họ hàng theo tâm nguyện, điều mà trước điều trị bệnh nhân không thể nghĩ mình sẽ làm được" - PGS Thịnh cho biết.

Người bệnh tốn bao nhiêu?

Tế bào miễn dịch trị ung thư: người bệnh tốn bao nhiêu? - Ảnh 3.

Nghiên cứu liệu pháp điều trị miễn dịch với các kháng thể đơn dòng (monoclonal antibodies) - Ảnh: REUTERS

Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - phó giám đốc trung tâm ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết hiện nay tại đơn vị có hai dạng điều trị bằng liệu pháp miễn dịch gồm bệnh nhân dùng thuốc thử nghiệm phục vụ nghiên cứu và bệnh nhân dùng thuốc chính thức.

Hiện tại có khoảng 5 bệnh nhân ung thư được dùng thuốc điều trị chính thức, hiệu quả điều trị khá khả quan.

Về chi phí điều trị, tiến sĩ Tuấn Anh cho biết đắt vượt trội so với các liệu pháp trước đây và đó là trở ngại chính cho bệnh nhân muốn tiếp cận điều trị bằng liệu pháp này. Nguyên nhân của sự đắt đỏ này khá dễ hiểu bởi đây là liệu pháp mới, hiệu quả cao hơn các phương pháp trước đây.

Theo đó, một phác đồ điều trị phổ biến của liệu pháp này cần hai lọ thuốc cho một chu kỳ điều trị, kéo dài trong khoảng thời gian từ 1-2 năm và người bệnh phải trải qua khoảng 18 chu kỳ. Trong đó, một chu kỳ người bệnh phải chi khoảng 120 triệu đồng, tức người bệnh phải chi trên 2,1 tỉ đồng để điều trị một phác đồ.

Trong khi đó tại phía Bắc, giá thành cho mỗi đợt điều trị bằng phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu hiện khoảng 800 triệu đồng/liệu trình 6 chu kỳ trong vòng 3 tháng (giai đoạn hiện nay). So với nhiều phương pháp điều trị mới (như điều trị bằng thuốc nhắm đích) thì giá thành này chưa phải là quá cao.

Tuy nhiên theo GS Văn, vẫn cần áp dụng tổng hợp các phương pháp điều trị ung thư, như giai đoạn sớm thì vẫn là hóa trị, xạ trị, phẫu thuật, bệnh nhân điều trị bằng thuốc nhắm đích có hiệu quả tiếp tục điều trị, còn liệu pháp tế bào miễn dịch áp dụng cho bệnh nhân giai đoạn muộn (3b và 4), hướng đến cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.

Điểm ưu việt nữa của phương pháp là không có tác dụng phụ do tế bào miễn dịch được truyền cho bệnh nhân là tế bào tự thân.

Bảo hiểm y tế chưa chi trả cho phương pháp điều trị miễn dịch

Theo bác sĩ Bùi Ngọc Lan (trưởng khoa ung bướu Bệnh viện Nhi T.Ư), chi phí điều trị, đi lại, ăn ở, tiền thuốc trung bình của một bệnh ung thư Việt Nam là 179 triệu đồng/năm theo các phương pháp đã có trước đây và được bảo hiểm chi trả.

TS Lê Đức Dũng (Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đại học Wuerzburg, Đức):

Chưa thể áp dụng đại trà

Lê Đức Dũng

Trả lời câu hỏi của chúng tôi về tình hình nghiên cứu hiện nay cũng như khả năng ứng dụng của trị liệu miễn dịch trong tương lai gần, GS.BS Andreas Beilhack từ Bệnh viện Đại học WB (Đức) cho biết: Nghiên cứu và phát triển trị liệu miễn dịch hiện đang rất sôi động, đã tiến một bước rất xa, có một số thuốc đã được cấp phép. Tuy nhiên mức độ hiệu quả của các thuốc này cũng chỉ tương đối và chỉ có hiệu quả trên một số loại ung thư. Chỉ khoảng 20-30% số bệnh nhân ung thư phổi, ung thư da có tác dụng, có thể kéo dài sự sống lâu hơn so với các phương pháp điều trị truyền thống.

Để điều trị hiệu quả trị liệu miễn dịch cần phối hợp với các phương pháp điều trị như phóng xạ, hóa trị, phẫu thuật. Còn về tương lai thì trị liệu miễn dịch rất hứa hẹn, vì thực tế các nghiên cứu và thử nghiệm trị liệu miễn dịch trên thế giới cũng chỉ mới thực hiện trong mấy thập niên gần đây.

Lợi thế của trị liệu miễn dịch thường an toàn hơn so với xạ trị và hóa trị, phát huy được hệ miễn dịch của cơ thể để chống lại tế bào ung thư. Nhưng bên cạnh đó, kinh nghiệm từ các cuộc thử nghiệm trên người cho thấy các loại thuốc sinh học này thường gây ra những phản ứng thái quá của hệ miễn dịch gây nguy hiểm tính mạng.

Để phát triển được một loại thuốc thường rất lâu và rất tốn kém, lên đến hàng trăm triệu đến hàng tỉ USD, và chỉ có một tỉ lệ nhỏ thuốc có thể vượt qua được các cuộc thử nghiệm để đem ra thị trường.

Một số thuốc trị liệu miễn dịch cũng chỉ vừa được cấp phép ít năm gần đây. Đó chính là lý do các thuốc trị liệu miễn dịch rất đắt và khó áp dụng đại trà trong tương lai gần. Thêm vào nên dùng thuốc trị liệu miễn dịch hay không phụ thuộc rất nhiều vào từng cá thể, bác sĩ sẽ chỉ định áp dụng hay không tùy vào các chỉ số xét nghiệm của từng bệnh nhân.

Theo GS.BS Adreas Beilhack, thử thách lớn nhất của chúng ta hiện nay là tại sao khoảng 70% bệnh nhân còn lại không có tác dụng với một số thuốc đã kiểm nghiệm, và còn nhiều loại ung thư khác trị liệu miễn dịch chưa có hiệu quả. Do đó thế giới cần tập trung nghiên cứu các cơ chế mới cũng như thử nghiệm các biện pháp điều trị vào các cơ chế mới được phát hiện.

Tế bào miễn dịch trị ung thư: tăng cơ hội sống Tế bào miễn dịch trị ung thư: tăng cơ hội sống

TTO - Bên cạnh các phương pháp phẫu thuật, hóa trị, xạ trị… y học thế giới vừa đón nhận tin vui từ việc hai nhà khoa học của Mỹ và Nhật phát hiện liệu pháp tế bào miễn dịch điều trị bệnh lý ung thư.

LAN ANH - D.KIM THOA
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên