02/10/2018 09:31 GMT+7

Nobel y sinh 2018: Vinh danh đột phá trong điều trị ung thư

TUẤN SƠN - ĐỖ DƯƠNG
TUẤN SƠN - ĐỖ DƯƠNG

TTO - Mùa giải Nobel 2018 bắt đầu bằng giải thưởng danh giá cho lĩnh vực y sinh. Chủ nhân của giải thưởng này đã được xướng tên chiều 1-10, đó là hai nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản với những nghiên cứu về một hướng tiếp cận điều trị ung thư.

Nobel y sinh 2018: Vinh danh đột phá trong điều trị ung thư - Ảnh 1.

GS James P. Allison sinh năm 1948 tại Alice, bang Texas, miền nam nước Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ tại ĐH Texas, Austin năm 1973, sau đó dành 4 năm làm nghiên cứu sinh sau tiến sĩ rồi trở lại giảng dạy tại một trung tâm nghiên cứu về ung thư thuộc ĐH Texas - Ảnh: Reuters

Mùa giải Nobel 2018 bắt đầu bằng giải thưởng danh giá cho lĩnh vực y sinh. Chủ nhân của giải thưởng này đã được xướng tên chiều 1-10, đó là hai nhà khoa học Mỹ và Nhật Bản với những nghiên cứu về một hướng tiếp cận điều trị ung thư mang tính đột phá.

Ông James Allison, giáo sư người Mỹ đang làm việc tại ĐH Texas, và ông Tasuku Honjo, giáo sư đến từ ĐH Kyoto (Nhật Bản), được vinh danh "vì phát hiện của họ trong điều trị ung thư bằng cách ức chế điều hòa miễn dịch âm tính", theo thông cáo của Hội đồng Nobel thuộc Viện Karolinska ở Stockholm (Thụy Điển), đơn vị chịu trách nhiệm trao giải Nobel y sinh. 

Hai nhà khoa học sẽ chia nhau giải thưởng hiện kim trị giá 9 triệu kronor Thụy Điển (hơn 23,5 tỉ đồng).

"Bằng cách kích thích khả năng vốn có của hệ thống miễn dịch của cơ thể để tấn công các khối u, những nhà khoa học nhận giải Nobel năm nay đã thiết lập một nguyên lý hoàn toàn mới trong điều trị ung thư" - hội đồng trao giải cho biết.

GS James Allison (70 tuổi), trưởng bộ môn miễn dịch học tại ĐH Texas, đã nghiên cứu một loại protein có thể dùng để ức chế hệ miễn dịch. Khi sự ức chế được dỡ bỏ, các tế bào miễn dịch được giải phóng và tấn công các khối u. 

Từ phát hiện này, ông Allison đã phát triển ý tưởng của mình thành một hướng tiếp cận hoàn toàn mới trong điều trị bệnh nhân ung thư.

Trong khi đó, GS Tasuku Honjo (76 tuổi) cũng phát hiện một loại protein mới ở tế bào miễn dịch có khả năng hoạt động như chất ức chế nhưng theo một cơ chế khác. 

Các phương pháp điều trị dựa trên phát hiện của ông cho thấy tính "hiệu quả rõ rệt" trong đẩy lùi ung thư, theo nhận xét của Hội đồng Nobel năm nay.

"Alisson và Honjo đã cho thấy nhiều cách khác nhau để ức chế hệ miễn dịch có thể được áp dụng trong điều trị ung thư. Những khám phá quan trọng của hai nhà khoa học đã mở ra cột mốc mới trong cuộc chiến chống ung thư của nhân loại" - thông cáo của Hội đồng Nobel nêu rõ.

Điều kỳ diệu của hệ miễn dịch'

nobel2

GS Tasuku Honjo sinh năm 1942 ở thành phố Kyoto, Nhật Bản. Ông tốt nghiệp bác sĩ năm 24 tuổi và 5 năm sau đó trở thành nghiên cứu sinh tại Mỹ. Ông nhận bằng tiến sĩ năm 1975 tại ĐH Kyoto, sau đó lần lượt thực hiện công tác giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Tokyo và ĐH Osaka trước khi trở thành giáo sư ĐH Kyoto từ năm 1984 - Ảnh: ĐH Kyoto

Giải thưởng Nobel y sinh năm nay được hội đồng xét duyệt giải trao cho 2 nhà khoa học là James Allison đến từ Mỹ và Tasuku Honjo đến từ Nhật Bản vì những đóng góp trong việc khám phá phương pháp điều trị mà trong đó các protein làm giảm hoạt tính của lympho T (hay T cells - tế bào T) sẽ bị phong tỏa, từ đó tăng hoạt tính của tế bào T trong việc chống lại tế bào ung thư.

Hệ miễn dịch của chúng ta có một khả năng tuyệt vời đó là nhận diện được những gì của tự thân (self) và "không tự thân" (non-self), từ đó những vật lạ xâm nhập cơ thể như vi sinh vật sẽ bị nhận diện và tiêu diệt.

Tế bào T có vai trò rất quan trọng trong hệ miễn dịch, nó giúp cơ thể chống lại các vi sinh vật cũng như tiêu diệt các tế bào bị lỗi và hư hỏng như tế bào ung thư.

Trên bề mặt, tế bào T có các thụ thể có nhiệm vụ thúc đẩy hoạt tính của tế bào này khi chống lại các vật lạ, bên cạnh đó cũng có những thụ thể có nhiệm vụ làm giảm hoạt tính của tế bào T để tránh sự kích hoạt quá mức của hệ miễn dịch dẫn đến sự chống lại chính các tế bào khỏe mạnh của cơ thể.

Hai trong số các thụ thể làm giảm động của tế bào T là CTLA-4 (cytotoxic T-lymphocyte-associated Protein 4) và PD-1 (Programmed cell death protein 1) đã được nghiên cứu bởi James Allison và Tasuku Honjo.

Đầu những năm 1990, James Allison và các nhà khoa học khác đã phát hiện ra CTLA-4 có hoạt tính ức chế hoạt động của tế bào T.

Trong khi nhiều nhà khoa học khác tập trung nghiên cứu ứng dụng tăng cường hoạt động của CTLA-4 để điều trị tự miễn, là những bệnh mà hệ miễn dịch chống lại chính cơ thể chúng ta như bệnh tiểu đường type I, viêm thấp khớp... thì James Allison đã hướng đến nghiên cứu làm giảm hoạt động của thụ thể CTLA-4 nhằm tăng hoạt tính của tế bào T trong việc chống lại tế bào ung thư.

Năm 1994, James Allison và cộng sự đã tiến hành thí nghiệm trên chuột bằng cách tiêm các kháng thể đặc hiệu cho CTLA-4, các kháng thể khi vào cơ thể sẽ kết nối với CTLA-4 ngăn chặn thụ thể này kết nối với phối tử của nó làm cho CTLA-4 không được kích hoạt.

Kết quả rất khả quan là các con chuột bị ung thư đã được chữa trị khỏi bệnh.

Năm 2010, một nghiên cứu lâm sàng (trên người) cho các bệnh nhân bị ung thư da (melanoma) đã cho kết quả rất khả quan, đó là trên một số bệnh nhân, tế bào ung thư đã biến mất.

Cùng vào đầu những năm 1990, tại Nhật Bản, Tasuku Honjo và cộng sự đã phát hiện ra một loại protein khác có tên là PD-1 cũng có hoạt tính tương tự CTLA-4 là làm giảm hoạt động của tế bào T nhưng với cơ chế khác.

Các thí nghiệm trên chuột bằng cách phong tỏa thụ thể PD-1 bằng kháng thế cũng cho các kết quả rất khả quan là các tế bào ung thư bị tiêu diệt.

Năm 2012 các thử nghiệm lâm sàng cho thấy các hiệu quả rõ ràng trong điều trị các loại ung thư khác nhau của phương pháp phong tỏa PD-1. Mới đây một nghiên cứu lâm sàng kết hợp điều trị của CTLA-4 và PD-1 cho bệnh ung thư da và cho thấy hiệu quả rất tốt.

Điều trị miễn dịch (Immunotherapy), là các biện pháp can thiệp làm tăng cường hoặc giảm sự hoạt động của hệ miễn dịch của bản thân người bệnh để chống lại bệnh tật, hiện đang được nghiên cứu và phát triển rất mạnh trong ứng dụng điều trị nhiều loại bệnh, đặc biệt là các bệnh tự miễn, dị ứng và ung thư.

Phong tỏa CTLA-4 và PD-1 nhằm tăng cường hoạt động của tế bào T để chống lại tế bào ung thư đã chứng minh được hiệu quả cao và rất hứa hẹn.

Tuy nhiên nó không có nghĩa là các phương pháp điều trị này có thể tiêu diệt được hết tế bào ung thư và cũng không có nghĩa là có thể ứng dụng để điều trị được tất cả các loại ung thư và có hiệu quả với mọi người, vì hệ miễn dịch của mỗi cá thể có đặc điểm khác nhau, các tế bào ung thư cũng đa dạng và có thể thay đổi liên tục hoặc sản xuất ra các protein để lẩn tránh hệ miễn dịch.

Do đó cần kết hợp với các phương pháp điều trị khác để có thể cho ra kết quả tốt nhất.

TS Lê Đức Dũng (Phòng thí nghiệm nghiên cứu ung thư máu và ghép tế bào gốc, Bệnh viện Đại học Wuerzburg, Đức)

Lịch trao giải Nobel 2018

Năm nay, Viện Hàn lâm Thụy Điển đã quyết định hoãn trao giải Nobel văn chương và dự kiến trao giải này vào năm sau, cùng giải Nobel văn chương 2019.

Sau giải Nobel y sinh đã trao ngày 1-10, các giải Nobel còn lại sẽ diễn ra theo kế hoạch được công bố trên trang web Nobelprize.org như sau: ngày 2-10, trao giải Nobel vật lý; ngày 3-10, giải Nobel hóa học; ngày 5-10, giải Nobel hòa bình; ngày 8-10, giải Nobel kinh tế.

Cô gái gốc Việt được đề cử giải Nobel Hòa bình Cô gái gốc Việt được đề cử giải Nobel Hòa bình

TTO - Amanda Nguyen mới 26 tuổi nhưng đã được để cử giải Nobel Hòa bình. Cô là nạn nhân của tấn công tình dục.

TUẤN SƠN - ĐỖ DƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên