Phân lập và biệt hóa tế bào miễn dịch tại Trung tâm nghiên cứu gen và protein (ĐH Y Hà Nội) - Ảnh: HUY THỊNH
Hiện nay, liệu pháp này được cấp phép ứng dụng, triển khai tại nhiều bệnh viện Việt Nam như Bệnh viện K (Hà Nội), Ung bướu, Chợ Rẫy, Bình Dân (TP.HCM)...
Liệu pháp rất mới
Tiến sĩ Lê Tuấn Anh - phó giám đốc trung tâm ung bướu (Bệnh viện Chợ Rẫy) - cho biết đơn vị đang áp dụng liệu pháp miễn dịch trong điều trị ung thư phổi, ung thư hắc tố. Các bệnh nhân đến khám tại trung tâm ung bướu đều có cơ may tham gia các nghiên cứu về liệu pháp rất mới này.
Thế nhưng, theo TS Anh, không phải bệnh nhân ung thư nào cũng có thể được điều trị bằng phương pháp này.
"Bệnh nhân cần phải được làm một số xét nghiệm về mô bệnh học để xác định mức độ thể hiện các "chất thủ phạm", từ đó giúp tiên đoán khả năng điều trị có hiệu quả hay không" - TS Anh nhấn mạnh.
Liệu pháp miễn dịch có thể giúp kéo dài thêm đời sống cho bệnh nhân hoặc giúp tình trạng bệnh ở trạng thái ổn định lâu dài, hay nói cách khác là làm chậm sự tiến triển của bệnh.
Không ngoại lệ, liệu pháp này cũng có một số tác dụng phụ giống như các bệnh tự miễn do kích hoạt bạch cầu hoạt động quá mức gây viêm não, viêm tuyến giáp, viêm phổi, viêm da, mạch máu... Tuy nhiên các tác dụng phụ này tương đối ít gặp, không khó để hạn chế, xử trí.
BS Phạm Xuân Dũng - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - cho biết khoảng ba năm nay đơn vị phối hợp với các trung tâm ung thư lớn trong và ngoài nước, các công ty nghiên cứu để triển khai các nghiên cứu lâm sàng trên miễn dịch ung thư (nghiên cứu Keynote 042, Mystic...).
Ngoài ra, việc xét nghiệm đánh giá hóa mô miễn dịch cho thụ thể PD L1 (một loại protein) triển khai hơn một năm với trên 100 bệnh nhân ung thư phổi không tế bào nhỏ để xét điều trị miễn dịch với kháng thể nhân bản pembrolizumab.
Hiện nay có 3 bệnh nhân dùng thuốc này. Bệnh viện còn triển khai xét nghiệm MSI (xét nghiệm MMR) và PD L1 để áp dụng điều trị miễn dịch cho bệnh nhân ung thư đại trực tràng kháng trị.
Chia sẻ thêm với Tuổi Trẻ, BS Phan Tấn Thuận - phòng chỉ đạo tuyến Bệnh viện Ung bướu - cho biết hiện nay phương pháp kiểm soát miễn dịch này được áp dụng điều trị các loại ung thư phổi, ung thư tế bào hắc tố của da, ung thư nguyên phát của gan, ung thư đại trực tràng kháng trị... giai đoạn tiến xa, di căn.
"Thông qua phương pháp này giúp bệnh nhân kéo dài sự sống với tác dụng phụ thấp. Tuy nhiên, chưa điều trị khỏi bệnh triệt để và chi phí điều trị khá cao" - BS Thuận nói.
Gieo niềm tin cho người bệnh
Khi nghe thông tin về liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư mới, nhiều người bệnh, thân nhân bệnh nhân bị ung thư có thêm một niềm hi vọng để chiến đấu với căn bệnh quái ác này.
Chị V. (ngụ Q.Thủ Đức) có chị gái bị bệnh ung thư vú khoảng 3 năm nay. Sau khi được Bệnh viện Ung bướu TP.HCM điều trị bằng phương pháp phẫu thuật, tái tạo, sử dụng hóa trị sinh học đến nay đã được xuất viện.
"Hóa trị sinh học ít tổn hại sức khỏe nhưng chi phí điều trị khá đắt đỏ. Trong suốt 3 năm chi phí điều trị cả đông, tây y đã tiêu tốn rất nhiều tiền bạc của gia đình" - chị V. nói. Nghe về liệu pháp điều trị ung thư mới, chị V. cho rằng nếu hiệu quả, chi phí điều trị tốt hơn thì sẽ cứu giúp được rất nhiều người bệnh đang mấp mé cửa sinh tử.
Bà X. (ngụ Q.9) vĩnh viễn mất đi người em trai bởi căn bệnh ung thư gan giai đoạn cuối. "Thường ngày em tôi vẫn đi làm bình thường, bỗng một ngày phát hiện ung thư thì quá muộn. Biết trước sẽ phải đón nhận tin xấu nhất nên gia đình, kể cả người bệnh không dùng các biện pháp can thiệp, chỉ uống thuốc giảm đau qua ngày" - bà X. tâm sự.
Bà cũng bày tỏ mong muốn liệu pháp miễn dịch khi được áp dụng sẽ mang lại nhiều cơ hội sống cho người bệnh ung thư.
"Tôi có nghe thông tin về liệu pháp này và rất vui mừng. Chỉ người bị ung thư và người thân của họ mới có thể thấu hiểu hết được nỗi đau, mỗi phương pháp mới là điều vô cùng quý giá, là cơ hội sống cho người bệnh" - bà chia sẻ.
Tại Nhật Bản, phương pháp tế bào miễn dịch trị liệu đã được công nhận là một trong những phương pháp điều trị ung thư chính thức, tại bệnh viện chuyển giao phương pháp cho VN, 60% bệnh nhân được áp dụng trị liệu có cải thiện về lâm sàng, 3% bệnh nhân đạt các kết quả tốt như khối u nhỏ lại, thời gian và chất lượng sống đều cải thiện. Đây là kết quả đáng khích lệ.
GS.TS TẠ THÀNH VĂN (phó hiệu trưởng ĐH Y Hà Nội)
Điều trị tùy người
Giải Nobel y sinh vừa được trao cho công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học James P. Allison (Mỹ) và Tasuku Honjo (Nhật) vì đã tìm ra cơ chế giúp tăng cường khả năng miễn dịch của con người chống chọi với bệnh ung thư.
Theo báo New York Times, các thuốc được bào chế dựa vào công trình nghiên cứu của hai nhà khoa học này thuộc về nhóm các chất ức chế kiểm soát (checkpoint inhibitors). Những loại đầu tiên được phê chuẩn gồm ipilimumab (tên biệt dược là Yervoy), nivolumab (Opdivo) và pembrolizumab (Keytruda).
Tuy vậy những chất ức chế kiểm soát này không có tác dụng với mọi người và cũng chỉ được cấp phép điều trị cho một số loại ung thư. Chúng cũng có những tác dụng phụ nặng nề và rất đắt đỏ. Chi phí điều trị bằng những loại thuốc này lên tới hơn 100.000 USD/năm, mức chi phí mà rất nhiều người bệnh ung thư không thể đáp ứng.
Bất kể những mặt còn hạn chế, liệu pháp điều trị ung thư bằng miễn dịch trở thành cách điều trị chính với một số kiểu ung thư như: phổi, thận, bàng quang, đầu và cổ, ung thư tế bào hắc tố tăng triển, ung thư hạch bạch huyết (Hodgkin lymphoma) và một số ung thư khác.
Theo tạp chí Vox (Mỹ), liệu pháp điều trị miễn dịch mang lại hi vọng mới cho người bệnh ung thư. Các bác sĩ đã thấy những khối u ác tính biến mất dần, có những người bệnh được tiên lượng sẽ chết nhưng rồi đã hồi phục sức khỏe trong nhiều năm tiếp theo.
Mặc dù các hiệu quả tích cực này không xuất hiện ở mọi người bệnh, chỉ khoảng 15-20% bệnh nhân ung thư có phản ứng tốt với liệu pháp điều trị miễn dịch. Song cũng phải nói thêm, những người bệnh bị ung thư phải qua hóa trị chưa bao giờ đạt được tình trạng hồi phục sức khỏe như vậy.
Điểm khác biệt rõ nhất của liệu pháp này chính là trong quá trình trị liệu miễn dịch, chỉ tế bào ác tính bị tiêu diệt mà không có chuyện tế bào khỏe mạnh bị "giết nhầm", một điều có thể xảy ra trong các liệu pháp điều trị khác. Đó là lý do khiến điều trị miễn dịch trở nên hấp dẫn hơn, và cũng là điều khiến công trình nghiên cứu của hai ông Allison và Honjo trở nên quan trọng đến vậy.
Hiện cũng đang có rất nhiều nghiên cứu liên quan liệu pháp miễn dịch này đang được tiến hành để tìm ra cách tốt nhất kết hợp các chất ức chế kiểm soát với nhau, và kết hợp với các liệu pháp điều trị tiêu chuẩn để giúp nhiều người bệnh hơn.
Tiến bộ đột biến nhất trong trị liệu miễn dịch cho tới nay được chứng minh bằng thực tế đơn giản cho thấy những loại thuốc này hoạt động vô cùng hiệu quả trong một số giai đoạn, ở một số người bệnh và với một số loại ung thư. Tuy nhiên một trong những thách thức lớn nhất là người ta vẫn chưa thể đi đến kết luận chính xác, rõ ràng vì sao chỉ một số người được điều trị tốt và người nào sẽ phản ứng tốt với phương pháp điều trị này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận