20/08/2012 10:30 GMT+7

Taxi mù "chặt chém" du khách

HOÀNG LỘC - QUANG QUÝ
HOÀNG LỘC - QUANG QUÝ

TT - Các taxi “mù” tại TP.HCM thường không gắn phù hiệu hoặc gắn phù hiệu sai quy định, không hộp đèn, không đồng hồ tính cước, màu sơn, biểu trưng, số điện thoại không đúng với đăng ký, hoạt động không phép...

6ToF9pgw.jpgPhóng to
Du khách người Úc bị tài xế taxi “mù” “chặt chém” 370.000 đồng sáng 12-8 với đoạn đường 3km từ bến Bạch Đằng đến khách sạn Hạ Vy (Q.1, TP.HCM) - Ảnh: Hoàng Lộc

“Đại bản doanh” của “đội quân” taxi “mù” hoạt động ở các khu vực bến tàu cánh ngầm, chợ Bến Thành, đường Phạm Ngũ Lão (Q.1), Bảo tàng Chứng tích chiến tranh (Q.3), sân bay Tân Sơn Nhất (Q.Tân Bình), chợ An Đông (Q.5) và trước các nhà hàng, khách sạn, bệnh viện... Tại các điểm này mỗi ngày xuất hiện hàng trăm taxi “mù” chờ câu khách để “chặt chém”.

Đi 3km bị “chặt” 370.000 đồng

Phát hiện, xử phạt 130 taxi “mù”

Báo cáo kết quả thanh tra, kiểm tra sáu tháng đầu năm 2012 của thanh tra Sở Giao thông vận tải TP.HCM có 130 trường hợp vi phạm kinh doanh vận tải hành khách bằng taxi. Theo đó, sai phạm nhiều nhất là không có hoặc không gắn phù hiệu (biển hiệu) theo quy định: có 103 trường hợp. Taxi không có hộp đèn, không lắp đồng hồ tính tiền cước hoặc có lắp đồng hồ nhưng trái quy định: 4 trường hợp. 11 trường hợp vi phạm sử dụng taxi chở hành khách có màu sơn, biểu trưng của doanh nghiệp, HTX, số điện thoại giao dịch ghi trên xe không đúng với đăng ký...

Sáng 12-8, hai du khách người Úc đi tàu cánh ngầm từ Vũng Tàu về TP.HCM. Tàu cập bến Bạch Đằng (Q.1), hai người xách vali lên bờ thì tài xế taxi mù 51A-22029 săn đón “áp giải” lên xe. Xe này trưng tới hai logo to tướng “M.Taxi” và “taxi Mai Linh” nhưng lại ghi số tổng đài của taxi Minh Đức là (08) 54.343434, số tài 4004. Lịch trình của khách là từ bến Bạch Đằng về khách sạn Hạ Vy (Đỗ Quang Đẩu, Q.1) khoảng 3km. Nhưng tài xế cho xe chạy lòng vòng từ bến Bạch Đằng rẽ vào đường Công trường Mê Linh, chạy thẳng đường Hai Bà Trưng rồi quặt lại đường Lê Thánh Tôn. Qua chợ Bến Thành, tài xế lại tiếp tục cho xe rẽ vào đường Phạm Hồng Thái, đường Lý Tự Trọng quặt tiếp vào đường Lê Thánh Tôn, sau đó mới chạy dọc công viên 23-9. Tài xế tiếp tục lượn qua các đường Nguyễn Thị Nghĩa, Phạm Ngũ Lão, Đề Thám, Bùi Viện, Nguyễn Trãi... rồi mới rẽ vào đường Đỗ Quang Đẩu, dừng trước khách sạn Hạ Vy.

Người khách đưa tờ 500.000 đồng, tài xế thối lại 100.000 đồng. Vị khách giơ hai tay tỏ ý không hài lòng, tài xế nhăn mặt rút trả lại ba tờ 10.000 đồng (30.000 đồng) thối lại rồi chạy đi.

12g trưa 14-8, từ bến Bạch Đằng, chúng tôi bắt taxi “mù” biển số 52X-0276 gắn logo “M.Taxi”, số tài 793 đi sân bay Tân Sơn Nhất. Tài xế là người đàn ông đeo kính đen, đội nón tai bèo “nổ” là “tài xế Hãng taxi Mai Linh”. Chúng tôi giả vờ lơ ngơ hỏi từ bến Bạch Đằng lên sân bay có xa không, tài xế nói: “Xa lắm, chắc chạy 40 phút mới đến nơi”.

Tài xế cho xe chạy lòng vòng từ đường Công trường Mê Linh vào đường Hai Bà Trưng, chạy hết đường Phan Đình Phùng, thay vì rẽ trái chạy đường Hoàng Văn Thụ thì rồ ga chạy thẳng qua đường Nguyễn Kiệm, Nguyễn Thái Sơn đến đường Bạch Đằng, Hồng Hà... để ăn gian kilômet.

Qua quan sát, quy trình bấm số tiền của xe rất... tù mù khiến khách đi xe khó theo dõi được. Đồng hồ luôn đột ngột nhảy một lần từ 5.000-7.000 đồng, thậm chí lên đến 10.000 đồng. Đến sân bay, tài xế “hét” số tiền 272.000 đồng và “xin” 20.000 đồng tiền vào cổng.

Chúng tôi yêu cầu viết hóa đơn, anh ta nói: “Hóa đơn Mai Linh em hết rồi” và đưa hóa đơn của Hãng “Vina taxi”. Lúc 13g cùng ngày, chúng tôi bắt taxi Mai Linh quay ngược lại bến Bạch Đằng chỉ mất số tiền 120.000 đồng.

Ăn gian

Ngoài chạy lòng vòng, tài xế taxi “mù” thường sử dụng “súng” (một thiết bị điều khiển điện tử) để nâng khống số tiền. Tùy theo chế độ cài đặt, du khách có thể bị ăn gian từ 7.000-10.000 đồng. “Súng” có kích thước nhỏ gọn như hộp diêm được giới tài xế taxi “mù” giấu kín trong túi quần, túi áo. Thiết bị này có chức năng điều khiển từ xa (bán kính khoảng 1,5m), được kết nối với hệ thống đồng hồ (meter). Lúc chạy, tài xế chỉ cần bấm vào nút điều khiển của “súng”, số tiền sẽ tăng tùy ý.

Giới tài xế taxi “mù” ở TP.HCM đều biết ông Tâm - một trong những đầu mối lắp ráp đồng hồ, cung cấp “súng”. Chiều 15-8, anh H. chạy xe Innova đến nhà ông Tâm (đường số 11, P.Tân Kiểng, Q.7) để nhờ gắn đồng hồ và trang bị “súng”. Ông Tâm nói nhỏ: “Muốn gắn “súng” sao không báo trước, tao làm sẵn đến chỉ lắp cho nhanh, giờ làm phải cả tiếng đồng hồ”. Anh H. hỏi: “Gắn thêm “súng” giá bao nhiêu anh?”. Ông Tâm nói: “Thêm 5 xị (500.000 đồng), cộng với ráp đồng hồ 1 chai 2 (1,2 triệu đồng), tổng cộng 1 chai 7 (1,7 triệu đồng)”.

18g ngày 10-8, khoảng 10 taxi “mù” tập kết đậu trên đường Lê Lợi, đoạn gần chợ Bến Thành. Khi thấy lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT), thanh tra giao thông xuất hiện, lập tức tài xế Quân, lái taxi 51-04..., nhanh chóng gỡ hết logo, hộp đèn bỏ vào cốp sau. Đồng thời tháo luôn đồng hồ chỉ trong khoảng hai phút. Đến 19g30, khi thấy bóng dáng CSGT đi khuất, tài xế Quân lại mở cốp xe lấy logo, hộp đèn gắn lại như cũ.

10g ngày 15-8, tại hành lang đi bộ cạnh khách sạn New World (Lê Lai, P.Bến Thành, Q.1), tài xế chạy taxi “mù” biển số 52V-41... đã thực hiện màn “lột xác” taxi “mù” vô cùng ngoạn mục. Lúc này trên hộp đèn taxi ghi hãng “taxi 27-7” và số tổng đài 08.9.620620 nhưng logo dán bên hông xe lại ghi: “M.Taxi”. Tài xế taxi bóc logo ghi “M.Taxi” ở hông xe xuống. Đồng thời lấy từ cốp xe ra tờ giấy in logo của Hợp tác xã (HTX) “taxi 27-7” dán vào hông xe, tiếp tục chạy lòng vòng qua đường Phạm Ngũ Lão.

8D91mJD8.jpgPhóng to
“Súng” dùng để nâng khống tiền - Ảnh: Hoàng Lộc

Chạy thì phải “nẹt” đồng hồ

Sáng 13-8, anh H. đến HTX taxi vận tải du lịch 27-7 (lô C8, đường Phổ Quang, P.2, Q.Tân Bình) xin gia nhập HTX. Thủ tục gia nhập HTX 27-7 rất đơn giản, chỉ cần xe có giấy tờ, không chạy cho hãng khác, đóng phí 200.000 đồng/tháng, phí môn bài 300.000 đồng/năm. Nơi đây yêu cầu “ngoài đóng các khoản phí cho HTX, xã viên phải trang bị logo, phù hiệu, hộp đèn, bộ đàm và mặc áo sơ mi trắng. Đó là quy định của Sở Giao thông vận tải”. Anh H. thắc mắc: “Đâu phải lúc nào cũng đầy đủ, phải du di chút chứ”. “Đó là đề phòng lúc nó (thanh tra - PV) kiểm tra, tài xế nên có áo trắng trên xe, chứ lúc bình thường mặc quần đùi cho rồi, giờ bảo tài xế mặc áo sơmi, thắt cà vạt chắc điên chết luôn” - một người ở HTX cho biết.

Người này cũng thừa nhận “quản lý không xuể” và nói trường hợp nhiều tài xế taxi của 27-7 lỡ “chặt chém” khách bị phản ảnh thì phải tìm cách “binh”: “Một mặt gọi điện nói khéo với khách, mặt khác gọi tài xế “nhả” tiền ra vì “gặm” phải cục xương không nuốt được. Nếu tiền taxi khoảng 200.000 đồng thì “ăn” thêm một, vài chục ngàn chứ lấy cao quá lại rách việc”.

Trưa 13-8, anh H. đến HTX vận tải du lịch taxi Minh Đức (đường Đỗ Nhuận, P.Sơn Kỳ, Q.Tân Phú) xin gia nhập HTX. Nam nhân viên ở đây yêu cầu anh photo các loại giấy tờ, thủ tục gồm sổ đăng kiểm, cà vẹt, bằng lái, CMND và đóng 2 triệu đồng tiền ký quỹ con tem, thuế môn bài 2,1 triệu đồng, phí quản lý 100.000 đồng/tháng là “gắn logo chạy luôn”.

Anh H. hỏi logo, hộp đèn, đồng hồ, bộ đàm... HTX có trang bị không, người này nói: “HTX không trang bị nên tài xế tự sắm nhưng phải tuân theo mẫu. Nếu cần sẽ giới thiệu chỗ ráp, kiểm định. Bến bãi tự lo, khách tự kiếm và hoạt động tự thu, tự chi”. Anh H. nói giờ làm ăn khó khăn quá nên tranh thủ “chặt chém” kiếm ít đồng có sao không, người này cười xòa: “Đúng rồi, chạy thì phải “nẹt” là tất nhiên. Nhưng “nẹt” đồng hồ ít thôi chứ ăn lộ quá người ta biết”.

Trách nhiệm chính là đơn vị chủ quản

Ông Lý Tấn Tài - phó đội trưởng nghiệp vụ tổng hợp thanh tra Sở Giao thông - vận tải TP.HCM, cho biết thời gian qua thanh tra sở liên tục phối hợp với các cơ quan chức năng để xử lý tình trạng bát nháo của taxi nhái, taxi “mù”. Các sai phạm như không gắn hộp đèn, logo, ăn gian bằng đồng hồ tự chỉnh... có giảm đáng kể nhưng lại nảy sinh nạn ép, “chặt chém” khách. Mới đây nhất, một trường hợp du khách ở Tổng lãnh sự quán Hàn Quốc gửi đơn phản ảnh yêu cầu xử lý taxi nhái “chặt chém” tới 500.000 đồng chỉ với đoạn đường từ chợ Bến Thành về Q.7.

Ông Tài cho biết để giảm tình trạng này, thanh tra sở vừa kiến nghị ngoài việc niêm yết số điện thoại đường dây nóng của thanh tra giao thông, cần niêm yết thêm số điện thoại đường dây nóng của phòng CSGT trên các taxi để thuận lợi trong việc kiểm tra, xử lý. Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành tổ chức rà soát, kiểm tra vị trí dừng, đỗ đón khách của taxi tại các nhà hàng, khách sạn, bến tàu cánh ngầm...

Ông Tạ Long Hỷ - chủ tịch Hiệp hội Taxi TP.HCM - khẳng định tình trạng taxi “mù” “chặt chém” du khách, trách nhiệm chính thuộc về đơn vị chủ quản là HTX, doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi. Hiện có hàng loạt doanh nghiệp, HTX kinh doanh vận tải taxi nhưng thực chất là “bán” logo thu tiền tháng, còn việc xã viên hoạt động như thế nào, gắn logo, đồng hồ, số điện thoại tổng đài... có đúng quy định hay không thì không quan tâm.

Theo ông Hỷ, kẽ hở lớn nhất là do thủ tục đăng ký gia nhập doanh nghiệp, HTX taxi quá đơn giản, dẫn đến tình trạng ai cũng có thể có giấy phép chạy taxi với điều kiện chỉ cần đóng tiền là có ngay logo, bảng hiệu, giấy phép kinh doanh.

Hiệp hội đã nhiều lần gửi kiến nghị cơ quan chức năng có biện pháp chấn chỉnh, dẹp vấn nạn này. Theo ông Hỷ, cần có một cơ chế nghiêm khắc trong việc quản lý, kinh doanh vận tải taxi. Bản thân mỗi doanh nghiệp, HTX phải có trách nhiệm kiểm tra, giám sát xã viên bằng các biện pháp như theo dõi chụp hình, điều tra xác minh chủ xe ở đâu, sai phạm như thế nào từ đó “chỉ điểm” cho thanh tra xử lý và dựa vào kết quả thanh tra để kiện ra tòa.

HOÀNG LỘC - QUANG QUÝ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên