Ngày 4-10, tàu ngầm Severodvinsk bắn thử nghiệm thành công hai tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon - Ảnh: thedrive.com
Tàu ngầm hạt nhân đã tăng cường khả năng cơ động và khó phát hiện hơn với công nghệ tàng hình, đồng thời tăng cường tác dụng của vũ khí hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.
"Hủy diệt lẫn nhau"
Trong Chiến tranh lạnh, tàu ngầm hạt nhân được sử dụng như một giải pháp răn đe mạnh mẽ, một thành phần trong học thuyết "tất yếu hủy diệt lẫn nhau" (MAD) để ngăn ngừa xảy ra chiến tranh hạt nhân. Khả năng tàng hình của tàu ngầm giúp ích rất nhiều cho công tác tình báo điện tử.
Phần lớn hoạt động hải quân trong chiến tranh sau Chiến tranh thế giới thứ hai do các hạm đội tàu mặt nước đảm trách trong khi tàu ngầm giữ vai trò chiến lược với chức năng bệ phóng tên lửa đạn đạo và thu thập tin tình báo.
Tàu ngầm đóng góp đáng kể trong hoạt động thu thập tin tình báo đến mức hiện nay hầu hết thông tin về hoạt động tàu ngầm vẫn còn bảo mật. Với hàng loạt thiết bị âm học siêu nhạy và sử dụng công nghệ siêu im lặng, tàu ngầm có thể nghe trộm điện đàm, phát hiện cáp ngầm, chụp ảnh tàu trên mặt nước và dưới nước.
Năm 1957, Liên Xô đã hạ thủy tàu ngầm hạt nhân đầu tiên K-3 Leninsky Komsomol. Sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, Hải quân Nga bị cắt giảm chỉ còn bằng 1/4 so với trước. Lực lượng gần 400 tàu ngầm vào năm 1985 giảm chỉ còn 63 tàu năm 2008. Đến năm 2008, Hải quân Nga bắt đầu kế hoạch tái cấu trúc. Kết quả đạt được hết sức ấn tượng.
Năm 2010, Nga bắt đầu đóng tàu ngầm Novorossisk, chiếc đầu tiên trong 13 tàu ngầm diesel-điện lớp Varshavyanka tích hợp công nghệ tàng hình hiện đại. Tại cuộc họp báo vào tháng 11-2013, thuyền trưởng Konstantin Tabachny cho biết:
"Các đối thủ tiềm năng của chúng tôi gọi nó là "hố đen" do khả năng phát tiếng ồn và khả năng hiển thị của tàu ngầm rất thấp. Đặc điểm chính của tàu ngầm là không thể bị phát hiện". Song song theo đó, Nga tiếp tục xây dựng tàu ngầm hạt nhân SSGN. Tàu ngầm đầu tiên Yury Dolgoruky thuộc lớp Borei đi vào hoạt động năm 2013.
Trong khi tàu ngầm lớp Virginia của Mỹ là tàu ngầm tiên tiến nhất, khoảng cách đang dần thu hẹp. Đại diện cho tàu ngầm hạt nhân thế hệ mới SSGN của Nga là tàu ngầm Severodvinsk lớp Yasen (dự án 885) và tàu ngầm Kazan lớp Yasen-M (dự án 885M), tàu ngầm Severodvinsk là chiếc đầu tiên lớp Yasen hoạt động năm 2014.
Tàu ngầm trang bị 10 ống phóng ngư lôi đặt gần đài chỉ huy thay vì mũi tàu và 8 ống phóng thẳng đứng, chở theo 32 tên lửa P-800 Oniks và/hoặc 40 tên lửa 3M-14 Kalibr. Tên lửa Kalibr đáng sợ ở chỗ có thể bắn xa hơn 2.400km.
Đây là lần đầu tiên Hải quân Nga có khả năng tấn công tầm xa bằng vũ khí thông thường. Năm 2019, Lầu Năm Góc thừa nhận tàu Severodvinsk đã từng đi vào Đại Tây Dương hồi năm 2018 mà không bị phát hiện trong nhiều tuần.
Tàu ngầm Kazan là tàu đầu tiên lớp Yasen-M hoạt động vào ngày 7-5-2021 sau 12 năm thi công. Lớp Yasen-M gồm 8 tàu ngầm tiên tiến và đắt tiền nhất của Nga hiện nay.
Tàu ngầm Kazan trang bị hệ thống điều khiển mới, công nghệ tàng hình mới, các bộ cảm biến mới, hệ thống cứu nạn mới và lò phản ứng hạt nhân theo thiết kế mới ít gây tiếng ồn hơn. Dù Kazan chỉ có 8 ống phóng ngư lôi nhưng chở số ngư lôi và tên lửa như tàu ngầm Severodvinsk.
Báo Business Insider đánh giá tàu ngầm Kazan là đối thủ đáng gờm nhất hiện nay của Mỹ và các đồng minh NATO. Các nhà phân tích tin rằng tàu ngầm Nga sở hữu công nghệ tin học và cảm biến hiện đại có thể theo dõi tàu ngầm thông qua những thay đổi tinh vi trên mặt biển do tàu chạy gây ra.
Tàu ngầm INS Chakra của Ấn Độ, một trong 6 quốc gia có tàu ngầm hạt nhân - Ảnh: Hải quân Ấn Độ
Mỹ lo ngại tàu ngầm Nga
Trang web Defense Media Network ghi nhận Hải quân Mỹ đã nhiều lần cảnh báo về năng lực tàu ngầm Nga.
Trong bài viết đăng trên tạp chí Proceedings vào tháng 6-2016, đô đốc James Foggo III, tư lệnh Hải quân Mỹ ở châu Âu - châu Phi và bộ tư lệnh lực lượng hỗn hợp đồng minh ở Naples, lưu ý: "Một lần nữa lực lượng tàu ngầm Nga hiệu quả, có kỹ năng và công nghệ tiên tiến đang thách thức chúng ta...".
Năm 2018, ông phát biểu ý tương tự trước Hội đồng Đại Tây Dương. Hải quân Mỹ đã kích hoạt hoạt động hạm đội số 2 phụ trách bờ Đông và Bắc Đại Tây Dương vốn đã ngừng hoạt động vào năm 2011 lúc Hải quân Nga giảm hoạt động.
Bằng chứng về năng lực của tàu ngầm Nga bộc lộ rõ vào ngày 30-10-2019 khi tàu ngầm hạt nhân SSBN Prince Vladimir thuộc lớp Borei II- (A) trong lúc lặn dưới Bạch Hải đã bắn thử nghiệm tên lửa đạn đạo Bulava SS-N-32 trúng mục tiêu trên bán đảo Kamchatka cách xa một châu lục. Đây là chiếc đầu tiên trong 5 chiếc SSBN lớp Borei II- (A). Hai chiếc nữa dự kiến được bàn giao vào năm 2026 và 2027.
Năm 2020, phó đô đốc Andrew Lewis, chỉ huy hạm đội số 2, đã cảnh báo: "Tàu của chúng ta không còn có thể mong đợi hoạt động ở nơi trú ẩn an toàn trên bờ Đông hoặc chỉ đơn giản băng qua Đại Tây Dương mà không bị cản trở". Phó đô đốc Daryl L. Caudle, chỉ huy lực lượng tàu ngầm Hải quân Mỹ, đưa ra nhận định tương tự: "Chúng ta phải sẵn sàng tiến hành các hoạt động chiến đấu ở mức cao trong vùng biển nhà".
Trên Thái Bình Dương, Hải quân Mỹ còn phải đối mặt với thách thức từ hải quân Trung Quốc, nước này đã đóng tàu ngầm hạt nhân đầu tiên năm 1974. Từ nửa sau thập niên 1980, Hải quân Trung Quốc không còn hoạt động chủ yếu ven bờ như trước.
Tháng 10-2006, tàu ngầm diesel lớp Tống đã theo dõi tàu sân bay Mỹ mà không bị phát hiện trước khi nổi lên trong tầm phóng ngư lôi ở Kitty Hawk (bang Bắc Carolina). Hai năm sau, một tàu ngầm lớp Tống và một tàu ngầm hạt nhân lớp Hán đeo bám tàu sân bay USS George Washington trong hành trình từ Nhật sang Hàn Quốc.
Năm 2014, lần đầu tiên Trung Quốc triển khai tàu ngầm hạt nhân ở Ấn Độ Dương. Các tàu ngầm SSBN lớp Tấn được trang bị tên lửa đạn đạo hạt nhân JL-2 với tầm bắn xa đến bờ Tây nước Mỹ.
6 quốc gia sở hữu tàu ngầm hạt nhân
Tàu ngầm được chia làm hai nhóm. Nhóm tàu ngầm diesel-điện gồm tàu ngầm diesel-điện tấn công (SSK) và tàu ngầm diesel-điện phóng tên lửa đạn đạo (SSB). Nhóm tàu ngầm hạt nhân gồm tàu ngầm hạt nhân tấn công (SSN), tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa đạn đạo (SSBN) và tàu ngầm hạt nhân phóng tên lửa hành trình (SSGN). Hai nhóm đều có thể phóng tên lửa mang đầu đạn hạt nhân.
Theo tài liệu "Cán cân quân sự 2021" của Viện Nghiên cứu chiến lược quốc tế (IISS) ở Anh, 42 quốc gia và vùng lãnh thổ sở hữu 485 tàu ngầm quân sự: CHDCND Triều Tiên (71 tàu ngầm), Mỹ (68), Trung Quốc (59), Nga (49), Nhật (22), Hàn Quốc (18), Iran (17), Ấn Độ (16), Thổ Nhĩ Kỳ (12), Hy Lạp (11), Anh (11), Pháp (8), Ý (8), Pakistan (8), Việt Nam (8), Ai Cập (7), Algeria (6), Úc (6), Đức (6), Na Uy (6), Peru (6), Thụy Điển (5), Brazil (5), Israel (5), Canada (4), Chile (4), Colombia (4), Indonesia (4), Hà Lan (4), Singapore (4), Đài Loan (4), Ba Lan (3), Bangladesh (2), Ecuador (2), Malaysia (2), Bồ Đào Nha (2), Nam Phi (2), Tây Ban Nha (2), Argentina (91), Cuba (1), Myanmar (1), Venezuela (1).
6 quốc gia đang sở hữu tàu ngầm hạt nhân gồm: Mỹ (68 tàu ngầm hạt nhân/68 tàu ngầm, trong đó 14 tàu SSBN), Nga (29/49 với 11 tàu SSBN), Trung Quốc (12/59 với 6 tàu SSBN), Anh (11/11), Pháp (8/8) và Ấn Độ (1/16).
********
Tàu ngầm như những con sói biển cực kỳ nguy hiểm thực thi nhiệm vụ thầm lặng, bảo đảm sẵn sàng trả đũa tàn khốc khi cần thiết. Trò chơi mèo và chuột xảy ra hằng ngày dưới đáy đại dương âm u.
>> Kỳ tới: Đàn sói tử thần dưới đáy biển
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận