Theo Hãng tin Reuters, Chandrayaan có nghĩa là "phương tiện lên Mặt trăng" trong tiếng Hindi và tiếng Phạn. Chandrayaan-3 là nỗ lực thứ hai của Ấn Độ trong việc đáp xuống Mặt trăng.
Năm 2019, sứ mệnh Chandrayaan-2 của Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) đã phóng thành công tàu lên quỹ đạo nhưng sau đó tàu đổ bộ bị rơi.
Trước khi con tàu đổ bộ Vikram được thả xuống bề mặt Mặt trăng ngày 23-8, ISRO cho biết họ sẵn sàng kích hoạt quy trình đổ bộ tự động của con tàu. Khi kích hoạt, con tàu sẽ tới vị trí theo chỉ định và đáp xuống Mặt trăng.
Thành công này đã đưa Ấn Độ trở thành quốc gia thứ 4 trên thế giới từng đưa tàu đáp xuống hành tinh này cùng với Mỹ, Trung Quốc và Liên Xô trước đây.
Tàu đổ bộ Vikram từ tàu mẹ Chandrayaan-3 đã đáp xuống cùng một robot nhỏ có tên gọi là Pragyan.
Bộ đôi chạy bằng năng lượng Mặt Trời này sẽ khám phá bề mặt trong một ngày Mặt Trăng (bằng khoảng 14 ngày Trái Đất), trước khi đêm Mặt Trăng (cũng dài bằng 14 ngày Trái đất) tối và lạnh buông xuống, khiến chúng cạn kiệt pin.
Vikram mang 4 bộ thiết bị khoa học, trong đó có đầu dò nhiệt với khả năng đâm sâu vào đất Mặt Trăng khoảng 10 cm và ghi nhận nhiệt độ của đất đá xuyên suốt ngày Mặt Trăng.
Vikram cũng trang bị một bộ phản xạ ngược, dự kiến vẫn phát huy tác dụng rất lâu sau khi trạm đổ bộ này ngừng hoạt động.
Trong khi đó, robot Pragyan mang theo Máy quang phổ phát xạ laser (LIBS) và Máy quang phổ tia X hạt Alpha (APXS) để nghiên cứu đất đá Mặt Trăng.
Việc Ấn Độ chọn cực nam Mặt trăng để hạ cánh cũng có ý đồ. Các nhà khoa học sẽ khám phá xem có nước đóng băng trên Mặt trăng hay không.
Băng nước trong khu vực có thể cung cấp nhiên liệu, oxy và nước uống cho các sứ mệnh trong tương lai. Tuy nhiên, địa hình gồ ghề tại khu vực này là một thử thách thực sự cho sứ mệnh của Ấn Độ.
Theo Reuters, vài giờ trước khi đổ bộ, báo chí và truyền thông Ấn Độ liên tục đưa tin và đếm ngược. Tại các địa điểm tâm linh, người dân tổ chức cầu nguyện, còn học sinh thì vừa ngồi xem buổi chiếu trực tiếp vừa vẫy quốc kỳ.
Trẻ em Ấn Độ tụ tập bên bờ sông Hằng, nơi được người theo đạo Hindu coi là thánh địa, để cầu nguyện cho việc đổ bộ diễn ra suôn sẻ.
Tại một ngôi đền của đạo Sikh, được biết đến với cái tên Gurduwara, ở thủ đô New Delhi, Bộ trưởng Dầu khí Hardeep Singh Puri đã có mặt và cầu nguyện cho Chandrayaan-3.
"Không chỉ kinh tế mà Ấn Độ cũng đang đạt được tiến bộ trong khoa học và công nghệ", ông Puri nói với báo giới.
Thủ tướng Narendra Modi theo dõi cuộc đổ bộ từ Nam Phi, nơi ông đang dự hội nghị thượng đỉnh BRICS.
Ngày 14-7, Ấn Độ phóng tàu Chandrayaan-3 từ trung tâm không gian chính tại bang Andhra Pradesh, miền Nam nước này. Tàu được phát triển với vốn đầu tư khoảng 75 triệu USD.
Đây là sứ mệnh lớn đầu tiên kể từ khi chính quyền của Thủ tướng Narendra Modi công bố các chính sách thúc đẩy đầu tư vào hoạt động chinh phục không gian do tư nhân thực hiện và những mô hình kinh doanh liên quan đến phát triển và phóng vệ tinh.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận