Hai cô gái dân tộc Kreung được đưa vào túp lều tình ái chờ kén chồng - Ảnh: GEO
Cư dân bộ tộc Kreung sinh sống trong những ngôi làng nhỏ nằm rải rác trong khu rừng già miền sơn cước ở miền đông - bắc Campuchia. Họ phát hoang rừng để trồng lúa, săn thú và đánh cá.
Người Kreung cũng có những nghi lễ hiến tế súc vật để cầu mong sức khỏe, an lành, và luôn tin vào những vị thần linh bảo vệ đang ngự trị trong rừng thẳm.
Trong cộng đồng dân tộc Kreung, cha mẹ rất quan tâm đến việc tìm hạnh phúc cho con gái nhưng không bao giờ áp đặt con trong việc chọn chồng, kể cả về mặt tinh thần lẫn tình dục.
Bởi thế, khi nhìn thấy "tròng mắt của con gái" báo hiệu tuổi dậy thì, cha mẹ sẽ dựng cho cô con gái một căn chòi nhỏ để con có thể tự mình tìm kiếm ý trung nhân trong không gian riêng tư kín đáo nhất.
Cô gái chờ kén chồng và hình ảnh sau khi nên đôi lứa - Ảnh: LE POINT
Hẳn nhiên, đôi trẻ có thể ở đó nhiều đêm liền chỉ để trò chuyện mà thôi, chàng trai chỉ được ân ái khi cô gái đồng ý. Như vậy chính cô gái mới là người cầm trịch cuộc chơi.
Trong trường hợp chàng trai "phá lệ" thì sẽ chịu hình phạt là bị trục xuất ra khỏi cộng đồng, chưa kể đến việc nhà trai phải nộp phạt bằng hiện vật là gia súc.
Cuối cùng, cô gái có thể đồng ý với chàng trai những cuộc hẹn hò tình tứ tiếp theo, hoặc là cô sẽ khước từ. Đôi khi cô gái cũng mời bạn trai về ra mắt cha mẹ trong những bữa cơm gia đình.
Bình đẳng trong cuộc sống vợ chồng
Tuy nhiên, vẫn có thể xảy ra rủi ro là cô gái mang thai với một "ứng viên" mà sau đó cô ta không đồng ý lấy làm chồng.
Nhưng không có gì trầm trọng lắm đâu, bởi chàng trai tiếp theo mà cô gái chọn để kết hôn sẽ mặc nhiên phải chấp nhận đứa con kia là của mình, xem như đó là một món quà mà thần linh ban tặng vậy.
Cũng có trường hợp cô gái chọn cách phá thai bằng cách uống thứ nước được nấu sắc ra từ thân con rết. Và hiện nay, khi cuộc sống tiến bộ hơn, các cô gái có thể sử dụng bao cao su trong những lần gặp gỡ đó.
Một chàng trai đến làm quen với cô gái ở "túp lều tình ái" và sau đó nên vợ nên chồng - Ảnh: LE POINT
Nhờ vào "chiếc lều tình ái", các gia đình trong bộ tộc Kreung không xảy ra chuyện ly dị hay bạo hành vợ chồng. Và người vợ sau khi kết hôn hoàn toàn được sống bình quyền với nam giới, phụ nữ có chồng vẫn được uống rượu và hút thuốc như đàn ông trong cộng đồng.
Ngày nay, tập tục "chiếc lều tình ái" nói trên có xu hướng biến mất dưới áp lực của một "cuộc sống văn minh" đã nhem nhóm trong bộ tộc.
"Lều" ngày xưa nay đã nhường chỗ cho những căn phòng xây kiên cố. Song, một vài bậc cha mẹ trong bộ tộc vẫn còn muốn giữ tập tục này để tạo điều kiện cho con gái có được nhiều cơ hội chọn đúng ý trung nhân cho hạnh phúc tương lai.
Một cô gái dân tộc Kreung tự tin trước túp lều tình ái được cha mẹ dựng cho - Ảnh: GEO
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận