06/11/2011 00:11 GMT+7

Tập... ngửi khí gas

THANH TUYỀN
THANH TUYỀN

TT - Mấy hôm nay, chị em phụ nữ khi vào bếp làm bữa luôn nhìn cái bếp gas với thái độ dè chừng. Có bà mạnh dạn nhắc chồng: “Sáng chủ nhật, ông bớt cà phê với bạn bè, ở nhà xếp đặt lại bếp, kiểm tra ống dẫn, bình gas cho an toàn nhé”. Có ông chồng thì mời cả gia đình cùng vào bếp, tập ngửi và phát hiện khí gas rồi hướng dẫn cả nhà cách xử lý khi có hơi gas.

Nhà sập do nổ bình gas, hai em nhỏ tử vongGiật mình với "quả bom" gas

Thời gian qua xảy ra cháy nổ nhiều với bình gas mini nên ít người quan tâm, bởi lỗi một phần do người dùng chủ quan xài lại bình gas chỉ dùng một lần. Nay thì vụ nổ khí gas ở ngay trong nhà, khí xì ra, tích tụ, gặp tia lửa phát nổ sập cả nhà tầng, khiến mọi người giật mình liên tưởng đến mình. Không ai muốn là nạn nhân của gas, nhưng để sử dụng gas an toàn thì mọi người lại lúng túng, trước nay chỉ biết bật tắt chứ mấy khi biết cách phát hiện và xử lý sự cố.

Khi bàn về chuyện nổ khí gas, nhiều người đặt vấn đề: gas là mặt hàng thiết yếu như điện, nước. Sử dụng gas đòi hỏi an toàn chẳng kém điện. Ông điện lực có hợp đồng, thỏa thuận về an toàn điện với người tiêu dùng. Vậy mà với gas thì chẳng có gì ràng buộc, cả nhà cung cấp gas lẫn bên bán bếp. Người tiêu dùng chỉ biết số điện thoại của cửa hàng gas. Cửa hàng phục vụ kém, đành tìm nơi khác, nói chi là được tư vấn sử dụng gas an toàn. Nhà sản xuất, phân phối ít quan tâm khách hàng, vì thế gần đây xuất hiện người đi sửa bếp gas dạo. Họ rong ruổi các khu dân cư, thay van, dây dẫn, linh kiện bếp mà người tiêu dùng không hề biết tay nghề của họ, phụ kiện thay thế có đạt chất lượng hay không...

Có người nói rằng mấy ông bán gas tự tin lắm, họ cho rằng bình gas khó hỏng, xì gas là ở ống dẫn, van hoặc do người tiêu dùng quên khóa van bếp. Vì vậy, sự cố xảy ra ít khi liên lụy tới họ.

Người am hiểu về kinh doanh thì nói rằng các nhà phân phối gas đang vật lộn với gas giả, nạn sang chiết gas lậu nên họ chỉ chăm bẳm vào việc này mà xao nhãng hướng dẫn sử dụng gas an toàn. Với những nhân viên giao gas, việc chủ yếu của họ là cân bình gas (để chứng minh với người tiêu dùng là không bị thiếu gas), bóc màng co chống giả (chứng minh đó là gas chính hãng), dán thêm số điện thoại (để người tiêu dùng còn gọi mua gas lần sau) và... thu tiền. Hiếm khi họ dành ra vài phút lưu ý người tiêu dùng cẩn thận khi nấu nướng.

Rồi đây cơ quan chức năng cũng phải làm cái gì đó để nhà sản xuất bếp, cung cấp gas phải liên tục cảnh báo và tư vấn người tiêu dùng sử dụng gas an toàn. Có thể công bố nguyên nhân gây ra các vụ nổ, do dây, do van... để công ty liên quan phải chấn chỉnh, cảnh báo với người tiêu dùng. Còn trước mắt, người tiêu dùng phải trang bị cho mình kỹ năng sử dụng gas an toàn, chịu khó tập ngửi để phát hiện hơi gas bị xì và cách xử lý. Cũng chẳng đòi hỏi gì cho nhiều, mấy công ty gas soạn cẩm nang về an toàn gas dưới dạng hình vẽ dễ hiểu, sinh động, dán ngay trên vỏ bình gas kèm theo số điện thoại gọi để mua gas. Hằng ngày nhìn nó mãi, ai cũng nhớ, chắc hẳn số điện thoại ghi trên đó của công ty gas cũng in vào trí nhớ của người tiêu dùng. Được thế thì cả người dùng lẫn công ty gas đều được lợi.

THANH TUYỀN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên