Bệnh nhân theo dõi bảng giá mới niêm yết tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội) sáng 1-3 - Ảnh: N.Khánh |
Ghi nhận trong ngày đầu tăng viện phí tại Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Q.Bình Thạnh (TP.HCM)..., tình hình bệnh nhân đến khám chữa bệnh ổn định và ít trường hợp thắc mắc giá viện phí tăng.
Diễn ra suôn sẻ
Tại Bệnh viện Chợ Rẫy trung bình mỗi ngày tiếp nhận hơn 4.000 bệnh nhân đến khám, nhưng theo bác sĩ Nguyễn Hữu Bảo Hoài - phó khoa khám bệnh Bệnh viện Chợ Rẫy, trong sáng 1-3 chỉ có hai bệnh nhân tái khám thắc mắc giá xét nghiệm lại cao hơn lần trước.
Trong đó, một bệnh nhân tăng 70.000 đồng và một bệnh nhân tăng 150.000 đồng so với lần khám trước đó. Sau khi được nhân viên giải thích là bắt đầu áp dụng giá viện phí mới thì những bệnh nhân này đều vui vẻ và không thắc mắc gì thêm.
Theo bác sĩ Bảo Hoài, trước khi thực hiện tăng viện phí, Bệnh viện Chợ Rẫy đã chuẩn bị chu đáo, thành lập một ban gồm lãnh đạo bệnh viện, trưởng phòng kế hoạch tổng hợp, tất cả trưởng khoa trong bệnh viện để hỗ trợ khi cần thiết.
Về phía khoa khám bệnh, trước khi thực hiện thông tư này, trong giao ban mỗi ngày bác sĩ trưởng khoa đã thông báo, hướng dẫn tất cả nhân viên về thông tư.
Bác sĩ Phạm Bảo Lâm, giám đốc Bệnh viện Q.Bình Thạnh, cho biết trước khi áp dụng tăng viện phí, bệnh viện đã chuẩn bị từ nhiều ngày trước đó, cài đặt lại phần mềm nên sáng 1-3 mọi việc diễn ra suôn sẻ. Có nhân viên bảo hiểm y tế (BHYT) giám định tại chỗ nên bệnh nhân có gì thắc mắc đều được giải đáp ngay tại chỗ.
Theo ông Lâm, việc tăng viện phí sẽ giúp những bệnh viện tự chủ tài chính toàn phần như Bệnh viện Q.Bình Thạnh hoạt động tốt hơn.
Bệnh viện được trích từ nguồn thu để trả lương cho cán bộ viên chức, có nguồn để bệnh viện trả phụ cấp như phẫu thuật, thủ thuật, thu nhập của các y bác sĩ sẽ tăng, bệnh viện được trích viện phí để đầu tư lại cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bệnh viện...
Điều hay nhất trong việc tăng viện phí lần này là bác sĩ thấy được chính người bệnh đã trả lương cho bác sĩ.
Đòi hỏi thay đổi chất lượng
Tại Bệnh viện Từ Dũ, băngrôn thu viện phí mới đã được treo lên cách đây một tuần. Tuy nhiên ngày 1-3, khi được chúng tôi hỏi, nhiều bệnh nhân tại bệnh viện vẫn chưa biết chuyện viện phí thay đổi.
Chị L.T.M.K. (Q.4) đang làm thủ tục nhập viện sinh tại khoa sản A Bệnh viện Từ Dũ cho biết chị không biết chuyện tăng viện phí ra sao nhưng khi nhập viện, trong phòng bệnh có sản phụ còn phải nằm ghế bố. Giờ bệnh viện thu bao nhiêu chị cũng đóng nhưng sẽ đòi hỏi chất lượng phục vụ tốt hơn.
“Lúc trước viện phí thấp bệnh nhân cực tí còn chịu được. Giờ viện phí cao hơn, chúng tôi cũng được đòi hỏi chất lượng tốt hơn chứ” - chị K. chia sẻ.
Tại Hà Nội, đứng trước bảng viện phí vừa được thay mới ở Bệnh viện Bạch Mai, bà Nguyễn Thị Mừng ở Kiến Xương, Thái Bình tỏ ra rất vui mừng khi dịch vụ chụp cộng hưởng từ mà con bà sắp dùng tăng không nhiều so với cách đây ba năm gia đình đưa con đi chụp lần đầu.
Tuy nhiên cũng theo bảng giá mới này, có rất nhiều dịch vụ tăng gấp đôi hoặc gấp ba so với mức cũ, trước mắt áp dụng với nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và là hi vọng giúp cải thiện chất lượng dịch vụ y tế vốn còn bị người dân phàn nàn nhiều, như quá tải, thời gian chờ đợi lâu, vệ sinh bệnh viện kém, thời gian khám và tư vấn ít ỏi...
Theo ông Nguyễn Ngọc Hiền - phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, kể từ ngày 1-3, các dịch vụ xét nghiệm, chụp chiếu có cơ cấu ít phụ cấp và lương nên không tăng nhiều, nhưng giá khám bệnh, tiền ngày giường, tiền phẫu thuật có tăng, như tiền khám thông thường trước đây là 20.000 đồng/lượt, nay tăng lên 39.000 đồng/lượt, tiền ngày giường thông thường trước là 80.000 đồng/ngày giường, nay tăng lên 215.000 đồng/ngày giường, tiền giường hồi sức cấp cứu trước là 150.000 đồng/ngày giường, nay tăng lên 362.000 đồng/ngày giường, viện phí cho mỗi ca phẫu thuật sẽ tăng thêm từ 300.000 -1,5 triệu đồng...
Và ngay tại Bệnh viện Bạch Mai, vẫn còn một tỉ lệ giường phải nằm ghép ba bệnh nhân.
Tại Bệnh viện Phụ sản T.Ư, nhiều người bệnh khám dịch vụ, không theo diện BHYT tỏ ra thờ ơ trước thông tin thay đổi viện phí vì theo họ thì quyền lợi không bị ảnh hưởng...
Trong khi đó, những người có BHYT cho biết không ghi nhận được bất cứ sự thay đổi nào về chất lượng phục vụ so với thời điểm trước đó. Tại nhiều khoa như sản 1, ngoại phụ vẫn diễn ra tình trạng nằm ghép 2 - 3 người/giường...
Cơ hội thay đổi?
Đây là vấn đề mà phó giám đốc Bệnh viện Việt Đức Nguyễn Thị Bích Hường nhấn mạnh khi trao đổi với báo giới ngày 1-3, sau khi bệnh viện này áp dụng viện phí mới.
Theo bà Hường, đối với bệnh nhân BHYT thì nhiều chi phí trước đây không có trong cơ cấu giá, bệnh nhân phải mua thì mức viện phí mới đã tính các chi phí này, giảm tối đa vật tư và dịch vụ phải trả thêm.
“Cách tính viện phí mới cũng đồng nghĩa với ngân sách cho bệnh viện được cấp theo kiểu mới. Trước đây ngân sách cấp cho bệnh viện theo số lượng giường bệnh, không có bệnh nhân vẫn được cấp ngần ấy tiền.
Giờ ngân sách được chi trả qua dịch vụ y tế, không có bệnh nhân tức là không có tiền trả lương. Rất nhiều bệnh viện phải thay đổi về quan điểm và chiến lược, chỉ có chất lượng mới có bệnh nhân” - bà Hường nói.
Khảo sát một loạt bệnh viện tuyến tỉnh thời gian qua cũng cho thấy đang có một sự cạnh tranh ngầm giữa các bệnh viện, mặc dù bệnh viện tỉnh chưa dám “đọ” với T.Ư về nhân lực y tế và kỹ thuật, nhưng phong cách phục vụ rõ ràng đã thay đổi.
Bệnh viện Sản nhi Quảng Ninh còn có cả phòng chờ có sách báo và nước uống miễn phí cho bệnh nhân chờ lấy xét nghiệm, có khu vui chơi cho trẻ em đến chơi trong thời gian chờ khám bệnh.
Hay Bệnh viện Sản nhi Bắc Giang cũng đã thực hiện được mổ tim hở, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ đang phấn đấu thành bệnh viện hạng đặc biệt (tương tự Bệnh viện Bạch Mai, Việt Đức, T.Ư Huế, 108 và Chợ Rẫy hiện nay).
Từ ngày 1-3, viện phí giữa các bệnh viện từ T.Ư đến huyện chênh lệch không nhiều, nếu tỉnh, huyện làm không tốt thì bệnh nhân chạy hết lên T.Ư, vì thế họ sẽ phải năng động và nỗ lực lên nhiều.
Ông Nguyễn Minh Quang, phó giám đốc Bệnh viện Da liễu Hà Nội, cho rằng cách tính viện phí mới là bệnh nhân trả lương cho thầy thuốc, không làm tốt thì bệnh nhân không đến nữa, các bệnh viện bắt buộc phải đổi mới.
Lãnh đạo bệnh viện xuống các điểm thu viện phí để tư vấn Tại Bệnh viện Trung ương Huế, GS.TS Bùi Đức Phú, giám đốc bệnh viện, nói do chạy song song cả hai phần mềm cũ (đối với bệnh nhân không có BHYT) và phần mềm mới (đối với bệnh nhân có BHYT) nên trong buổi sáng 1-3 đã có một số trục trặc về công nghệ thông tin, khiến công tác thanh toán viện phí gặp trở ngại. Tuy nhiên sự cố này đã được khắc phục kịp thời, sau đó công tác thanh toán đã diễn ra thuận lợi. Theo GS Phú, để thực hiện việc thu viện phí tăng 30% thuận lợi, tất cả cán bộ, nhân viên bộ phận thu viện phí của bệnh viện đã được tập huấn rất bài bản. Bệnh viện đã thành lập tổ công tác gồm thành viên ban giám đốc và các trưởng phó phòng chức năng trực tiếp túc trực tại các điểm thu viện phí để kịp thời tư vấn, giải quyết những thắc mắc, khiếu nại của bệnh nhân. Tại Bệnh viện Đà Nẵng, vào ngày đầu tiên áp dụng mức thu viện phí mới không có gì biến động. Theo ông Trần Ngọc Thạnh - giám đốc Bệnh viện Đà Nẵng, mọi việc diễn ra bình thường. “Dù giá cũ, giá mới gì đi chăng nữa thì chúng tôi cũng phải điều trị, chăm sóc, phục vụ kịp thời cho bệnh nhân một cách tối đa” - ông Thạnh nói. |
Kiểm tra việc công khai tăng phí Theo Sở Y tế TP.HCM, từ ngày 1-3, tất cả bệnh viện ở TP.HCM đều tăng viện phí, trong đó các bệnh viện tự chủ tài chính và các bệnh viện tư nhân sẽ tăng nhiều do viện phí được tính cả tiền trợ cấp trực phẫu thuật và tiền lương, các bệnh viện còn nhận ngân sách nhà nước tăng ít hơn do viện phí mới tính tiền phụ cấp trực phẫu thuật. Sáng 1-3, Sở Y tế đã giám sát 32 cơ sở y tế trực thuộc sở về việc công khai bảng giá dịch vụ, thông tin cho người bệnh về thời gian thực hiện, không thu thêm của người bệnh chi phí đã tính trong giá. Theo ghi nhận, tất cả cơ sở y tế đều tổ chức thông tin và công khai bảng giá. Một số cơ sở y tế đã công khai giá bằng bảng điện tử, mica như: Bệnh viện Truyền máu huyết học, Bệnh viện Trưng Vương, Bệnh viện Q.1, Bệnh viện Nhân dân Gia Định, Bệnh viện Gò Vấp, Bệnh viện Q.Thủ Đức. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận