19/08/2021 07:58 GMT+7

Tăng tốc hỗ trợ người tị nạn Afghanistan

HỒNG VÂN - DUY LINH
HỒNG VÂN - DUY LINH

TTO - Sau khi Taliban chiếm quyền kiểm soát Afghanistan, gần 40 quốc gia tham gia Lực lượng Hỗ trợ an ninh quốc tế do Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) dẫn đầu ở Afghanistan đang khẩn trương tái định cư người tị nạn.

Tăng tốc hỗ trợ người tị nạn Afghanistan - Ảnh 1.

Công dân Anh và người mang hai quốc tịch Anh, Afghanistan lên máy bay quân sự để sơ tán tại sân bay Kabul vào ngày 16-8 - Ảnh: REUTERS

Các quốc gia nên mở cửa biên giới của mình. Mỗi quốc gia hiện nay đều có vai trò và trách nhiệm. Đề nghị của tôi với tất cả các nước, đặc biệt Mỹ, Anh và các nước phương Tây, là họ hãy bảo vệ tất cả các nhà hoạt động nhân quyền và phụ nữ Afghanistan ngay lập tức.

Cô Malala Yousafzai (người từng bị Taliban bắn vào đầu và sau đó đoạt giải Nobel hòa bình) kêu gọi trong cuộc phỏng vấn với Đài BBC ngày 17-8.

Hãng tin AFP dẫn lời một người phát ngôn của Liên minh châu Âu (EU) cho biết: "Vấn đề vô cùng cấp bách. Chúng tôi làm việc khẩn trương để thực hiện các giải pháp nhanh chóng và đảm bảo an toàn cho các nhân viên người Afghanistan".

Anh tiếp nhận 20.000 người tị nạn

Reggie, một người Afghanistan làm phiên dịch 9 năm cho quân đội Mỹ, chia sẻ với Đài Phát thanh quốc gia NPR (Mỹ) rằng anh đang cố gắng xin thị thực sang Mỹ từ chục năm nay.

Hiện Reggie vẫn đang mắc kẹt ở Kabul. Reggie kể, từ trong nhà, anh quan sát thấy các tay súng Taliban đi quanh khu dân cư của anh và trấn an người dân: "Đừng lo, chúng tôi ở đây để bảo vệ mọi người. Chúng tôi sẽ không hại ai". Tuy vậy, Reggie cho biết anh "không cảm thấy an toàn, không một phút giây nào ngừng lo lắng".

Từ ngày 18-8, quân đội Mỹ bắt đầu tăng tốc, mỗi giờ đưa 1 chuyến bay rời Kabul. Tướng Hank Taylor, chỉ huy trưởng hoạt động của Bộ Tham mưu liên quân Mỹ, cho biết: "Với tốc độ này, Mỹ sẽ sơ tán được 5.000 - 9.000 người mỗi ngày. 

Trước mắt, các chuyến bay sẽ đưa người tị nạn Afghanistan đến Qatar và Kuwait". Tính đến ngày 17-8, hai ngày sau khi Taliban kiểm soát thủ đô Kabul, Nhà Trắng cho biết quân đội Mỹ đã sơ tán được 3.200 người khỏi Afghanistan.

Các nước khác như Đức, Anh, Úc, Pháp, Canada, Hà Lan, Nhật Bản… cũng đã bắt đầu sơ tán công dân và người Afghanistan đủ điều kiện ra nước ngoài theo diện tị nạn. Ngày 17-8, Chính phủ Anh công bố kế hoạch tiếp nhận và hỗ trợ tái định cư cho người Afghanistan rời bỏ đất nước sau khi Taliban trở lại nắm quyền. 

Đối tượng được ưu tiên trong kế hoạch di cư này là phụ nữ, trẻ em gái cũng như các nhóm tôn giáo và tộc người thiểu số. Theo kế hoạch, năm đầu tiên Anh sẽ hỗ trợ tái định cư cho 5.000 người và nâng con số này lên đến 20.000 người trong dài hạn.

Rất nhiều nước thành viên NATO đã công bố kế hoạch cấp tị nạn cho những người Afghanistan từng cộng tác với họ. Úc sẽ sơ tán tối đa 600 người. Canada khẳng định sẽ hỗ trợ sơ tán tối đa số người Afganistan có liên hệ gần gũi với nước này.

Trong khi đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden chỉ đạo cấp 500 triệu USD từ quỹ khẩn cấp để đáp ứng nhu cầu tị nạn khẩn cấp của người Afghanistan. Ông Biden cam kết lực lượng Mỹ sẽ ở lại Kabul cho đến khi sơ tán công dân Mỹ và người Afghanistan đủ điều kiện cuối cùng khỏi đất nước này.

Đẩy nhanh chuyển giao quyền lực

Lực lượng Taliban đang tăng cường các cuộc tiếp xúc với các quan chức thuộc chính quyền Afghanistan trước đây, trong bối cảnh cuộc chuyển giao quyền lực tại quốc gia này chưa biết kết thúc vào lúc nào.

Hãng tin Reuters dẫn lời một quan chức Taliban cho biết lực lượng này sẽ gặp các cựu quan chức, những người có sức ảnh hưởng tại Afghanistan trong vòng 48 tiếng kể từ ngày 18-8. Cũng theo vị này, vẫn còn quá sớm để khẳng định chính quyền mới do Taliban dẫn dắt có bao gồm các quan chức của chính quyền trước đây hay không.

Cựu tổng thống Afghanistan Hamid Karzai dường như là người đầu tiên được Taliban tiếp xúc. Theo một quan chức Taliban đề nghị không nêu tên, ông Karzai đã gặp ông Anas Haqqani - thủ lĩnh mạng lưới Haqqani của Taliban. Tham gia cuộc gặp ngày 18-8 còn có ông Abdullah Abdullah, một quan chức của chính quyền Afghanistan từng tham gia các cuộc hòa đàm với Taliban.

Cộng đồng quốc tế vẫn đang thể hiện sự thận trọng trước các tuyên bố mang tính ôn hòa của Taliban. Trong tuyên bố ngày 18-8, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng thế giới sẽ đánh giá Taliban thông qua các hành động của lực lượng này chứ không phải những gì Taliban nói. 

Trong khi đó, Pakistan, nước được cho là một trong những nhà tài trợ lớn nhất của Taliban, đang tỏ ra thận trọng khi cam kết sẽ không đơn phương công nhận Taliban cho đến khi hoàn tất việc tham vấn quốc tế.

Sẽ có nội chiến?

Ngày 17-8, ông Amrullah Saleh, phó tổng thống thứ nhất của Afghanistan, tuyên bố ông đang ở Afghanistan và là "tổng thống lâm thời hợp pháp" của quốc gia này sau khi tổng thống Ashraf Ghani rời khỏi đất nước, theo Reuters.

Trong một loạt thông tin đăng trên Twitter vào ngày 17-8, ông Saleh kêu gọi người dân Afghanistan "tham gia kháng chiến" và khẳng định ông sẽ không bao giờ "cúi đầu" trước "những tên khủng bố Taliban".

Malala Yousafzai, người từng bị Taliban bắn vào đầu, lo cho phụ nữ Afghanistan Malala Yousafzai, người từng bị Taliban bắn vào đầu, lo cho phụ nữ Afghanistan

TTO - Trong các bài viết và phỏng vấn với truyền thông phương Tây, Malala Yousafzai kêu gọi các nước phương Tây bảo vệ và đón nhận những người Afghanistan muốn trốn chạy, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em gái.

HỒNG VÂN - DUY LINH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên