06/02/2023 14:19 GMT+7

Tăng 'đô' thuốc diệt muỗi lên 10 lần vẫn không giết được muỗi vằn ở Hà Nội, TP.HCM

Theo nghiên cứu, khoảng 78% đến 99% muỗi ở Hà Nội, TP.HCM và Phnom Penh sở hữu gene đột biến L982W giúp muỗi vằn kháng thuốc diệt muỗi.

Tăng đô thuốc diệt muỗi lên 10 lần vẫn không giết được muỗi vằn ở Hà Nội, TP.HCM - Ảnh 1.

Nhân viên phòng thí nghiệm kiểm tra mẫu muỗi tại Viện Pasteur ở thành phố Nha Trang, Việt Nam - Ảnh tư liệu: AFP

Các nhà khoa học Nhật Bản mới đây cảnh báo muỗi vằn ở một số nước Đông Nam Á có khả năng kháng hóa chất diệt côn trùng.

Cảnh báo được đưa ra sau khi một nhóm nghiên cứu do ông Shinji Kasai, trưởng khoa côn trùng y học của Viện Các bệnh truyền nhiễm quốc gia (NIID), phát hiện một đột biến gene mới có thể giúp muỗi Aedes aegypti (còn gọi là muỗi vằn) nâng cao khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường.

Theo đó, nhóm nghiên cứu đã thu thập muỗi Aedes aegypti ở Việt Nam, Campuchia và một số quốc gia khác để kiểm tra khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường của chúng. 

Kết quả nghiên cứu cho thấy ngay cả khi nồng độ của các hóa chất diệt côn trùng được nâng lên gấp 10 lần nồng độ có thể tiêu diệt các loại muỗi thông thường, khoảng 80% số muỗi thu thập tại Hà Nội vẫn sống sót. 

Nhóm nghiên cứu đã xác định được một đột biến gene mới có tên gọi L982W giúp muỗi Aedes aegypti có khả năng kháng thuốc trừ sâu thông thường cao hơn.

Theo nhóm nghiên cứu, có khoảng 78% đến 99% muỗi ở 3 thành phố - gồm thủ đô Hà Nội, TP.HCM của Việt Nam và thủ đô Phnom Penh của Campuchia - sở hữu đột biến gene L982W.

Như vậy, nếu tính cả L982W, cho đến nay, các nhà khoa học đã tìm thấy 4 đột biến gene giúp muỗi Aedes aegypti có khả năng kháng thuốc trừ sâu, theo tờ Nikkei Asia.

Đáng chú ý, tỉ lệ muỗi sở hữu 2 trong số 4 đột biến gene này ở Phnom Penh lên tới 91%. Điều này cho thấy sức đề kháng của muỗi Aedes aegypti ở thành phố này đang gia tăng như thế nào.

Theo nhóm nghiên cứu, mặc dù không tìm thấy muỗi mang đột biến gene L982W ở Lào, Thái Lan và Trung Quốc, nhưng có thể loài muỗi này đang dần dần lan rộng ra khắp khu vực Đông Dương và các khu vực khác ở châu Á. 

Ngay cả Nhật Bản cũng phải đối mặt với nguy cơ muỗi kháng hóa chất có thể xâm nhập do số lượng các khu vực nơi muỗi Aedes aegypti có thể sống sót qua mùa đông đang mở rộng dần ở nước này do khí hậu ấm lên.

Ngoài bệnh sốt xuất huyết, Aedes aegypti còn là loại muỗi truyền bệnh sốt vàng, bệnh chikungunya và vi rút Zika. Vì vậy, sự gia tăng của muỗi Aedes aegypti có khả năng kháng hóa chất diệt côn trùng cho thấy sự cần thiết phải xem xét lại các phương pháp kiểm soát muỗi và tăng cường cảnh báo về vấn đề này.
Thả hàng triệu muỗi vằn Wolbachia để phòng ngừa sốt xuất huyết tại miền TâyThả hàng triệu muỗi vằn Wolbachia để phòng ngừa sốt xuất huyết tại miền Tây

TTO - Ngày 25-3, tại tỉnh Tiền Giang, Viện Pasteur TP.HCM, Chương trình muỗi thế giới phối hợp ngành y tế tỉnh Tiền Giang tổ chức thả hàng triệu muỗi mang Wolbachia để phòng, chống bệnh sốt xuất huyết khu vực TP Mỹ Tho, Tiền Giang.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên