Sinh viên khoa cơ khí động lực Trường CĐ Kỹ thuật Cao Thắng (TP.HCM) trong giờ thực hành - Ảnh: NHƯ HÙNG
Đây là ý kiến của ông Trương Anh Dũng - phó tổng cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ LĐ-TB&XH - về đề xuất mới của Bộ LĐ-TB&XH đến Bộ GD-ĐT để sử dụng chung dữ liệu tuyển sinh, thống nhất việc đào tạo các môn văn hóa cho người học các hệ trung cấp, CĐ.
Ông Dũng cho biết năm 2017, các trường CĐ, trung cấp được chuyển giao về Bộ LĐ-TB&XH quản lý đã gặp không ít lúng túng.
Từ cuối năm 2017, đầu 2018, tình hình tuyển sinh các trường chuyển từ Bộ GD-ĐT sang đã chuyển biến tốt hơn. Tuy nhiên, nhìn chung các trường CĐ, trung cấp cũng còn nhiều khó khăn. Trong đó việc hệ thống giáo dục quốc dân thống nhất nhưng vẫn có độ vênh để gắn kết Bộ
LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT trong việc thực hiện mục tiêu phân luồng và hướng nghiệp học sinh. Điều này bắt buộc phải có sự điều chỉnh.
* Vậy giải pháp giải quyết độ "vênh" này là gì, thưa ông?
- Về lâu dài phải triển khai các giải pháp trong nghị quyết 29 của Ban Chấp hành trung ương và quyết định 522 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung đổi mới chương trình và phương pháp hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
Hiện nay, học sinh học nghề chủ yếu để cộng điểm. Việc hướng nghiệp, dạy nghề do các trung tâm hướng nghiệp dạy nghề thực hiện trong khi các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (GDNN) có thế mạnh về cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm thực hành, đội ngũ giáo viên chưa tham gia. Muốn thu hút các cơ sở GDNN vào quá trình này thì phải có sự thay đổi.
Bên cạnh đó, chúng tôi cũng đề nghị các trường CĐ được tham gia công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Kỳ thi THPT quốc gia là trách nhiệm của toàn xã hội nhưng thực tế mới chỉ có các trường ĐH tham gia quá trình này, các trường CĐ khối GDNN không có bất kỳ vai trò nào trong kỳ thi này trong khi thực tế họ đủ năng lực để chia sẻ.
Việc tham gia quá trình tổ chức kỳ thi cũng là giải pháp để các trường CĐ tiếp cận với các trường phổ thông, qua đó mở rộng kênh hướng nghiệp cũng như định hướng nghề nghiệp cho học sinh, chủ trương phân luồng học sinh cũng sẽ được thực hiện tốt hơn, cơ cấu nhân lực quốc gia cũng sẽ phù hợp hơn.
Mục tiêu đến năm 2020 có 30% học sinh tốt nghiệp THCS vào học trung và sơ cấp, 40% học CĐ, nhưng hiện nay con số này chỉ là 10%. Với cách làm riêng lẻ như hiện nay chúng ta sẽ khó đạt được mục tiêu.
* GDNN được đầu tư nhiều nhưng người học chưa đạt số lượng kỳ vọng, phải chăng đó là sự lãng phí?
- Nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống GDNN là một trong những trọng tâm chỉ đạo của Bộ LĐ-TB&XH. Đó là lý do để bộ tiếp tục hoàn thiện mạng lưới, sắp xếp lại hệ thống, giải thể, sáp nhập những cơ sở yếu.
Theo phân luồng thì quy mô đào tạo GDNN phải tăng gấp đôi so với hiện nay. Tuy nhiên chúng ta chưa đạt được về số lượng như mong muốn trong khi các điều kiện cơ sở vật chất, phòng ốc thí nghiệm thực hành, đội ngũ đã được đầu tư.
Thực tế đầu tư cho GDNN rất lớn nhưng một số nơi người học thiếu, dĩ nhiên đó là sự lãng phí nguồn lực đầu tư. Ngoài các nguyên nhân từ sự gắn kết chỉ đạo thì các cơ sở GDNN cũng phải nhìn lại mình, nâng cao chất lượng đào tạo, hình ảnh và uy tín của mình trong xã hội.
* Tuyển sinh cũng là khâu rất quan trọng của GDNN cũng như thực hiện mục tiêu phân luồng học sinh. Việc tuyển sinh GDNN 2019 có gì mới, thưa ông?
- Năm 2019 sẽ đẩy mạnh trọng tâm đổi mới và nâng cao chất lượng GDNN. Trong đó, Bộ
LĐ-TB&XH đã hoàn tất xây dựng chuẩn đầu ra cho 129 ngành nghề, triển khai cho các trường thực hiện. Trong xu thế 4.0, bộ đang rà soát các ngành nghề mới phát sinh để đưa vào đào tạo.
Đối tượng đào tạo trước đây chỉ là học sinh, người lao động có nhu cầu, năm nay sẽ mở rộng thêm đối tượng đào tạo mới là người lao động đang làm việc trong các doanh nghiệp và người đang thất nghiệp.
Một loạt thủ tục hành chính của GDNN được rà soát và hủy bỏ, tạo điều kiện cho các trường hoạt động tốt hơn.
Ông Trương Anh Dũng
* Việc Bộ LĐ-TB&XH chủ động gửi văn bản đến Bộ GD-ĐT đề nghị phối hợp sử dụng dữ liệu chung để tuyển sinh ĐH, CĐ cũng là giải pháp tháo gỡ độ "vênh" để thực hiện mục tiêu chung?
- Đúng như vậy. Thí sinh có thể đăng ký dự tuyển trình độ ĐH, CĐ và trung cấp trên một mẫu phiếu thống nhất và chia sẻ dữ liệu thi THPT quốc gia để phục vụ tuyển sinh CĐ, trung cấp.
Hiện nay, phiếu đăng ký dự thi THPT quốc gia và xét tuyển ĐH, CĐ chỉ có các trường CĐ sư phạm, hoàn toàn không có các trường khối GDNN, trong khi hệ thống trường CĐ khối GDNN hằng năm tuyển hơn 500.000 chỉ tiêu.
Nghị quyết 29 nêu rõ: Đổi mới phương thức thi và công nhận tốt nghiệp THPT theo hướng giảm áp lực và tốn kém cho xã hội mà vẫn bảo đảm độ tin cậy, trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, làm cơ sở cho việc tuyển sinh GDNN và giáo dục ĐH.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy kỳ thi này phục vụ cho tuyển sinh ĐH rất rõ ràng (ĐH tham gia tổ chức, đánh giá, lấy kết quả xét tuyển, đăng ký xét tuyển chung với đăng ký dự thi THPT quốc gia), trong khi GDNN hầu như không thấy gì.
* Về đào tạo văn hóa THPT cho đối tượng học sinh phân luồng, dường như Bộ LĐ-TB&XH và Bộ GD-ĐT cũng chưa có được tiếng nói chung?
- Theo Luật GDNN, học sinh hoàn thành THCS học trung cấp bắt buộc phải học khối lượng kiến thức văn hóa THPT để có thể học lên trình độ cao hơn. Khối lượng kiến thức văn hóa này thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ GD-ĐT. Tuy nhiên chương trình khung hiện nay khá nặng với 7 môn học. Hiện Bộ LĐ-TB&XH đề nghị Bộ GD-ĐT phối hợp để xây dụng lại khung chương trình nhằm giảm tải, phù hợp khung chương trình phổ thông mới.
Việc cho phép các trường trung cấp, CĐ được đào tạo văn hóa cho học sinh hiện nay chủ yếu dựa trên quan hệ giữa cơ sở GDNN với cơ quan quản lý tại địa phương, có nơi cho, có nơi không. Đây là vướng mắc rất lớn cần được tháo gỡ.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận