11/10/2023 19:22 GMT+7

Tan hoang sau vụ vỡ tường đập thủy điện ở Gia Lai

Vụ vỡ đập thủy điện đang xây dựng tại huyện Chư Prông (Gia Lai) gây thiệt hại lớn, hiện vẫn đang thống kê.

Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện tại Gia Lai - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Hiện trường vụ vỡ đập thủy điện tại Gia Lai - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Chiều 11-10, ông Nguyễn Hữu Quế - phó chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai - cho biết đang cùng đoàn công tác vào kiểm tra hiện trường vụ vỡ tường đập tại thủy điện Ia Glae 2.

Lũ quét qua thủy điện

Vụ vỡ tường đập thủy điện trên xảy ra sau trận lũ quét tối ngày 8, rạng sáng 9-10.

Tại khu vực công trình Nhà máy thủy điện Ia Glae 2, lũ quét về đột ngột, tốc độ dòng chảy cao làm đẩy trôi một phần tường bê tông đập tràn tự do của thủy điện đang xây dựng.

Hiện trường vụ việc là đoạn tường đập bằng bê tông cốt thép có chiều cao khoảng 3m, dài trên 50m, bị sụp đổ hoàn toàn. Nhiều mảng đập lớn bị nước lũ cuốn vẫn còn ngổn ngang dưới thân đập. Với áp lực nước lớn, hàng loạt diện tích vườn tược của người dân đã bị cuốn phăng.

Ngổn ngang sau vụ vỡ đập thủy điện - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Ngổn ngang sau vụ vỡ đập thủy điện - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Trao đổi với Tuổi trẻ Online, ông Phạm Văn Binh - giám đốc Sở Công Thương tỉnh Gia Lai - cho biết đơn vị và các ngành chức năng cùng địa phương đang làm rõ nguyên nhân cụ thể của vụ việc.

"Tuy nhiên, qua kiểm tra hiện trường cho thấy vụ vỡ tường đập tại đập tràn tự do của Nhà máy thủy điện Ia Glae 2 xảy ra khi công trình đang xây dựng và chưa tích nước. 

Hơn nữa, qua kiểm tra phía thượng nguồn của khu vực dòng suối, cách xa vị trí đang xây dựng thủy điện có hai đập nhỏ do người dân xây dựng trái phép cũng bị vỡ trong trận lũ quét rạng sáng 9-10", ông Binh thông tin.

Cũng theo vị này, có thể người dân xây dựng trái phép các đập phía trên thượng nguồn suối để làm hồ chứa trong thời gian trước đây nhằm lấy nước tưới cà phê vào mùa khô.

"Trong trận lũ quét vừa qua, khi lượng mưa lớn đổ về quét dòng suối cũng làm các hồ chứa này vỡ. Có thể do áp lực dòng chảy lớn và áp lực đột ngột từ hai hồ chứa phía trên bị vỡ nên là nguyên nhân của vụ vỡ đập tràn đang thi công tại dự án thủy điện", ông Binh nhận định.

Tan hoang sau khi dòng lũ quét qua - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Tan hoang sau khi dòng lũ quét qua - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Chưa thống kê hết thiệt hại

Chiều cùng ngày, một lãnh đạo của huyện Chư Prông cho biết vẫn đang thống kê thiệt hại sau trận lũ quét trên dòng suối Ia Glae đoạn qua hai xã Ia Ga và Ia Vê.

Riêng xã Ia Ga, có 19 hộ dân bị ảnh hưởng với diện tích lên đến hàng chục héc ta, trong đó hầu hết là cây trồng dài ngày, giá trị rất cao. Ngoài ra, nước lũ còn cuốn trôi rất nhiều cây trồng dọc bờ suối vùng hạ du.

Có mặt tại khu vực dưới thân đập thủy điện nơi xảy ra sự cố trên, khu vườn rộng 2,5ha của gia đình ông Đặng Văn Dậu (55 tuổi, trú tại thôn Tân Thủy, xã Ia Ga) gần như tan hoang. Cây cối đổ la liệt, hoa màu và những gốc lớn cũng bị trôi sạch.

"Những mùa lũ trước đây đất nhà tôi không bị sao. Nay xây thủy điện, giờ vỡ tường đập, nước lũ tràn về khủng khiếp, quét hết tài sản trên đất. Cây lớn từ 8-10 năm tuổi, cây thì bị cuốn bay, cây thì đổ nằm la liệt. Giờ cũng không biết phải làm thế nào nữa", ông Dậu than thở.

Ông Đặng Văn Dậu bên vườn cây tan hoang sau khi cơn lũ quét qua - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Ông Đặng Văn Dậu bên vườn cây tan hoang sau khi cơn lũ quét qua - Ảnh: HUỲNH CÔNG ĐÔNG

Còn vườn rẫy của ông Đào Văn Hà (53 tuổi, xã Ia Ga) nằm bên bờ suối cách rẫy nhà ông Dậu khoảng 2km cũng tan hoang.

Trận lũ quét đã làm khoảng vườn rộng hơn 3ha trước mặt không còn cây nào nguyên vẹn. Những bụi cây lớn xiêu vẹo và vướng đầy những cây cối phía thượng nguồn mắc vào. Toàn bộ diện tích cây dổi, hoa hòe, sầu riêng đang thu hoạch đều bị nước lũ đánh nát.

"Nước về ngập khoảng vài mét, cộng với cây cối, rác rưởi kéo đến phá hủy vườn cây. Nhìn diện tích cây cối bao năm chăm sóc giờ mất hết, quá xót xa", ông Hà chia sẻ.

Khẩn trương làm rõ nguyên nhân vỡ đập và khắc phục kịp thời

Tối 11-10, trao đổi với Tuổi trẻ Online, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai Nguyễn Hữu Quế đánh giá vụ vỡ tường đập thủy điện là sự cố nghiêm trọng, được sự luận xã hội quan tâm.

Ông Quế yêu cầu các sở, ngành của tỉnh khẩn trương điều tra làm rõ nguyên nhân và có giải pháp khắc phục kịp thời.

Theo ông Quế, để giải quyết vụ việc, trước hết Sở Công thương rà soát lại năng lực đơn vị thi công có đủ điều kiện hay không.

Quy trình thi công đảm bảo hay không, về quy trình làm có thể đúng, nhưng xem lại thời điểm làm tường ngăn trong hồ sơ thiết kế, thi công trong thời điểm nào. Phải kiểm tra tổng thể, nếu không đúng phải xử lý theo quy định của pháp luật, đảm bảo tính nghiêm minh.

Sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất ở hồ Đắk N"ting: Di tản dân khẩn cấp nếu vỡ đập!Sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất ở hồ Đắk N'ting: Di tản dân khẩn cấp nếu vỡ đập!

Ngành chức năng tỉnh Đắk Nông đang tập trung mọi nguồn lực để cứu hồ Đắk N'ting đang sạt lở nghiêm trọng, nhưng cũng đồng thời sẵn sàng cho kịch bản xấu nhất: di tản dân khẩn cấp nếu hồ Đắk N'ting vỡ đập.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên