08/10/2013 06:25 GMT+7

Tan giấc mộng Úc - Kỳ 2: Đường dây liều mạng!

H.VĂN - V.TOÀN - Đ.HÀ
H.VĂN - V.TOÀN - Đ.HÀ

TT - Không có giấy phép, chưa một lần đến Úc nhưng cả ông Nguyễn Đình Kính và Phạm Văn Tương vẫn dụ dỗ và liều mình tổ chức hai chuyến cho 85 người vượt biên đi Úc.

Kỳ 1:Tiền mất nợ mang, bán nhà trả nợ

sLKjckfG.jpgPhóng to
Chiếc tàu Kính và Tương mua 920 triệu đồng để đưa người vượt biên bị Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bắt giữ cùng 35 người - Ảnh: Hà Đồng

Chiêu bài họ đưa ra là “có người thân tại Úc bảo đảm công việc có thu nhập cao, chỉ cần vượt biên đến Úc trót lọt là yên thân kiếm tiền”. Chỉ với những lời vu vơ như thế nhưng gần trăm người đã tin để giờ đây lâm cảnh sống dở chết dở.

Hai lần tổ chức vượt biên

Bản án cho lòng tham và sự liều lĩnh

Ngày 11-6-2013, Tòa án nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đưa ra xét xử vụ án “Tổ chức đưa người khác trốn đi nước ngoài trái phép”, xử phạt Nguyễn Đình Kính 4 năm tù, Phạm Văn Tương 3 năm 6 tháng tù, Trần Văn Giới 2 năm 6 tháng tù và Nguyễn Ngọc Lợi 18 tháng tù. Đồng thời tịch thu toàn bộ tài sản là ghe chở người và tiền sung công quỹ.

Nghe phong thanh ở Sài Gòn có một số người vượt biên trái phép qua Úc bằng đường biển thành công, tháng 4-2012 Nguyễn Đình Kính (trú Nghi Vạn, Nghi Lộc Nghệ An) bàn với Nguyễn Văn Tràng (trú Q.12, TP.HCM) tổ chức cho nhiều người vượt biên qua Úc “làm ăn”. Kính và Tràng móc nối với Nguyễn Văn Xuân (thị xã Cửa Lò, Nghệ An) tìm kiếm người đi với giá 8.000 USD/người. Là người quen trong xóm, Phạm Văn Tương biết được Kính sẽ tổ chức vượt biên nên gợi ý gửi 11 người đi cùng. Kính đồng ý nhận sáu người của Tương với giá 6.000 USD/người. Tuy nhiên, Tương đã tự ý nâng giá lên 13.000 USD/người để ăn chênh lệch.

Sau khi đã móc nối được 50 người, Kính, Tràng và Xuân tìm về Bà Rịa - Vũng Tàu liên hệ với ông Trần Văn Giới mua ghe đánh cá với giá 630 triệu đồng, chuẩn bị cho các chuyến vượt biên, đồng thời thuê luôn Giới làm tài công với giá 500 triệu đồng.

Sau khi đã chuẩn bị mọi thứ, Kính và Tràng tập kết 50 người đưa ra ghe và bí mật xuất bến trong đêm 20-5-2012. Theo lời khai của tài công Giới, sau 13 ngày lênh đênh giữa đại dương thì gặp sóng to gió lớn nên tàu phải ghé vào một hòn đảo của Indonesia lánh nạn. Tại đây tàu bị bắt giữ. Sau một thời gian giam giữ, phía Indonesia hai lần trục xuất 33 trong 50 người về nước, trong số này có cả tài công Giới.

Trong khi các cơ quan chức năng đang thụ lý vụ án 33 người bị trục xuất về nước để tìm ai là kẻ tổ chức thì Kính và Tương lại liều lĩnh tổ chức chuyến vượt biên thứ hai. Lần này, Kính và Tương về quê móc nối với hàng chục người ở rải rác hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, thu của họ từ 8.000-13.000 USD/người. Lần thu tiền này, Tương sử dụng biên nhận và con dấu của Công ty TNHH Thanh Thái Bình do mình làm giám đốc để tạo sự tin tưởng cho người nộp tiền đi Úc. Sau khi đã thu tiền của nhiều người, Kính và Tương gom họ về Vũng Tàu chờ đợi. Riêng Kính và Tương nhờ người tìm về Bến Tre mua ghe với giá 920 triệu đồng và thuê Nguyễn Ngọc Lợi làm tài công với giá 500 triệu đồng, chuẩn bị cho chuyến vượt biên lần hai.

Đây là chuyến đi mà nạn nhân Dương Đức Thông (xã Cương Gián, Nghi Xuân, Hà Tĩnh) kể: đêm 16-6-2012, ghe xuất bến đi được hai ngày đến vùng biển Malaysia thì chết máy và bị trôi dạt. Tài công điện báo cho Kính và Tương thuê hai tàu ra khơi kéo ghe về lại Vũng Tàu sửa chữa để tiếp tục... vượt biên. Khoảng 19g30 ngày 24-6-2012, khi đang cho người xuống ghe chuẩn bị xuất bến thì lực lượng Công an Bà Rịa - Vũng Tàu bất ngờ xuất hiện và bắt giữ toàn bộ, cả Kính và Tương cũng không kịp tẩu thoát.

HmQF31rm.jpg
Từ ngày vụ việc vỡ lở, căn nhà bốn tầng của ông Tương im ỉm đóng. Ông không hề nghèo nhưng vẫn đang tâm lừa người khác kiếm tiền - - Ảnh: Hồ Văn

Đã giàu còn tham

Nguyễn Đình Kính và Phạm Văn Tương đều là bộ đội phục viên (trong đó Tương có hơn 22 năm trong quân ngũ, Kính bốn năm). Tương còn là trưởng thôn Thượng Lộc. Cả hai là những người có điều kiện khá giả nhất nhì trong xã. Trong đó nhà của trưởng thôn Phạm Văn Tương là ngôi nhà bốn tầng to cao nhất trong xóm. Vợ ông Tương cho biết nhà xây to là nhờ có bốn người con đang sinh sống bên Đức gửi tiền về xây cất.

“Nhà đâu có thiếu thốn gì cho cam, giờ ngồi tù mới biết là sai, là tham tiền không đúng” - vợ ông Tương than thở và cho biết thêm kể từ khi vụ việc xảy ra ngày nào cũng có người tìm đến nhà đòi tiền. Bà nói gia đình đã trả lại cho mỗi người 1.000 USD, số còn lại “chờ ông Tương mãn hạn tù về tính tiếp”.

Nhà của ông Nguyễn Đình Kính có kém chút đỉnh nhưng cũng hai tầng khang trang, khi chúng tôi đến nhà cửa đóng im ỉm, không một bóng người. Người dân cho biết thỉnh thoảng có người lạ tìm đến nhà “đòi tiền vụ lừa đảo gì đó và cãi nhau to tiếng”. Nhiều người trong xóm biết chuyện, tặc lưỡi: “Đã giàu mà còn tham”.

H.VĂN - V.TOÀN - Đ.HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên