27/12/2022 06:44 GMT+7

‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì?

THÂN HOÀNG
THÂN HOÀNG

Phiên tòa xét xử vụ bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC bước sang ngày thứ sáu với những diễn biến bất ngờ khi có ba trong tám bị cáo đang bỏ trốn thông qua luật sư lần lượt xin “hợp tác xét xử”. Hai cựu giám đốc trong số này nói "sẽ chấp hành bản án”.

‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì? - Ảnh 1.

Các luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo tại phiên tòa xét xử vụ AIC - Ảnh: GIANG LONG

Sáng 27-12, phiên tòa xét xử vụ án gian lận đấu thầu xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai và Công ty AIC tiếp tục phần tranh tụng. Các luật sư nêu quan điểm bào chữa, trong đó có luật sư của cựu giám đốc Sở Y tế và người bào chữa của những bị cáo đang bỏ trốn tranh luận với buộc tội từ cơ quan công tố.

Cựu giám đốc Công ty AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn và bảy người đang bỏ trốn đều có luật sư chỉ định hoặc có người thuê luật sư. Diễn biến hai phiên tranh tụng vừa qua liên tục có tình tiết bất ngờ khi hai cựu giám đốc và một chủ tịch công ty bị truy nã thông qua luật sư gửi gắm các tâm nguyện xin xét xử vắng mặt, hợp tác xét xử, xin hưởng khoan hồng hoặc "sẽ chấp hành bản án".

Trong số đó, hai người thông tin rõ đang cư trú tại Mỹ. Thậm chí bản tường trình viết tay từ Mỹ của ông Nguyễn Văn Thuyết (cựu giám đốc Công ty Thành An Hà Nội) gửi đến tòa và được chấp thuận, còn nêu chi tiết địa chỉ ông hiện đang cư trú.

"Muốn về Việt Nam tham dự phiên tòa nhưng bất khả kháng"

Nêu quan điểm bào chữa trong phiên tranh tụng chiều hôm qua (26-12), bốn luật sư bào chữa cho ba người bị xác định đang bỏ trốn, đều lần lượt đưa ra những luận điểm giải thích về việc thân chủ của mình vì sao không có mặt ở Việt Nam chịu xét xử. Những người này gồm ông Thuyết và Đỗ Mỹ Hạnh (chủ tịch hội đồng quản trị Công ty Cát Vân Sa), Ngô Thế Vinh (giám đốc Công ty Việt Tiên).

Riêng cựu giám đốc Công ty Thành An đã có "bản tường trình" viết tay kịp gửi đến tòa trong quá trình xét xử. Theo nội dung, bản tường trình này cũng được gửi đến Viện kiểm sát tối cao, Viện kiểm sát Hà Nội và cơ quan điều tra.

Ông Thuyết bị viện kiểm sát đề nghị mức án 3-4 năm tù với cáo buộc đã làm "quân xanh, quân đỏ" để thông thầu, giúp AIC trúng năm gói thầu, gây thiệt hại 55,5 tỉ đồng, hưởng lợi 1,9 tỉ đồng. Thời điểm khởi tố ông không có mặt ở Việt Nam nên bị truy nã và Bộ Công an phát thư kêu gọi đầu thú cùng bảy người khác.

Theo nội dung "tâm thư" gửi đến tòa và được luật sư công bố tại tòa, ông Thuyết nêu rõ địa chỉ liên hệ cụ thể nơi ông cư trú tại Mỹ.

"Thông qua báo chí Việt Nam tôi mới biết mình bị Tòa án TP Hà Nội xét xử vào ngày 21-12 vì liên quan đến việc Công ty Thành An Hà Nội tham gia thầu một số gói thầu thuộc dự án xây dựng Bệnh viện Đa khoa Đồng Nai", mở đầu bản tường trình của ông Thuyết được công bố tại tòa.

‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì? - Ảnh 2.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn cùng bảy người bị truy nã và đưa ra xét xử trong vụ án - Ảnh: Bộ CA

Về kết luận bị cáo bỏ trốn phải xử lý nghiêm, trong thư ông Thuyết phân trần "mình không bỏ trốn và luôn muốn sống, làm việc, cống hiến tại quê hương".

Lý giải việc không ở Việt Nam khi bị khởi tố, nội dung đơn của ông Thuyết được công bố tại tòa thể hiện: "Ngày 29-4-2022 Bộ Công an khởi tố vụ án trong khi trước đó gần một năm tôi được Cục Xuất nhập cảnh cho phép sang Mỹ vì điều kiện riêng. Hai con tôi ở tuổi vị thành niên đang theo học tại Mỹ nên bắt buộc phải có người giám hộ. Tôi là người duy nhất giám hộ…

Ở Mỹ nhà chức trách chưa làm việc gì với tôi, thời gian quá ngắn và bất khả kháng cho tôi thu xếp về dự phiên tòa quan trọng này".

Nộp 2 tỉ khắc phục hậu quả

Cựu giám đốc Công ty Thành An lý giải do "thời gian gấp mà điều kiện quá khó khăn không thể về Việt Nam trình bày trực tiếp tại tòa" nên gửi bản tường trình mong được tòa xem xét. Bị cáo và gia đình cũng liên hệ với luật sư Nguyễn Văn Tú để hỗ trợ tư pháp và bào chữa tại phiên tòa.

Thuật lại quá trình bị quy kết làm "quân xanh" cho AIC trong bản tường trình, ông Thuyết lý giải khoảng 10 năm trước đại diện công ty ký hồ sơ dự thầu một số gói thầu của dự án. Ông phân trần rằng "chỉ ký hồ sơ đại diện doanh nghiệp", còn quá trình triển khai do người khác thực hiện.

"Nay trước ngày xét xử, tôi tôn trọng bản kết luận điều tra, bản cáo trạng bởi đó là kết quả mà các cơ quan tư pháp làm việc theo thẩm quyền và pháp luật", ông Thuyết viết trong tường trình và cho biết đã nhờ luật sư cùng công ty tạm nộp 2 tỉ cho cơ quan thi hành án.

"Khoản tiền này sẽ thực thi theo phán quyết cuối cùng có hiệu lực của tòa án", nội dung tường trình nêu.

‘Tâm thư’ từ Mỹ của cựu giám đốc bị truy nã trong vụ bà Nhàn AIC nói gì? - Ảnh 3.

Đại diện viện kiểm sát giữ quyền công tố tại phiên tòa xử vụ AIC - Ảnh: GIANG LONG

Bào chữa tại tòa cho ông Thuyết, luật sư Nguyễn Văn Tú đề nghị "hội đồng xét xử và viện kiểm sát kiến nghị cơ quan phát lệnh truy nã gỡ bỏ lệnh truy nã" để thân chủ của mình nhận được chính sách khoan hồng tối đa của pháp luật.

"Ông Thuyết không từ bỏ quyền tự bào chữa và cũng không từ bỏ bất cứ quyền, nghĩa vụ tư pháp nào mà pháp luật dành cho bị cáo trong vụ án này", lời bào chữa của luật sư.

Bào chữa cho Ngô Thế Vinh, luật sư cho hay thân chủ của mình có quốc tịch Mỹ và Việt Nam. Dù ông Vinh đang có bệnh nhưng có thời gian đã quay về Việt Nam hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp tài liệu liên quan vụ án.

Theo lời luật sư, ông Vinh phải quay lại Mỹ vào tháng 8-2022 trong hoàn cảnh bất khả kháng vì vấn đề sức khỏe phải điều trị và chăm sóc hai con bị tự kỷ. Trước khi mở phiên tòa, gia đình ông Vinh đã chủ động nộp 500 triệu đồng tiền khắc phục hậu quả. Mẹ ông Vinh cũng có đơn gửi đến tòa trình bày nguyện vọng ông xin hợp tác xét xử.

"Có căn cứ xác định bị cáo không bỏ trốn, thậm chí còn sẵn sàng hợp tác với các cơ quan có thẩm quyền. Bị cáo Vinh mong muốn được gỡ bỏ lệnh truy nã, được hưởng khoan hồng đặc biệt, được miễn hình phạt" - luật sư đưa ra quan điểm bào chữa và đề nghị tòa coi tâm thư, nguyện vọng của thân chủ mình như một sự "trình diện".

Bộ Công an, viện kiểm sát, tòa cùng kêu gọi bà Nhàn và những người bỏ trốn đầu thú

Trước khi phiên tòa diễn ra, cơ quan điều tra và viện kiểm sát đã phát đi thông báo kêu gọi bà Nhàn cũng như bảy người bị truy nã về đầu thú để hưởng khoan hồng. Ngay buổi làm việc đầu tiên của phiên tòa sơ thẩm, hội đồng xét xử cũng kêu gọi những người này đầu thú.

Bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn bị viện kiểm sát đề nghị 30 năm tù cho hai tội danh. Cũng bỏ trốn giống bà Nhàn, Trần Mạnh Hà (phó tổng giám đốc AIC) bị đề nghị 25-27 năm tù cho hai tội danh.

Sáu bị cáo đang bỏ trốn còn lại bị đề nghị thấp nhất 4 năm tù đến cao nhất 8 năm tù.

Vụ bà Nhàn AIC: Hai bị cáo đang bỏ trốn sẽ quay về chấp hành bản án? Vụ bà Nhàn AIC: Hai bị cáo đang bỏ trốn sẽ quay về chấp hành bản án?

Phần tranh tụng vụ án bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn AIC có diễn biến bất ngờ khi luật sư thông tin có thêm một người đang trốn truy nã “sẽ có tâm thư gửi hội đồng xét xử”, thư cho biết người này có nguyện vọng sẽ quay về chấp hành bản án, xin khoan hồng.

THÂN HOÀNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên