07/03/2018 17:22 GMT+7

Tâm thần - căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu

Nhiều người ngộ nhận tâm thần phải là những người mất hết ý thức, hành động điên khùng, trên thực tế, bệnh có thể bắt đầu từ biểu hiện rất đơn giản và thường gặp.

Tâm thần - căn bệnh phổ biến của xã hội hiện đại - Ảnh 1.

Ảnh minh họa. Nguồn: bbc.co.uk

Cuộc sống hiện đại với nhiều căng thẳng, lo âu khiến nhiều người gặp phải những vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần. Tuy nhiên, không phải người bệnh nào cũng được phát hiện và điều trị kịp thời.

Hiện nay các rối loạn tâm thần đang ngày càng trở nên phổ biến với nhiều nguyên nhân khác nhau. Tuy nhiên theo thống kê có khoảng 70-80% số bệnh nhân không nhận ra nhận ra mình bị rối loạn này, dẫn đến không được điều trị thỏa đáng.

Tâm thần dạng nhẹ gia tăng

Nhiều người ngộ nhận tâm thần phải là những người mất hết ý thức, hành động điên khùng, trên thực tế, bệnh có thể bắt đầu từ biểu hiện rất đơn giản và thường gặp.

Những năm gần đây số lượng người có biểu hiện về sức khỏe tâm thần dạng nhẹ tăng lên rõ rệt. Tập trung nhiều nhất vào nhóm những người lao động trí óc. Nguyên nhân là do áp lực công việc, áp lực xã hội ngày một tăng, nhất là trong bối cảnh cạnh tranh trong công việc ngày càng cao và đáng lo ngại là hiện nay, tỷ lệ thanh thiếu niên mắc các chứng liên quan đến tâm thần ngày càng gia tăng, do nghiện internet, facebook, nghiện game online, ma túy đá…

Biểu hiện của bệnh thường là mất ngủ, kém ăn, giảm hứng thú, giảm giao tiếp, cảm giác mệt mỏi, uể oải, giảm khả năng suy nghĩ, giảm trí nhớ, tâm lý bất an, có những hành vi không phù hợp…

Tuy nhiên do ít được quan tâm nên hầu hết những người có vấn đề về sức khỏe tâm thần được phát hiện trễ và không được điều trị dứt điểm khiến bệnh tiến triển nặng, đã có nhiều trường hợp đau lòng xảy ra như tự tử hoặc gây nguy hại cho người khác, thậm chí là giết người như báo chí gần đây đưa tin.

Làm gì để chăm sóc sức khỏe tâm thần?

Cũng giống như nhiều loại bệnh lý khác, bệnh lý về tâm thần cũng có những nguyên nhân từ hành vi và có thể phòng ngừa được. Dưới đây là một vài lời khuyên của các chuyên gia giúp bạn có thể cải thiện sức khỏe tâm thần, sẵn sàng đón nhận những biến cố xảy ra trong cuộc sống.

Có kế hoạch làm việc và thư giãn: Một ngày làm việc liên tục với áp lực, căng thẳng sẽ khiến tinh thần của bạn tệ đi rất nhanh có thể dẫn đến trạng thái lo âu và trầm cảm. Do đó bạn đừng quên nghỉ ngơi và thư giãn đầu óc bằng những sở thích cá nhân của mình.

Chế độ ăn lành mạnh: Vì não cần sự kết hợp của các chất dinh dưỡng để duy trì sức khỏe và hoạt động tốt giống như mọi bộ phận khác trong cơ thể. Do đó duy trì chế độ ăn lành mạnh rất có lợi cho sức khỏe tâm thần.

Tập luyện thường xuyên: Hoạt động thể chất rất quan trọng đối với mọi khía cạnh sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tâm thần.

Ngủ tốt hơn: Ai cũng biết rằng những trục trặc về giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến sức khỏe tâm thần. Theo nghiên cứu, những người ngủ ít hơn 5 giờ mỗi đêm có nguy cơ cao mắc bệnh tâm thần.

Xử lý stress: Ai trong chúng ta cũng có lúc bị stress. Dù đó là hậu quả của công việc, các mối quan hệ hoặc vấn đề tiền bạc, stress kéo dài rất nguy hiểm cho sức khỏe tâm thần. Hãy biết cách loại trừ thông tin nhiễu (chuyện ngoài lề không tham gia).

Tìm việc làm có thu nhập, tham gia các hoạt động tình nguyện, thỏa mãn sở thích: Thất nghiệp có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tâm thần. Tham gia hoạt động tình nguyện hoặc thỏa mãn các sở thích cá nhân cũng có hiệu quả thúc đẩy sức khỏe tâm thần tốt.

Tránh lạm dụng rượu bia, các chất kích thích: Vì nếu sử dụng thường xuyên, lâu dài nó sẽ khiến thần kinh bị lệ thuộc, gây nên các chứng ảo giác, mất kiểm soát trong suy nghĩ, hành động.

Hạn chế sử dụng các thiết bị thông minh, game online…: Chứng nghiện game online được các nhà khoa học xem xét đưa vào một trong những loại bệnh lý tâm thần. Nguyên nhân là do chơi game online quá lâu trong thời gian dài sẽ dẫn đến nhiều tác hại cả về thể chất lẫn tinh thần, gây rối loạn tâm sinh lý.

Nguồn: Trung tâm Truyền thông Giáo dục Sức khỏe Bà Rịa - Vũng Tàu
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên