Một người dân gặp cảnh xe chết máy khi nước tràn đường vào đêm 14-10 - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Miền Trung vốn là nơi người dân có kinh nghiệm, chính quyền có phương án do đối phó thường xuyên với mưa bão, nhưng đây vẫn là đợt thiên tai gây thiệt hại rất nặng. Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, chuyên gia thủy lợi này nhìn nhận nguyên nhân đầu tiên đến từ lượng mưa lớn lịch sử.
"Tôi có nhìn nhận rằng chúng ta sợ bão hơn sợ mưa. Nghe bão thì rất lo, chằng chống nhà, dự trữ thức ăn, sạc pin, nhưng nghe mưa thì còn tâm lý chủ quan hơn. Ngay trong tối mưa lớn, tôi còn thấy nhiều người lái ô tô ra đường và bị mắc kẹt cả đêm", ông Huỳnh Vạn Thắng nói.
Do mưa hay thoát nước kém?
* Ông cho rằng vừa qua là mưa lịch sử chưa từng ghi nhận tại Đà Nẵng. Điểm đặc biệt của đợt mưa này là gì mà khiến thành phố ngập như vậy?
- "Mưa lịch sử" mà tôi đang muốn nói ở đây chính là lượng mưa được tính theo tiêu chí trong vòng ba tiếng đồng hồ. Trong dự báo, chúng ta đo mưa theo tiêu chí thời gian là đợt mưa, mưa 24 giờ. Ngắn hơn thì tính theo tiêu chí thời đoạn, lượng mưa rơi xuống trong 12 giờ, 6 giờ, 3 giờ, 1 giờ.
Nếu xét về đợt mưa thì tổng lượng mưa của đợt này chưa phải kỷ lục. Nhưng nếu xét theo mưa thời đoạn, nhất là 3 giờ, thì ngay cả đợt lụt lịch sử năm 1999 mưa thời đoạn (mưa 3 tiếng) của Đà Nẵng cũng không lớn kinh khủng như tối 14-10.
Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng dù tổng lượng mưa trong 24 giờ ngày 14-10 không phải lịch sử, nhưng mưa quá lớn trong một thời gian ngắn thì đô thị không thoát nước kịp.
Hãy hình dung trong 3 tiếng với 300-400mm đổ xuống mà chưa thoát kịp ra sông, biển, nước từ chỗ cao đổ xuống thì chỗ thấp ngập 1-2m là bình thường.
* Nhiều người đổ lỗi cho hệ thống thoát nước có vấn đề?
- Tôi tin chắc với lượng nước mưa đó đổ xuống thì hệ thống thoát nước có đạt 100% công suất thiết kế cũng bó tay.
Chúng ta nên nhớ, ngoài lượng nước mưa lớn đổ xuống khu vực đô thị Đà Nẵng thì còn kèm theo nhiều yếu tố khiến việc tiêu nước, thoát nước không hoạt động tối đa. Trong đó phải kể đến nhiều khu vực đất, hồ đã "no" nước vì trong 15 ngày trước đó thành phố có bão và một đợt mưa lớn.
Triều cường và rác tồn đọng cũng khiến khẩu độ các cống thoát nước không đạt 100% công suất thiết kế…
Hầu như các khu vực đô thị của chúng ta không được thiết kế để chống chọi được các đợt mưa cực lớn từ 100-200mm trút xuống trong 1 giờ, nên mưa lịch sử ngập là phải.
Chỉ vài tiếng sau khi tạnh mưa, nước đã rút ngay lập tức. Điều này chứng tỏ đây không phải ngập úng mà là ngập do lượng mưa quá lớn.
Trong đêm 14-10, nhiều người dân Đà Nẵng không kịp về nhà tránh lụt vì mưa lớn chia cắt nhiều tuyến đường phố - Ảnh: TRƯỜNG TRUNG
Cần bỏ tâm lý sợ bão hơn mưa
* Nói gì thì nói, Đà Nẵng cũng đã thiệt hại rất lớn. Bài học kinh nghiệm nào có thể rút ra để không lặp lại sai lầm?
- Bị bất ngờ nên thiệt hại nhìn thấy rõ. Có những khu vực ở Đà Nẵng chưa bao giờ nước tràn mặt đường mà đợt này nước ngập vào cả nhà, nên đa số người dân không trở tay kịp. Đó là chưa kể rất nhiều ô tô chết máy trên đường phố.
Thời tiết cực đoan, không ai nghĩ tổng lượng mưa của cả đợt lại dồn vào rơi xuống trong một vài giờ, nên tôi nghĩ ngay từ bây giờ chúng ta phải có phương án đối mặt với hình thái thiên tai này.
Với nhiều năm chống bão, tôi có nhìn nhận rằng dân mình sợ bão hơn sợ mưa. Nghe bão thì rất lo, chằng chống nhà, dự trữ thức ăn, sạc pin, nhưng nghe mưa thì còn tâm lý chủ quan hơn. Ngay trong tối mưa lớn tôi còn thấy nhiều người lái ô tô đi dạo chơi và bị mắc kẹt cả đêm.
Nhìn chung đợt vừa rồi người dân và chính quyền phản ứng chưa thật chủ động. Chúng ta có phần chủ quan vì vừa trải qua bão lớn và mưa lớn trong vòng 15 ngày nhưng yên bình, không nghĩ mưa thời đoạn với tần suất 50 năm mới có một lần vào tối hôm đó.
Nếu quyết liệt, chủ động hơn, cảnh báo dồn dập thì có lẽ người dân chuẩn bị sớm để ứng phó. Tránh tình trạng khi mưa lớn, giao thông tê liệt, khu vực trũng thấp người dân không kịp di chuyển đến nơi an toàn.
* Hầu hết các tỉnh miền Trung đều có kịch bản đối phó với mưa bão, bản đồ ngập lụt. Liệu chúng ta có thiếu một bản đồ ngập lụt chi tiết trong các khu vực đô thị?
- Trừ vùng nông thôn huyện Hòa Vang thì vùng đô thị của Đà Nẵng hầu như không có kiểu ngập úng. Không có chuyện nước mấy ngày không thoát được giống như các địa phương khác.
Tất nhiên trong vùng đô thị vẫn có một số điểm nóng ngập nhỏ tại chỗ thấp đã được xác định, và giải pháp là làm cống tiêu nước và trạm bơm.
Để xây dựng bản đồ, kịch bản ngập do mưa lớn như vừa qua thì không khả thi lắm, vì còn phụ thuộc vào khả năng tiêu, thoát nước và mật độ xây dựng. Đặc biệt là việc ngập đô thị phụ thuộc lớn vào lượng mưa lớn rơi xuống khu vực đó chứ không bị ảnh hưởng nhiều bởi lượng mưa từ thượng nguồn.
Đặc điểm thoát nước đô thị không giống nông thôn, vì trung tâm thành phố chủ yếu là nhà hộp, nhà ống nên thoát nước phụ thuộc hệ thống cống, kênh tiêu nước. Ở khu vực đô thị, nếu càng mở được các cống to thì thoát nước càng nhanh.
Điều này không phải bây giờ mới nói, mà đã nhận thấy từ lâu. Nhưng đầu tư hạ tầng để đối mặt với những đợt thiên tai 50 năm mới xuất hiện một lần thì khó lắm, vì kinh phí rất lớn, phải làm theo từng giai đoạn.
Những công trình thành phố đầu tư gần đây cũng đã thực hiện từng phần thực hiện mục tiêu này.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận