27/09/2020 09:58 GMT+7

Tấm lòng trẻ nhắn gửi: 'Xin đừng quên Tây Giang'

ĐOÀN NHẠN
ĐOÀN NHẠN

TTO - Trần Đăng Vinh - một người trẻ ở Đà Nẵng - đang tạo những đổi thay lớn trên mảnh đất miền núi Tây Giang (Quảng Nam) sau trận lũ dữ vừa qua.

Tấm lòng trẻ nhắn gửi: Xin đừng quên Tây Giang - Ảnh 1.

Anh Trần Đăng Vinh ngày tiếp cận đầu tiên đến với bà con Tây Giang - Ảnh: BẢO NGUYÊN

Trận lũ này thiệt hại nặng nề nhưng vì nơi đây là rừng núi, bị chia cắt, ít ai tiếp cận được nên nguồn hỗ trợ còn rất hạn chế. Sức mình còn nhỏ bé, chỉ muốn làm sao kêu gọi được nhiều hơn sự quan tâm hướng về đây. Và thực tế những ngày này đã có thêm nhiều đoàn thiện nguyện đến hỗ trợ.

Anh Trần Đăng Vinh

Là người đầu tiên từ miền xuôi tiếp cận những thôn làng bị chia cắt sau lũ, đưa lương thực cứu trợ, đưa nước về bản cho nhiều xã bị chia cắt..., chàng trai Trần Đăng Vinh (30 tuổi) vẫn miệt mài với mảnh đất này.

Tiên phong làm cầu nối

Những ngày TP Đà Nẵng đang là "điểm nóng" của dịch COVID-19, anh Trần Đăng Vinh là "thủ lĩnh" điều phối nhiều đội nhóm tình nguyện hỗ trợ tuyến đầu, giúp đỡ người dân khó khăn. Khi TP Đà Nẵng bước đầu khống chế được dịch COVID-19 cũng là lúc cơn bão số 5 đổ bộ vào khúc ruột miền Trung.

Trong tâm bão, anh đứng ngồi không yên rồi quyết định nhanh chóng lên vùng núi Tây Giang (Quảng Nam) sau khi nhận tin bà con vừa gánh chịu trận lũ nguồn lịch sử. Cảnh tượng khi vừa đến Tây Giang, trước mắt anh là làng bản xác xơ sau lũ. Đường sá sạt lở, cầu cống hư hỏng nặng nề. Nhà cửa, cây cối, hoa màu, biết bao tài sản mà bà con dành cả một đời gầy dựng đều cuốn trôi theo dòng nước lũ.

Ông Bloong Mười - người dân xã Tr’Hy - nhớ lại: "Nước lũ ùa về bà con trở tay không kịp, mọi người kéo nhau nhằm hướng núi mà chạy, bỏ lại tất cả. Cũng may lũ về khi rạng sáng, mọi người còn thấy đường nên không có ai bỏ mạng". 

Đến khi mưa tạnh, bà con lội xuống thì heo bò chết hết, mùa màng mất sạch, đồ đạc bị cuốn trôi, nhà cửa ngập trong bùn đất. Lãnh đạo huyện Tây Giang ước tính thiệt hại lên đến 175 tỉ đồng.

Bà con cần lương thực để tránh đói trước - anh Vinh nhẩm tính. Vừa đưa những hình ảnh đầu tiên cập nhật tình hình thiệt hại do lũ lên trang cá nhân để kêu gọi, anh nhanh chóng huy động bạn bè mình tiếp ứng thêm các xe hàng cứu trợ lên Tây Giang. 

Nhưng còn nhiều xã giáp biên giới vẫn đang bị chia cắt, không điện, không sóng điện thoại nên không có bất kỳ tin tức gì. Cây cầu Tà Lang nối các xã vùng biên bị lũ đánh nát bươm. 

Anh Vinh cùng bà con gùi lương thực với mắm muối, cá khô, mì gói, gạo... lội qua suối đến các thôn bản giáp biên. Cứ thế, hàng trăm suất quà được nhóm Đà Nẵng Tình Người do anh Vinh điều phối đã tiếp cận các thôn bản.

Tấm lòng trẻ nhắn gửi: Xin đừng quên Tây Giang - Ảnh 3.

Mang nước sạch kịp thời đến với bà con sau lũ là tâm huyết lớn nhất của anh Vinh và bạn bè - Ảnh: ĐOÀN NHẠN

Niềm vui nước về

Những ngày len lỏi vào tận các thôn bản đang bị chia cắt, anh Vinh nhận thấy thực tế còn khắc nghiệt hơn. Đói ăn còn có thể đợi hoặc tìm bất cứ cái gì đó lót dạ, nhưng khó khăn lớn nhất là bà con nơi đây thiếu nước sạch trầm trọng. 

Già làng PơLong Nhăn, thôn Nal, xã Lăng, cho biết lũ cuốn tất cả, cuốn luôn cả đường ống nước của bà con. Người dân trong làng đi vớt rác ở các dòng nước tìm nguồn nước sạch nhưng tất cả nguồn nước vẫn đục ngầu sau lũ.

Anh Vinh tiếp tục lên phương án lọc trực tiếp nước suối để bà con có nước uống. Cùng với đó là kêu gọi sức dân, cùng chính quyền địa phương sửa đường ống dẫn, xây bể chứa cho bà con. Trẻ con mừng vì từ nay lại được tắm dưới dòng nước mát. 

"Mấy hôm nay bà con chỉ cầu mưa xuống để có nước. Nay có mấy bạn trẻ lên bày cách lọc để có nước sạch, bà con vui lắm" - ông Nhăn nói.

Từ những hình ảnh thực tế, chàng trai khẩn cầu chân thành trên Facebook cá nhân của mình với lời nhắn gửi "xin đừng quên Tây Giang". Con số hỗ trợ Tây Giang từ vài trăm nghìn lên đến vài chục triệu đồng. Vinh lắp những ống nước đầu tiên. Nhìn thấy những việc thực tế anh làm, hàng trăm triệu đồng từ các nhà hảo tâm tin tưởng gửi về. Cứ như thế, hàng ngàn mét ống nước đang được lắp đặt dẫn nước về các thôn bản.

Những ngày cùng ăn cùng ở giữa đại ngàn Tây Giang, Vinh nghĩ phải làm gì đó mang tính bền vững hơn để bà con không chịu đói lâu dài sau lũ. Nhận thấy Tây Giang là một vùng đất rất đẹp, khí hậu hệt như Đà Lạt, một ngày có bốn mùa, rừng nguyên sinh còn vẹn nguyên, anh Vinh tìm đến trao đổi với lãnh đạo huyện về kế hoạch phát triển mô hình "Du lịch thiện nguyện", đưa các đoàn thiện nguyện đến du lịch, tham quan, buôn bán nông sản đặc sản, homestay, bảo tồn văn hóa múa trống chiêng... để đời sống bà con được nâng cao, thoát cảnh thiếu lương thực và thoát nghèo. 

Hiện anh đang cùng các cộng sự của mình chuẩn bị tổ chức tour "Du lịch thiện nguyện" đầu tiên vào đầu tháng 10 tới.

Anh PơLoong Plênh - cán bộ Phòng Văn hóa - thông tin huyện Tây Giang - kể nhiều ngày ở với dân làng, với những bữa cơm rất muộn, tuy người thấm mệt nhưng Vinh và bạn của anh vẫn luôn nở nụ cười khi thấy bà con vui. Đêm về Vinh lại thức viết thư ngỏ trên trang Facebook để lan tỏa tấm lòng thảo thơm, kêu gọi, vận động bạn bè hỗ trợ bà con kịp thời... vừa tạo cầu nối giữa các đoàn từ thiện và chính quyền địa phương để quà đến đúng với bà con thật sự khó khăn.

"Những dự định anh Vinh làm cho bà con khiến ai cũng cảm nhận Vinh có một nội lực truyền cảm hứng đến nhiều người" - anh PơLoong Plênh nói.

Hoa hồng trên đồi núi Tây Giang Hoa hồng trên đồi núi Tây Giang

TTO - Giờ đây, Nguyễn Xuân Minh là chủ một trang trại hoa hồng rộng 1,3ha với hàng ngàn gốc kiêm giám đốc hợp tác xã trồng, chế biến sản phẩm từ hoa hồng, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân Cơ Tu ở tỉnh Quảng Nam.

ĐOÀN NHẠN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên