08/05/2019 09:50 GMT+7

Người tìm ra rừng đỗ quyên ở Tây Giang

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TTO - Từ một tư liệu bản đồ người Pháp để lại, chính người Cơ Tu đã phát hiện và đưa rừng đỗ quyên ở Tây Giang ra ánh sáng. Hiện chính quyền Tây Giang đang xúc tiến từng bước để tiến tới khai thác, đón du khách tham quan, du lịch.

Người tìm ra rừng đỗ quyên ở Tây Giang - Ảnh 1.

Ông Coor Bưir - một người Cơ Tu dân địa phương đóng vai trò là “thủ lĩnh” của đoàn leo núi - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

"Một ngày đầu tháng 3-2014, Bh’Ríu Liếc - bí thư Huyện ủy Tây Giang - gọi tôi lên nhà để gặp. Qua câu chuyện, ông Liếc nói rằng ông tìm thấy một tư liệu có chép về một khu rừng hoa đỗ quyên mọc rất nhiều trên những cánh rừng biên giới.

Nhưng việc tìm ra khu rừng đó là điều không hề dễ dàng, ông Liếc đã nhờ nhiều người nhưng tất cả đều lắc đầu. Thấy ông Liếc tâm huyết, tôi đã nhận lời lên đường" - ông Coor Bưir, một người Cơ Tu, cho biết.

Việc tìm ra khu rừng đỗ quyên không chỉ có quyết tâm là đủ mà còn rất nguy hiểm bởi đường quá xa, có thể bị lạc và chết giữa rừng nếu không thạo.

Bí thư BH'RÍU LIẾC

Đi tìm đỗ quyên

Tư liệu đó cho rằng ở độ cao 2.000m của núi rừng Tây Giang có khả năng xuất hiện quần thể hoa đỗ quyên.

"Tây Giang của chúng tôi đã có những cánh rừng pơmu ngàn năm tuổi, được công nhận rừng di sản; chúng tôi cũng có những khu rừng lim độc nhất vô nhị và không ít những cánh rừng gỗ xá xị xếp thành quần thể dày đặc.

Chúng tôi tò mò muốn biết trong những cánh rừng mà ông bà tổ tiên cùng con cháu đang giữ còn có những thứ gì nữa không? Điều đó luôn thôi thúc và làm động lực cho tôi trong mỗi chuyến đi rừng" - ông Liếc nói.

Ông kể thời điểm ông giao nhiệm vụ cho ông Coor Bưir lên rừng tìm hoa đỗ quyên, cũng đã có nhiều tin đồn của người dân địa phương về khu rừng này nhưng những lời kể không thống nhất, thường khác biệt nhau về vị trí, không có mẫu hoa, không có hình ảnh đã khiến thông tin về rừng đỗ quyên càng trở nên mông lung.

"Việc tìm ra khu rừng đỗ quyên không chỉ có quyết tâm là đủ mà còn rất nguy hiểm bởi đường quá xa, có thể bị lạc và chết giữa rừng nếu không thạo. Nhiều người đã lắc đầu khi tôi nhờ, nhưng ông Bưir đã đồng ý và chính ông đã đưa những cánh hoa đầu tiên xuống núi" - ông Liếc kể.

Người tìm ra rừng đỗ quyên ở Tây Giang - Ảnh 3.

Rừng hoa đỗ quyên Tây Giang - Ảnh: THÁI BÁ DŨNG

Ông Coor Bưir là người Cơ Tu ở thôn A Chua, xã Tr’Hy, huyện Tây Giang. Ông từng làm cán bộ Đoàn thanh niên Tr’Hy và nay đã nghỉ hưu để về hỗ trợ huyện Tây Giang dẫn các đoàn lên khám phá các khu rừng nguyên sinh.

Ông Bưir kể rằng năm 1979, khi đi dựng cột mốc dọc biên giới Việt - Lào, ông và bộ đội biên phòng cùng những công nhân thi công cột mốc thường ngửi thấy mùi hoa thoang thoảng bay về, hoa nở trong thời gian cũng rất ngắn nên mọi người không ai biết có một rừng đỗ quyên cổ thụ nằm gần đâu đó.

Một ngày đầu tháng 3-2014, sau khi được bí thư Liếc gửi gắm, ông Bưir gùi theo gạo, muối và một quẹt lửa rồi gọi thêm hai người con trai cùng hai đứa cháu ngược rừng đi tìm đỗ quyên.

Ông Bưir nói rằng chỉ vì câu nói "việc này anh chỉ có thể nhờ em chứ không ai dám đi" của ông Liếc nên ông quyết tìm ra bằng được rừng đỗ quyên dù có phải mất nhiều thời gian.

"Rừng mênh mông không thấy bóng người. Năm cha con, ông cháu tôi cứ thế lầm lụi phát cây để men theo đường thú đi mà hướng lên đỉnh K’Lang. Đi miết ngày này qua ngày khác, được một tuần thì chúng tôi cũng đặt chân được tới đỉnh.

Lúc đó rất may là vừa qua mùa nở của đỗ quyên nên chúng tôi hái được một ít hoa, cành lá để gùi về" - ông Bưir kể.

Bh’ríu Liếc kể rằng ông đã suýt reo lên khi mở hình ảnh đỗ quyên trong tài liệu để so sánh với gùi hoa mà ông Bưir mang về. Để chắc chắn 100% rằng đó chính là rừng đỗ quyên, một tháng sau đích thân ông Liếc cùng đoàn chuyên gia theo chân ông Bưir ngược lên núi K’Lang để xác nhận thực tế.

"Lên đến nơi, chúng tôi mới tin chắc rằng rừng đỗ quyên cổ thụ đang nằm ngay trên đất Tây Giang của mình.

Không chỉ một cây mà có tới cả ngàn cây, cả trăm ngàn cây mọc kín rừng, đủ thứ màu sắc từ đỏ, trắng, tím, vàng... với hình dáng khu rừng uốn lượn, bọc kín rêu trông ma quái như trong cảnh phim về những khu rừng ma" - ông Liếc nói.

Xúc tiến... du lịch

Chính quyền huyện Tây Giang đang xúc tiến các bước đi đầu tiên, mời gọi các chuyên gia về đánh giá, khảo sát, đo đạc, mở đường để kết nối trung tâm huyện Tây Giang với khu rừng đỗ quyên cổ.

"Chúng tôi đã có tất cả những thứ quý giá nhất của thiên nhiên. Đó chính là những cánh rừng ngàn năm.

Nay lại thêm hoa đỗ quyên nữa thì không phải là vàng mà đây là một... núi vàng nếu biết khai thác, tận dụng để làm du lịch" - giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư du lịch Tây Giang, ông Phạm Quốc Hường, tự tin nói.

Ông Hường cho biết nhiều nhà khoa học khi lên rừng đỗ quyên của Tây Giang cũng thừa nhận rằng rừng đỗ quyên không phải là hiếm nhưng phân bố dày đặc trên bình nguyên rộng lớn với hình dạng kỳ quái và cho hoa đủ màu như ở Tây Giang thì không một nơi nào có.

Đỗ quyên ở Tây Giang là khu rừng cổ, độc nhất vô nhị mà nếu biết khai thác thì sẽ trở thành một điểm đến thú vị.

Người tìm ra rừng đỗ quyên ở Tây Giang - Ảnh 4.

Những người dân Cơ Tu mang thép lên dựng chòi vọng cảnh ở rừng đỗ quyên - Ảnh: B.D.

Để chuẩn bị cho kế hoạch đưa khu rừng đỗ quyên ra công chúng, việc đầu tiên là phải mở lối đi bộ để dẫn các đoàn chuyên gia, cán bộ lên đo đạc, khảo sát và đánh giá rừng.

Đồng thời, ngay trên đỉnh có phân bố đỗ quyên, những lán nghỉ qua đêm cũng được dựng lên. Tuyến đường đi bộ phục vụ công vụ, vận chuyển nguyên vật liệu đã được huyện Tây Giang huy động người dân đùm cơm vào rừng mở lối.

Hiện nay, lối đi bộ dẫn lên rừng đỗ quyên đã được hoàn thành 1/3 tổng chiều dài. Dù chỉ là con đường mòn rộng chỉ vài ba nhát cuốc nhưng đó là cả một kỳ công của người Cơ Tu với mong muốn đưa khu rừng đỗ quyên ra ánh sáng.

Cõng vật liệu dựng chòi canh

Ông Phạm Quốc Hường cho biết sẽ có nhiều vọng gác khung bằng sắt thép, đế đúc bêtông được dựng lên để phục vụ việc quan sát, ghi hình ảnh toàn cảnh rừng đỗ quyên trên các đỉnh núi.

Nếu như việc dựng một căn nhà ở dưới làng chỉ mất vài tháng thì để có một chòi canh trên đỉnh đỗ quyên đôi khi cả trăm người phải miệt mài làm trong hàng tháng trời.

"Vật liệu, nước trộn bêtông, sắt thép, ốc vít... dùng để dựng chòi chúng tôi đều phải nhờ bà con Cơ Tu cõng từ điểm tập kết lên đỉnh núi. Bởi chỉ có bà con mới làm được điều đó" - ông Hường nói.

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên