03/09/2023 08:53 GMT+7

'Tám chuyện' cùng Facebooker U80 Võ Hồng Phúc

LÊ KIÊN
và 1 tác giả khác

"Ừ nhỉ, kể ra U80 như tớ viết Facebook cũng hiếm, mà một cựu bộ trưởng chơi mạng xã hội lại càng hiếm nhỉ?", cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc tươi cười khi chúng tôi gọi ông là Facebooker U80.

Ông Võ Hồng Phúc

Ông Võ Hồng Phúc

"Khi đề cập đến vấn đề phát triển của một quốc gia, người ta vẫn nói nguyên nhân là thể chế, thể chế và thể chế".

Cuốn sách Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ của ông phát hành hai ấn bản tiếng Nhật và tiếng Việt cũng được bắt đầu từ những mẩu chuyện ông viết trên Facebook.

Ông Võ Hồng Phúc sinh tháng 10-1945, sau Cách mạng Tháng Tám, ở thời điểm đất nước phải đối mặt với giặc đói, giặc dốt, giặc ngoại xâm.

Ông Phúc gắn trọn sự nghiệp của mình tại Ủy ban Kế hoạch nhà nước, sau này là Bộ Kế hoạch và Đầu tư, là người có vai trò lớn đối với công tác thu hút đầu tư nước ngoài ở thời điểm đất nước đẩy mạnh sự nghiệp đổi mới.

Không tranh công, không đổ lỗi

Ông Phúc kể rằng mình như được tâm linh hối thúc viết ra những dòng hồi ký. Năm 2021, dịch COVID-19 căng thẳng, Hà Nội phong tỏa khắp nơi, nhà ông ở cạnh hồ Tây nên cảnh sắc càng vắng lặng, hằng đêm nghe rõ tiếng chuông từ phủ Tây Hồ, từ chùa Trấn Quốc, từ đền Trấn Vũ vọng về...

Những câu chuyện từ hồi đi học, đi làm đã sống lại trong ký ức của ông. Rồi ông Phúc chọn Facebook như một phương tiện để giao tiếp với thế giới bên ngoài.

Bạn bè xa gần đọc, khen hay, được nhiều người thích, bình luận. Nhiều người động viên "anh viết nữa đi" và hối thúc ông soạn thành sách.

* Cuốn sách của ông được xuất bản cả tiếng Việt và tiếng Nhật, đã ra mắt ở Việt Nam và Nhật Bản, bạn đọc phản hồi thế nào?

- Nói chung rất tích cực, mọi người thích cuốn sách bởi không mấy ai kể lại một cách có hệ thống và đầy đủ tất cả các sự kiện như vậy.

Tôi viết về chuyện của tôi, chuyện của chúng tôi, có liên quan đến những câu chuyện chung, bởi chúng tôi làm việc tại cơ quan tham mưu công tác kế hoạch, quy hoạch phát triển đất nước. Tôi kể chuyện xưa, chuyện nay vì thấy có gì đó là bài học giáo dục từ thực tiễn, có ích.

* Có một số cuốn hồi ký thường gây tranh cãi bởi tám chữ: tranh công, đổ lỗi, chối tội, thanh minh. Ông làm gì để tránh "vết xe đổ" này khi viết hồi ký?

- Đây là quan điểm của tôi, tôi chỉ muốn viết ra những gì để mọi người vui vẻ, cùng suy ngẫm. Sách tôi chỉ kể lại những việc mình làm.

Mình làm việc với cái tâm, vì sự nghiệp chung là trên hết thì không lo. Mình ăn cơm Nhà nước, dùng tiền thuế của người dân thì phải làm việc theo đúng quy định, đúng pháp luật. Người cán bộ tuyệt nhiên không được ra điều kiện mới giúp người dân, doanh nghiệp.

Trong quản lý cán bộ cũng phải lấy sự công tâm để ứng xử, không đưa tư thù, yêu ghét cá nhân vào công việc. Đồng thời, cuốn sách của tôi cũng không xuyên tạc sự thật, không tranh công, không làm lộ bí mật quốc gia, những chuyện nêu trong sách đều có thể kiểm chứng.

Trước khi in sách, tôi đã đưa cho một số người có liên quan, cả lãnh đạo cấp cao, mọi người nhận xét cuốn sách khách quan, trung thực.

* Ông viết nhiều về những người đi trước, như ông Sáu Dân (ông Võ Văn Kiệt), ông Phan Văn Khải... Họ để lại dấu ấn gì với ông?

- Tôi có may mắn được làm việc với những nhà lãnh đạo tài năng, quyết đoán, vì dân, những cộng sự giỏi và bạn bè quốc tế chân thành.

Trong sách, tôi có viết một phần về "ông Sáu Dân vì dân". Tôi nói được điều này bởi vì tôi có may mắn được làm việc trực tiếp với ông Sáu Dân, Thủ tướng Võ Văn Kiệt kính mến trong một thời gian khá dài, từ tháng 4-1982 đến tháng 5-1988.

Tháng 4-1982 ông Võ Văn Kiệt ra làm phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Những năm này là thời kỳ kinh tế kế hoạch hóa tập trung cao độ. Vai trò và quyền lực của Ủy ban Kế hoạch nhà nước rất lớn.

Hình mẫu công tác kế hoạch được bê nguyên từ Liên Xô. Từ tổ chức bộ máy cho đến phương pháp kế hoạch hóa, tất cả đều được giao kế hoạch theo chỉ tiêu pháp lệnh. Từ tiền vốn, vật tư thiết bị, giao nhận thầu xây dựng, các hàng hóa thiết yếu, chỉ tiêu đào tạo, phân bổ lao động...

Sau khi ông Võ Văn Kiệt về công tác kế hoạch được điều chỉnh linh hoạt hơn, mở rộng quyền chủ động kinh doanh, sản xuất cho cơ sở.

Ngoài hệ thống kế hoạch pháp lệnh của Nhà nước, có thêm kế hoạch 2, kế hoạch 3. Nhưng tình hình kinh tế vẫn ngày một khó khăn, đặc biệt sau những sai lầm về việc điều chỉnh giá - lương - tiền 1985. Tình hình đó đòi hỏi một sự thay đổi mạnh hơn nữa.

Đại hội VI mở ra con đường đổi mới, từ năm 1987 đổi mới công tác kế hoạch bắt đầu chuyển biến mạnh mẽ, đi vào định hướng, giảm dần các chỉ tiêu pháp lệnh, loại bỏ dần cơ chế "xin - cho".

Là cán bộ trực tiếp dưới quyền của ông Sáu, ngay thời kỳ xây nhiều công trình công nghiệp nặng như thủy điện Hòa Bình, Trị An, nhiệt điện Phả Lại, công trình dầu khí ở Vũng Tàu, apatit Lào Cai..., nên tôi lại càng thấy rõ được tài năng và tấm lòng của ông.

* Thời đổi mới, chúng ta có những cán bộ dấn thân, dám nghĩ dám làm, thậm chí "xé rào" vì lợi ích chung. Ngày nay sao phải hô hào tinh thần dám nghĩ dám làm, thưa ông?

- Tôi nghĩ đây là chủ đề cần các cơ quan có trách nhiệm tổ chức thảo luận sâu hơn nữa để có giải pháp. Có người nói là không dám làm do sợ sai, bởi sai là bị xử lý, vậy thì cần đánh giá hệ thống thể chế, pháp luật xem đang có những vướng mắc, bất cập gì cho người thực thi?

Có người nói rằng cán bộ, công chức thiếu nhiệt tình là có nguyên nhân cơ chế đãi ngộ chưa xứng đáng, vậy thì phải xem công cuộc cải cách tiền lương làm bao lâu nay thế nào?

Cán bộ, công chức có sống được bằng đồng lương không? Đấy đều là những vấn đề cần sự đánh giá kỹ thì mới trả lời xác đáng được.

Khách mời Việt Nam, Nhật Bản trong buổi ra mắt sách Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ của ông Võ Hồng Phúc

Khách mời Việt Nam, Nhật Bản trong buổi ra mắt sách Chuyện của chúng tôi - Ghi chép về một thời để nhớ của ông Võ Hồng Phúc

Nhiều xu hướng thì khó đi nhanh

* Ở giai đoạn đất nước đổi mới nhưng tồn tại nhiều suy nghĩ, đánh giá rất khác nhau, đặc biệt là trong quan hệ quốc tế, ông có thể kể thêm việc chúng ta "chìa tay ra để rồi người ta bắt tay mình" từng khó thế nào?

- Việt Nam tiến hành đổi mới trong bối cảnh khối Đông Âu tan rã và sau đó là Liên Xô sụp đổ, tình hình kinh tế trong nước rất khó khăn. Đổi mới, hội nhập, bình thường hóa quan hệ với các nước là xu thế tất yếu, là mong muốn của Việt Nam và các nước.

Cho dù khác nhau về thể chế chính trị, về quan điểm nhưng thời điểm ấy nhiều bạn bè, tổ chức quốc tế sẵn sàng hợp tác với Việt Nam và thực tâm mong muốn chúng ta đổi mới, hội nhập thành công.

Nhưng cái chính là ở bên trong, có suy nghĩ rất khác nhau, nhất là khi Liên Xô, Đông Âu sụp đổ. Trong đó nặng nề nhất vẫn là quan điểm lo chúng ta bắt tay với tư bản thì sẽ "chệch hướng".

Năm 1987, Luật Đầu tư nước ngoài được ban hành. Ngay sau đó, Luật Công ty được triển khai xây dựng. Người nước ngoài vào Việt Nam rất muốn gặp các cơ quan nhà nước quản lý kinh tế như Ủy ban Kế hoạch nhà nước nhưng nhiều người ngại tiếp xúc vì sợ bị bên an ninh theo dõi.

Riêng tôi, ai muốn gặp tôi đều gặp, tôi bảo mọi người: theo dõi thì cứ theo dõi, mình có làm gì khuất tất đâu mà ngại. Gặp họ giúp họ tìm hiểu thị trường tìm kiếm cơ hội đầu tư, giúp mình tăng thêm kiến thức về kinh tế thế giới, lại có thêm nhà đầu tư.

* Với những người bạn nước ngoài chân thành, thực tâm mong muốn cho Việt Nam phát triển, theo ông đã có tác dụng thế nào để thay đổi tư duy, thúc đẩy quá trình đổi mới của chúng ta?

- Những người bạn chân thành, đặc biệt là các nhà lãnh đạo nước ngoài, có tư duy, tầm vóc đã tác động nhiều đến quá trình đổi mới, đặc biệt là họ cho chúng ta những lời khuyên.

Như trường hợp ông Lý Quang Diệu của Singapore trong quá khứ là một người "chống Cộng". Nhưng ông Võ Văn Kiệt rất coi trọng và những ý kiến, lời khuyên của ông Lý dành cho Việt Nam bởi đây là người dám nói thẳng, nói thật.

Tôi viết nhiều về mối quan hệ với những người bạn Nhật Bản, trong đó có ông Wantanabe Michio (từng là phó thủ tướng, bộ trưởng của nhiều bộ trong Chính phủ Nhật - NV).

Năm 1990, Chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Đỗ Mười tiếp ông Wantanabe, ngay từ lần đầu gặp gỡ hai ông rất cởi mở, hợp nhau, có tình cảm, gần gũi cả về cách nói, làm việc. Chính sự thân thiện của đôi bên đã để lại dấu ấn cho nhau, giúp quá trình hợp tác được thúc đẩy.

Trước đó, tháng 9-1989 anh Phan Văn Khải đi Nhật, tôi được đi cùng, được hiểu thêm Nhật Bản và mong muốn của giới chức Nhật Bản thúc đẩy quan hệ kinh tế với Việt Nam.

Được tận mắt nhìn thấy sự đổi thay kỳ diệu của một đất nước thua trận bị tàn phá sau chiến tranh. Thực sự đó là một bài học lớn và chúng tôi vẫn gọi là "bài học Nhật Bản". Chuyến đi tạo cho tôi một tư duy mới về sự phát triển và con đường phát triển.

* Tuy đạt được nhiều thành tựu, chúng ta vẫn chưa phát triển như kỳ vọng của chính mình và mong muốn của những người bạn tốt, vì sao vậy?

- Đúng vậy, và có nhiều nguyên nhân. Ở đây, tôi chỉ nêu một nguyên nhân là trong quá trình phát triển, ở chúng ta tồn tại nhiều xu hướng mỗi khi quyết định một vấn đề nào đó. Người này thích mô hình Nhật, Hàn, người kia thích mô hình châu Âu, người nọ lại muốn áp dụng theo kiểu Mỹ...

Tiếp thu cái hay của các mô hình bên ngoài là tốt, nhưng tiếp thu mà không định hình rõ ràng, cải cách không dứt khoát, thì việc lấn cấn giữa những lựa chọn khác nhau sẽ khiến mình khó đi nhanh.

Các quốc gia phát triển nhanh là nhờ chủ thuyết phát triển rõ ràng, cải cách triệt để, phát huy được mọi nguồn lực trong nước và tận dụng hiệu quả nguồn lực bên ngoài.

Tôi lấy ví dụ, Việt Nam hay bị chê là chính sách, pháp luật hay bị thay đổi, chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu tính ổn định. Đây là một vấn đề rất lớn cần phải tháo gỡ. Cho nên, khi đề cập đến vấn đề phát triển của một quốc gia, người ta vẫn nói nguyên nhân là thể chế, thể chế và thể chế.

Bạn bè đang lo Việt Nam tụt hậu

* Sau đại dịch COVID-19, ông đã đến Nhật Bản để ra mắt sách Chuyện của chúng tôi, sau đó đã du lịch đến Trung Quốc và ông sốt ruột khi họ phát triển rất nhanh?

- Trung Quốc đã có sự phát triển không ngờ, thay đổi rất nhiều! Cả về tiềm lực kinh tế, khoa học công nghệ, quản lý môi trường và văn minh đô thị! Trung Quốc như vậy! Ta tính sao đây? Đây là điều rất đáng suy nghĩ.

Trong một "thế giới phẳng", chúng ta không cách nào khác là phải gia nhập cuộc chơi của Trung Quốc, của Mỹ. Đó là những thị trường mà nếu chúng ta không tiến sâu vào được thì sẽ rất khó để phát triển mạnh mẽ, khó bứt phá.

Tất nhiên, trong quan hệ song phương, quan hệ quốc tế có những vấn đề tế nhị, bất đồng. Nhưng như chính người Trung Quốc nói là "cầu đồng, tồn dị", chúng ta cần hài hòa, chọn lọc, biết cái gì cần học hỏi để phát triển. Có những người đến mức thấy cái gì của Trung Quốc cũng không ưa. Thế là cực đoan.

Chúng ta thấy trong quan hệ các nước như Trung Quốc với Nhật, Trung Quốc với Hàn Quốc, Nhật với Hàn đều tồn tại những vấn đề rất lớn, nhưng họ hợp tác với nhau nhiều lĩnh vực rất hiệu quả. Vậy nên, để phát triển đất nước, chúng ta phải kiểm soát được cảm xúc để sống bằng trí khôn, làm những việc có lợi cho đất nước mình.

* Khi tiến hành công cuộc đổi mới, tụt hậu là một trong bốn nguy cơ được Đảng chỉ ra. Đến nay, theo ông thì nguy cơ tụt hậu như thế nào?

- Chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu sau gần bốn thập niên đổi mới. Nhưng đấy là chúng ta so với chính chúng ta.

Còn nếu so với thế giới xung quanh thì nỗi lo tụt hậu vẫn hiển hiện, thậm chí có mặt còn đáng lo hơn. Bởi trước đây là nguy cơ tụt hậu về kinh tế nhưng bây giờ chúng ta đang thua kém về giáo dục, y tế, khoa học kỹ thuật...

Nhiều bạn bè quốc tế chúc mừng những thành tựu của Việt Nam, nhưng những người nói thẳng họ cũng tâm sự với tôi là Việt Nam nếu không tiếp tục cải cách mạnh mẽ để bứt phá được thì sẽ sa vào "cái bẫy thu nhập trung bình" như tình trạng một số quốc gia đang phát triển mắc phải.

Bài học vì dân phục vụ

Năm 1979, chúng ta khởi công xây thủy điện Hòa Bình với mục tiêu cuối năm 1988 phải phát điện tổ máy số 1. Tại đây có hai phương án di dân. Dân ở tập trung thì di dời tập trung, có khu tái định cư.

Dân ở phân tán thì theo phương án di "vén", nghĩa là lấy mức nước dâng cao nhất của hồ để đưa dân lên cao hơn.

Phương án này tiết kiệm nhưng khi chặn dòng và xây đập, tích nước mới phát hiện hạn chế: khi nước dâng cao, dân di "vén" sống trên đảo nhỏ, bị cô lập hoàn toàn với thế giới bên ngoài. Cuộc sống rất là khốn đốn!

Cùng lúc đó, ở phía Nam, tại công trình thủy điện Trị An, công tác di dân được làm rất chu đáo với chi phí cao hơn. Các khu tái định cư được xây dựng khang trang, đảm bảo đời sống bình thường cho người dân phải di dời.

Mọi người so sánh hai công việc di dân của hai nhà máy thủy điện và kiến nghị cho áp dụng tiêu chuẩn di dân của Trị An cho Hòa Bình, bỏ hình thức di "vén".

Chúng tôi về báo cáo ông Sáu Dân - chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch nhà nước. Khi đó, ông Sáu nói:

"Các anh cho tạm ứng tiền làm ngay theo đề xuất, thủ tục xây dựng cơ bản sẽ hoàn thiện sau. Chờ xong thủ tục thì còn lâu. Cứ theo định mức cho từng hộ dân như Trị An mà làm. Việc có lợi cho dân thì không ngại. Dân mình chịu hy sinh trong hai cuộc chiến nhiều rồi, dân khổ lắm, đừng bắt dân chịu khổ thêm nữa...".

Lãnh đạo quyết đoán

Tháng 10-1990, tôi đang là vụ phó. Trong một cuộc làm việc của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười và Phó chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Võ Nguyên Giáp với ủy ban, anh vụ trưởng được phân công báo cáo việc sắp xếp đổi mới doanh nghiệp nhà nước nhưng lại trả lời rất dè dặt. Sau đó anh Phan Văn Khải, chủ nhiệm ủy ban Kế hoạch nhà nước lúc đó, chỉ định tôi báo cáo.

Cuối cuộc họp, ông Đỗ Mười mời các ông Võ Nguyên Giáp, Phan Văn Khải ở lại hội ý. Sau đó tôi hỏi anh Sáu Khải em có nói gì sơ suất mà anh phải ngồi lại thế? Anh Khải cười: "Hai ông già khen mày hiểu biết, có tầm nhìn, nắm chắc vấn đề, có tư duy đổi mới. Bảo tao đưa mày lên vụ trưởng.

Đưa vụ trưởng của mày về làm cố vấn cho tao. Ông già Mười còn biết mày làm vụ phó gần 10 năm nay, từ hồi còn vụ dầu khí". Khoảng một tuần sau đó, tôi nhận quyết định lên làm vụ trưởng Vụ Công nghiệp.

Nguyên bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Võ Hồng Phúc trong buổi ra mắt sách ở Nhật Bản

“Tám chuyện” cùng facebooker U80 Võ Hồng Phúc - Ảnh 5.

“Tám chuyện” cùng facebooker U80 Võ Hồng Phúc - Ảnh 6.

“Tám chuyện” cùng facebooker U80 Võ Hồng Phúc - Ảnh 7.

“Tám chuyện” cùng facebooker U80 Võ Hồng Phúc - Ảnh 8.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mạng xã hội không còn ảo, không thể bỏ trống trận địaBộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng: Mạng xã hội không còn ảo, không thể bỏ trống trận địa

TTO - "Mạng xã hội bây giờ không phải ảo mà là thật rồi. Người dân, chính quyền phải chủ động sống nhiều hơn trên thông tin mạng", bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông nói trong lần đầu tiên đăng đàn tại Quốc hội.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên