TTO - Hành trình kể chuyện của Tâm bắt đầu muộn hơn người khác, nhưng anh đã chứng minh "chẳng có gì là quá muộn nếu bạn quyết tâm muốn thay đổi".

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 1.

"Ta không sợ thất bại nữa mà sẽ mạnh dạn thử sức. Ta không sợ thay đổi nữa vì cuộc sống vốn vô thường. Ta không sợ người đời dèm pha nữa vì ai cũng có một cuộc đời để sống, phải sống sao cho mình hạnh phúc đã. Ta không sợ vận động nữa vì tuổi trẻ không đến hai lần. Không gì là quá sớm, cũng không gì là quá muộn. Nếu muốn, hãy bắt đầu ngay hôm nay".

Đó là câu nói khiến nhiều người nhớ về Tâm Bùi (tên thật Bùi Thanh Tâm, sinh năm 1985), chàng nhiếp ảnh gia kiêm travel blogger, tác giả cuốn sách gối đầu của nhiều người trẻ mang tên Bụi đường tuổi trẻ. Cuốn sách giống cẩm nang du lịch, kể về những câu chuyện, con người những nơi tác giả đã đi qua như Ấn Độ, Tây Tạng, Trung Quốc, Myanmar...

Trong sách, người ta còn được xem những khuôn hình đầy cảm xúc. Đó là điều mà nhiếp ảnh gia 32 tuổi muốn truyền đạt tới người đọc hơn cả. Thế nhưng ít ai biết, Tâm Bùi của Bụi đường tuổi trẻ là một Tâm Bùi rất khác so với trước kia.


Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 2.
Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 3.

Nhiều người trẻ Việt hiện nay có xu hướng không biết mình muốn gì, làm gì. Cuộc sống của họ nhàm chán lặp đi lặp lại theo một vòng xoay cố định đó là đi làm và về nhà. Tâm Bùi cũng không nằm ngoài số đó.

Tốt nghiệp khoa Đông phương học trường ĐH KHXH&NV TP.HCM, Tâm Bùi lựa chọn theo làm một công việc văn phòng như những người khác. Anh từng có giai đoạn không biết mình muốn gì, không biết phải làm gì tiếp theo, và không biết điều gì làm mình hạnh phúc.

Tâm miêu tả 20 năm của cuộc đời, anh quẩn quanh với những nỗi sợ có tên lẫn không biết đặt tên ra sao. Anh chưa từng được ai hỏi: "Con/bạn/mày thích làm gì?" và cũng quên đặt ra cho mình câu hỏi giản dị ấy.

"Tôi từng bị bao vây bởi nhiều nỗi sợ. Lúc nhỏ, tôi sợ đi học vì phải xa ba mẹ cả ngày. Ở trường mẫu giáo thì sợ cô giáo khó tính. Vào tiểu học, tôi sợ bị bọn bạn hung hăng đuổi đánh. Dậy thì, tôi sợ chốn đông người vì mặc cảm rụt rè, lại bị lũ mụn đáng ghét tấn công. Lên đại học, xa nhà, tôi sợ… đói, vì thực sự cuộc sống lúc đó rất chật vật. Đi làm, tôi vẫn tiếp tục sợ đói, sợ thất bại, sợ hư việc, chưa kể hàng trăm nỗi sợ mưu sinh vây quanh".

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 4.

Cũng như những người khác, Tâm lao vào những mối tình bồng bột như một cách an ủi những cảm xúc rối ren của bản thân. Nhưng anh không hề biết trước, chúng chỉ đẩy anh sâu vào những nỗi khổ đau không lối thoát.

"Đôi lúc tôi tự hỏi "Mình đang làm gì vậy? Ước mơ, hoài bão của mình là gì? Và nhiệm vụ của cuộc đời mình là gì ngoài đi làm ngày hai buổi để tồn tại?" Tôi không trả lời được những câu hỏi đó, nhưng rồi guồng quay cuộc sống cứ cuốn mình đi. Câu trả lời thì vẫn là một bí mật", anh kể lại.

Cuộc sống nhàm chán khiến Tâm thả mình rơi tự do, chạm đáy tuyệt vọng. Anh suy nghĩ về câu trả lời nhiều tới nỗi cơ thể kiệt sức. Một ngày đẹp trời năm 28 tuổi, Tâm tự chạy xe đưa mình vào phòng cấp cứu. Cái đêm bất thường đó được anh miêu tả như một gáo nước lạnh tạt vào mặt, giúp Tâm bừng tỉnh.

Sau khi dành thời gian tĩnh lặng, vùi mình vào những lớp yoga hơn 1 năm, Tâm Bùi trở thành con người hoàn toàn khác. Anh nảy ra ý định muốn trở thành người kể chuyện, kể lại những điều đang diễn ra xung quanh mình không phải bằng ngôn ngữ thông thường mà là bằng...hình ảnh.

Và rồi Tâm quyết định nghỉ công việc văn phòng hàng ngày. Anh tích lũy đủ để mua máy ảnh thật tốt, một số tiền phòng thân một năm đầu tự lập. Hành trình kể chuyện của Tâm bắt đầu muộn hơn người khác, nhưng anh đã chứng minh "chẳng có gì là quá muộn nếu bạn quyết tâm muốn thay đổi".


Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 5.

Khi được hỏi con người của hiện tại khác trước kia ra sao. Tâm khẳng định, anh không còn là nô lệ của cảm xúc tiêu cực. Tâm Bùi hiện tại có thể tìm ra niềm vui ngay từ những nỗi buồn hàng ngày.

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 6.

Khi bắt đầu công việc nhiếp ảnh tự do, Tâm không dự đoán được mình có thể trụ được trong nghề này bao lâu, ai sẽ là khách hàng của mình hay mình nên định hình phong cách ra sao. Nhưng anh có niềm tin sắt đá là nếu không đạt đến đỉnh cao của nghề nghiệp, với 2 bàn tay, anh không thể đói được.

"Tôi làm việc chăm chỉ với tình yêu mãnh liệt. Có lẽ chính nguồn năng lượng tốt đẹp đó đã tác động đến mọi người xung quanh. Tôi nhận được rất nhiều giúp đỡ, sự ủng hộ từ mọi người.

Tất nhiên ý kiến trái chiều vẫn có, nhưng tôi chọn cách đặt qua một bên. Tôi tiếp thu ý kiến mang tính xây dựng, và bỏ qua gạch đá để vững tâm đi tiếp", Tâm kể lại.

Điều quan trọng giúp anh có được kết quả như hiện tại là trước hết chọn giải quyết những chướng ngại vật từ chính bản thân mình. Đó là sự sợ hãi, bất an, thiếu tự tin và thiếu sáng suốt. Khi đó, khó khăn đến từ bên ngoài sẽ giải quyết dễ dàng hơn bao giờ hết.

Sau khoảnh khắc bừng tỉnh đó, Tâm Bùi quyết định lên đường dù chưa biết điều gì đang chờ đợi mình phía trước. Anh chỉ biết có một tiếng nói từ trong lòng luôn thôi thúc mình: "Cứ hãy lên đường đi! Cuộc sống đang đợi ngoài kia!".

May mắn thay, Tâm đã tìm được con đường mình muốn đi.

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 7.

Bước ngoặt đầu tiên, Tâm Bùi được biết đến là nhiếp ảnh gia của những bộ ảnh hot nhất mạng xã hội năm 2014: "Gà Trống", "Gà Mái" và "Daydreamers" (Những kẻ mộng mơ).

Những bộ ảnh này xoáy sâu vào chủ đề được nhiều người quan tâm, về những ông bố, bà mẹ đơn thân, về một cặp đôi đồng tính cùng nhau nuôi dạy một đứa trẻ.

Sau đó, anh tiếp tục kể chuyện bằng những hình ảnh chụp được trong những chuyến hành trình của mình qua nhiều đất nước.

Nhờ sự trải nghiệm của tác giả mà nhiều người biết đến một Ấn Độ với tín ngưỡng bên dòng sông Hằng đa dạng đến thế, một Burma bình yên, một Tây Tạng đầy những điều kỳ lạ, một Trung Hoa đẹp đến nao lòng.

"Việc đi là một chiếc chìa khóa mở tôi khỏi những bế tắc, khai phóng những khả năng mà tôi nghĩ là mình không bao giờ có thể làm được. Bằng việc đi, tôi đã trở thành một con người hoàn toàn mới so với tôi của ngày hôm qua", trích dẫn trong bài.


Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 8.

Nhắc đến Tâm Bùi, nhiều người nghĩ ngay tới ba từ: chụp ảnh, kiếm tiền và đi. Nhưng để biến ba điều đó thành hiện thực, Tâm đã phải lao động cật lực và chuẩn bị rất lâu để có thể thực hiện điều đó.

Tâm kể hơn 6 năm làm việc trong lĩnh vực truyền thông quảng cáo, anh phải tự trau dồi ngoại ngữ và tự học chụp ảnh.

Khi tìm được hướng đi, Tâm chủ động lên kế hoạch, làm hồ sơ xin tài trợ. Cứ như vậy, cho đến nay, Tâm Bùi đã đi được gần 20 nước. Anh không đặt mục tiêu phải đi hết các nước trên thế giới mà chỉ mong có thể tới những nơi mình thích.

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 9.

"Tôi kiếm được thu nhập từ công việc chụp ảnh và du lịch của mình. Tôi dùng tiền đó để đầu tư cho những chuyến đi tiếp theo. Cứ chuyến này đến chuyến khác gối đầu nhau. Tôi không tiếc vì đây là chi phí đầu tư cho bản thân.

Khi bạn bỏ tiền cho vật chất, có thể một ngày đồ vật đó hư hao hoặc mất đi. Nhưng khi đầu tư cho trải nghiệm, nó sẽ nuôi dưỡng và làm tâm hồn bạn giàu có hơn, sẽ trở thành một phần của bạn và đi theo bạn mãi mãi", chàng nhiếp ảnh gia 32 tuổi bày tỏ.

Tâm cũng kể công việc của một travel blogger là đi thật nhiều nơi rồi viết, chụp ảnh hoặc quay video clip về những trải nghiệm của mình để chia sẻ cho độc giả. Người ta thích đọc bài viết của các blogger vì mang tính cá nhân, đời thường, rất con người như chính bản thân của người đọc, họ dễ dàng đồng cảm.

Ban đầu, mỗi blogger tìm cách đi cho riêng mình như đi kết hợp chụp ảnh, đi kết hợp viết báo, hay tự bỏ tiền túi để đi. Travel blogger chỉ gặt hái được thành công khi định hình được phong cách, có được lượng độc giả riêng. Điều này thường được đánh dấu bằng hợp đồng tài trợ chuyến đi đầu tiên.

"Travel blogger là một nghề đáng mơ ước cho các bạn trẻ. Đây không phải là một nghề nghiệp hứa hẹn sẽ mang đến cho bạn thật nhiều tiền, nhưng sẽ giúp bạn có rất nhiều trải nghiệm sống. Mà bất cứ độ tuổi nào cũng cần trải nghiệm cả", nhiếp ảnh gia chia sẻ kinh nghiệm.

Thế nhưng để xây dựng được phong cách là điều không phải ai cũng làm được. Đôi khi để có được những bức hình ưng ý trong mỗi điểm dừng chân là cả một câu chuyện đầy gian nan.

Trong chuyến đi Ai Cập mới đây của Tâm Bùi, anh chia sẻ 30 bức ảnh ưng ý nhất trên trang cá nhân. Trong chuyến đi 21 ngày, mỗi ngày anh chụp chưa được 2 bức ảnh.

Tâm kể, chụp ảnh ở Ai Cập rất vất vả. Cả nhóm phải đi bộ nhiều cây số trong thời tiết khắc nghiệt, nắng nóng không một bóng cây quanh khu kim tự tháp. Có nhiều nơi phải tốn mất gần 3 ngày mới chụp được hình ưng ý (như kim tự tháp Giza, pháo đài cổ Schali ở ốc đảo Siwa) do địa bàn quá rộng, mỗi lần đi chuyển sang một góc chụp mới phải đi bộ gần 3km.

"Tìm được góc chụp đẹp, chúng tôi lại phải đợi đến ngày hôm sau vì thời gian ánh sáng đẹp nhất trôi đi mất. Đi bộ, tìm kiếm và kiên nhẫn chờ đợi mà những cụm từ mà cả nhóm luôn phải tự nhắc mình mỗi ngày để có được những thước hình ưng ý", Tâm kể lại.

Anh chàng nhiếp ảnh gia cũng miêu tả những chuyến đi của mình là những chuyến đi tìm "kho báu" của chính cuộc đời. Nói cách khác, đó là hành trình đi tìm ý nghĩa của cuộc đời mình.

"Khi anh quyết chí muốn điều gì, thì toàn vũ trụ sẽ chung sức để anh đạt được điều ấy" (trích Nhà giả kim). Đây là một cách nói rất hay để diễn tả sức mạnh của ý chí con người. Chỉ cần quyết tâm, ước mơ rồi sẽ thành sự thật.

Tâm Bùi nói về đam mê nhiếp ảnh - Video: KHOA NGUYỄN

Tâm Bùi: Hãy cứ lên đường, vì cuộc đời đang đợi - Ảnh 12.

chọn và đi

Mời bạn đọc tham gia diễn đàn "Chọn và đi"

Sau tọa đàm "Có niềm tin, có sức mạnh" do báo Tuổi Trẻ tổ chức vào ngày 24-3, nhiều bạn đọc đã phản hồi thể hiện sự quan tâm, mong muốn duy trì tuyến nội dung và tọa đàm ý nghĩa này.

Từ ngày 17-4, báo Tuổi Trẻ khởi đăng tuyến bài 3 kỳ với chủ đề "Chọn và đi" trên nhật báo Tuổi Trẻ và Tuổi Trẻ Online, đăng tải các quan điểm, câu chuyện, tấm gương chân thật đã tin vào chính mình, tin vào con đường mình chọn và bước đi, dù vấp ngã nhưng đứng lên kiên cường, sức mạnh niềm tin được tạo nên từ chính bản thân.

Để diễn đàn diễn tiếp tục lan tỏa hiệu quả, báo Tuổi Trẻ mong nhận được ý kiến, đóng góp, câu chuyện từ bạn đọc về giá trị của "Chọn và đi", cụ thể là chọn tin vào chính mình, đi trên con đường mình đã chọn để thành công.

Bài viết bạn đọc gửi về sẽ được chọn đăng trên báo Tuổi Trẻ Online và có nhuận bút.

Các ý kiến chia sẻ vui lòng gửi về: hongtuoi@tuoitre.com.vn.

Dự kiến đầu tháng 5, báo Tuổi Trẻ sẽ tổ chức tọa đàm với chủ đề này tại Phú Quốc (Kiên Giang). Sự kiện có sự tham gia của các diễn giả, bạn trẻ khởi nghiệp, nhà nghiên cứu văn hóa, xã hội...

TIỂU HÀN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
19/04/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0