Ai Cập là một đất nước đặc biệt, đất nước có kim tự tháp - 1 trong 7 kỳ quan của thế giới cổ đại còn tồn tại đến ngày nay. Với những ai yêu thích lịch sử, thích nghệ thuật, thích kiến trúc, đây là nơi nên đến ít nhất một lần trong đời.

Ai Cập vẫn luôn hiển hiện trong trí tưởng tượng của những ai say mê nền văn minh rực rỡ một thời, qua những thước phim, qua những truyền thuyết cổ đại.

Đó là hình ảnh kim tự tháp khổng lồ sừng sững nhuốm màu bí hiểm qua những thước phim truy tìm cổ vật, là hình ảnh những vị thần tối cao của các triều đại Pharaoh, là hình ảnh của những xác ướp bí mật mà đến nay vẫn để lại nhiều câu hỏi với khoa học hiện đại...

Vậy Ai Cập thực tế trong mắt những người lữ khách từ phương xa như thế nào?

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 1.
Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 2.

Tâm Bùi là cái tên không còn xa lạ. Anh là nhiếp ảnh gia tự do, cũng là tác giả của Bụi đường tuổi trẻ - một cuốn sách kể lại về hành trình tìm lại chính mình qua những cung đường, truyền cảm hứng mạnh mẽ tới nhiều người trẻ.

Từ khi còn là 1 cậu bé học sinh tiểu học, Tâm đã say mê hình ảnh kim tự tháp và muốn tìm hiểu về những triều đại Pharaoh. Lớn hơn một chút, lại được xem nhiều bộ phim về vùng đất này, trong lòng anh thôi thúc một ngày nào đó được đặt chân đến kim tự tháp, có thật nhiều thời gian để cảm nhận cuộc sống ở nơi này.

Vì vậy, khi có cơ hội, Tâm Bùi đã cùng 2 người bạn lên kế hoạch và bắt đầu hành trình khám phá đất nước Ai Cập cổ đại trong hành trình 3 tuần vào tháng 11-2017. Chuyến đi được chàng trai trẻ miêu tả là hành trình đi tìm "kho báu" của cuộc đời mình. Anh lấy ý tưởng và cảm hứng từ tác phẩm Nhà giả kim của tác giả Paulo Coelho.

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 3.

"Mình muốn đi theo dấu chân của nhân vật chính là anh chàng Santiago đi đến kim tự tháp để tìm kho báu. Một ý tưởng khá ngông cuồng, nhưng tuổi trẻ là để đi và trải nghiệm mà, phiêu lưu một chút mới thi vị", Tâm Bùi chia sẻ sau hành trình.

Hành trình đi dọc theo sông Nile của họ bắt đầu từ Cairo xuống phía Nam, đến Luxor, Aswan. Rồi nhóm chuyển hướng về phía Đông Bắc ra biển Hồng Hải ở Hurghada để lặn biển ngắm san hô. Tiếp theo, cả nhóm tiến thẳng về phía cực Bắc của Ai Cập đến thành phố cảng Alexandria bên bờ Địa Trung Hải. Cuối cùng họ quay về Whale Valley, một thung lũng với nhiều xương cá voi hàng chục triệu năm giữa sa mạc gần Cairo.

Tâm Bùi miêu tả cảnh vật Ai Cập ngoài đời thường hùng vĩ hơn nhiều so với khi các bạn xem trên ảnh chụp lại, nhất là công trình kim tự tháp ở Giza.

Cảnh vật ở sa mạc hay các ốc đảo cũng đẹp đến ngỡ ngàng. Ai Cập đúng là thiên đường cho nhiếp ảnh. Chàng lữ khách từ phương xa kể sẽ nhớ mãi đêm ở lại cắm trại trên sa mạc. Anh tưởng tượng như cả nhóm là một đoàn khách lữ hành băng sa mạc, tối đến cắm trại để nghỉ chân. Có gà nướng, có bánh mì và bia bên ánh đuốc chập chờn.

Khuya đến, cả đám kéo nhau lên đồi ngắm sao và chụp ảnh dải Ngân hà. Một cảnh tượng chỉ có thể diễn ra trong phim ảnh hay tiểu thuyết, nhưng họ đã may mắn được tận hưởng trong đời thật.

"Mình chỉ cảm thấy thất vọng về cách người Ai Cập làm du lịch, khai thác di tích, thẳng cảnh ở đây thôi. Quản lý dịch vụ lỏng lẻo, tình trạng chặt chém và lừa lọc đúng là cơn ác mộng cho du khách", Tâm Bùi nói.

Kết thúc hành trình, Tâm không chỉ có được trải nghiệm ý nghĩa, những bức hình ưng ý mà anh còn gặp được "Nhà giả kim" của cuộc đời mình.

"Không những 'gặp' được nhà giả kim, tôi còn học được thuật 'biến mọi thứ thành vàng' nữa. Trong tim mỗi con người đều có một "nhà giả kim" đang ẩn nấp thấp thoáng đâu đó để chờ ngày lộ diện. Bằng cách sống cho hiện tại, học cách tĩnh lặng để nghe trái tim mình, chỉ cần làm những công việc bình thường nhưng với niềm đam mê phi thường, chúng ta sẽ biến mọi thứ thành 'vàng' bất cứ khi nào bàn tay ta chạm đến", Tâm Bùi viết.

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 5.
Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 6.

"Tôi quyết định đi Ai Cập vào mùa xuân để tránh cái nóng, để một lần chiêm ngưỡng các kì quan và đến với sông Nile vĩ đại, con sông dài nhất thế giới bắt nguồn từ hồ Victoria đổ ra Địa Trung Hải.

Tôi đượm buồn khi chứng kiến những kiến trúc huy hoàng, nền văn minh vĩ đại về văn hóa, kiến trúc khoa học giờ chỉ còn tàn tích. Chúng tôi xuôi dòng sông Nile để tham quan và ngắm nhìn cuộc sống nơi này. Những đền đài nguy nga giờ lặng im như triết lý cuộc sống có thịnh có suy, cuộc sống muôn màu vẫn luôn tiếp diễn, có đó rồi mất đó, hãy trân trọng giây phút hiện tại".

Đó là những dòng chia sẻ mà Hoàng Lê Giang - chàng trai Việt Nam đầu tiên chinh phục Bắc Cực vào năm 2017 - kể về chuyến khám phá Ai Cập trong 12 ngày.

Bắt đầu chuyến đi một cách ngẫu nhiên, không có nhiều sự chuẩn bị trước đó, Giang cùng một số người bạn đã có hành trình đi dọc sông Nile, tham quan các đền thờ, lăng mộ rồi sau đó đi đến ốc đảo trong sa mạc, rồi lại đi qua biển Đỏ để lặn biển và leo núi thiêng Sinai.

Ai Cập có là nền văn mình rực rỡ bên dòng sông Nil huyền thoại. Suốt chặng đường khám phá, họ được chứng kiến những công trình kiến trúc cổ xưa kì vĩ với những đường nét chạm khắc tinh xảo, sống động như thật.

"Tuy biết trước Ai Cập qua phim ảnh, tôi vẫn trầm trồ trước những ngôi đền xây mất 600 năm, những công trình khoét núi, đào sông xây dựng nên bởi tầm nhìn xa và kiến trúc kì tài, hoàn thiện không phải bởi những nô lệ với đòn roi, mà xây nên từ niềm tin và sự cống hiến tận tụy với công việc", Hoàng Lê Giang miêu tả cảm nhận của bản thân khi chứng kiến những kiến trúc tại Ai Cập.

Anh nhớ nhất trong chuyến đi là những đêm giữa lòng sa mạc tâm sự cùng những người bạn, nhớ sa mạc Sahara mênh mông lặng thinh với những đường nét ma mị, cảnh hoàng hôn hư thực trên sa mạc, cuộc sống yên bình nhưng cùng nhuốm màu khó khăn của người dân nơi đây.

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 7.


Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 9.

Đó là nhận xét về Ai Cập của Nguyễn Thanh Thùy, một người lữ khách yêu thích xê dịch, đã đặt chân tới 40 nước trên thế giới. Dịp Tết Nguyên đán 2017, Thanh Thùy có chuyến ghé thăm Ai Cập kéo dài 10 ngày. Hành trình của Thùy bắt đầu từ Cairo, thủ đô Ai Cập sau đó cô bay xuống phía nam, đi du thuyền xuôi dòng sông Nile lên phía Bắc.

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 10.

Trong hành trình, Thùy cũng được ngắm những ngôi làng cổ, những công trình kiến trúc cổ từ thơi cổ đại dọc 2 bên bờ sông Nile. "Trong đó đặc biệt nhất là Luxor với Thung lũng các vị vua (Valley of Kings) và Valley of Queens, nơi người cổ đại xây dựng các công trình mộ cho vua được đào sâu dưới lòng đất. Kết thúc chuyến đi là một chuyến nghỉ ngơi ở biển Đỏ, nhưng nước biển thì trong xanh thăm thẳm", Thùy viết.

Không tìm hiểu quá nhiều trước chuyến đi, thế nhưng, khi đứng trước những kỳ quan thế giới cổ đại, Thùy có chung cảm giác với nhiều người là sự ngạc nhiên, sửng sốt, thật sự kinh ngạc không hiểu vì sao hơn 4.000 năm trước con người có thể xây nên những công trình vĩ đại và trường tồn với thời gian như thế.

Không chỉ về công trình, mà những câu chuyện, niềm tin, nghệ thuật được chạm khắc trên đá là cả một tư duy, kiến thức, cấu trúc xã hội phức tạp, một nền văn minh, một thời đại phát triển kỹ thuật, khoa học thật sự gây kinh ngạc.

"Lần đầu tiên tôi bị choáng ngợp vì mấy công trình cổ là ở Angkor Wat (Siem Riep, Campuchia). Lần này cảm giác còn kinh khủng hơn, vì không hiểu sao cách đây 2.500 năm người ta có thể xây một công trình như thế này. Từng hình ảnh trang trí khắc trên đá, kiến trúc, kết cấu... thật sự khiến tôi ngạc nhiên không lời nào tả nổi", Thanh Thùy cảm thán.

Khám phá Ai Cập huyền bí qua đôi mắt của những lữ khách Việt - Ảnh 11.


TIỂU HÀN
THÙY TRANG
BẢO SUZU
06/04/2018
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0