14/04/2020 11:32 GMT+7

Tài xế xe công nghệ: ám ảnh tiền góp!

THU DUNG - ÁNH HỒNG
THU DUNG - ÁNH HỒNG

TTO - Hằng ngày bám vào chiếc xe để kiếm tiền chi tiêu và trả góp ngân hàng (NH) nên khi dịch bệnh hoành hành, hàng ngàn tài xế công nghệ vô cùng lo lắng khi không biết lấy tiền đâu để trang trải.

Tài xế xe công nghệ: ám ảnh tiền góp! - Ảnh 1.

Tài xế xe công nghệ mất thu nhập do dịch bệnh COVID-19 - Ảnh: Q.Đ.

Trong khi đó, không phải trường hợp nào cũng đủ điều kiện để được NH giãn nợ, giảm lãi suất.

Tài xế như ngồi trên lửa

Anh Nguyễn Văn Hinh - một tài xế Grab car - cho biết đang rơi vào khó khăn vì bốn tháng nay làm ăn thất bát, thu nhập giảm sút. Anh buộc phải vay mượn người thân để trả góp cho NH tiền mua xe trước đó. Anh Hinh nói trước đây anh và vợ đều chạy taxi. Cuối năm 2018, hai vợ chồng đánh liều gom góp tiền mua ôtô giá hơn 500 triệu đồng, trả trước 30%, phần còn lại trả góp để chạy Grab.

Sau khi mua xe, anh Hinh và vợ thay phiên "cày" 15 - 16 tiếng/ngày để đủ tiền trang trải cuộc sống và trả góp hàng chục triệu đồng/tháng. 

"Suốt mấy tháng nay do dịch COVID-19, mỗi ngày vợ chồng tôi chỉ chạy được 10 - 15 chuyến, thu nhập giảm đi hơn 60%. Giờ lại có chủ trương tạm ngưng hoạt động, gia đình tôi lại càng khó khăn" - anh Hinh nói và lo lắng không biết sắp tới kiếm đâu ra tiền để trả góp NH. Anh mong NH kéo giãn thời gian trả góp để có thể vượt qua giai đoạn khó khăn.

Tương tự, anh Văn Hoàng Lâm - tài xế xe công nghệ sống tại quận Bình Thạnh (TP.HCM) - cũng đang vất vả xoay tiền trả cho NH. Tháng 8-2018, anh Lâm vay 70% giá trị xe của Techcombank để mua xe, trả góp 7 - 8 triệu đồng/tháng trong 8 năm. 

Trước đây, anh có thu nhập ổn định mỗi tháng từ 15 - 18 triệu đồng. Gần đây do dịch bệnh, thu nhập giảm sút trầm trọng, trong khi hàng chục loại chi phí như phí đăng kiểm, phí trước bạ, phí bảo trì đường bộ, bảo hiểm vật chất xe, bảo hiểm trách nhiệm dân sự... vẫn chồng chất.

"Chúng tôi mong phía NH giảm bớt lãi suất hoặc giảm mức tiền đóng hằng tháng, kéo dài thời hạn trả nợ. Hiện không biết chạy vạy vay mượn ở đâu để trang trải" - anh Lâm nói.

Vướng ở mục đích mua xe

Trao đổi với Tuổi Trẻ, chủ tịch HĐQT một NH có trụ sở tại Hà Nội cho hay dư nợ cho vay mua ôtô của cả cá nhân và doanh nghiệp tại NH này chiếm 30% dư nợ cho vay cá nhân. Nhiều doanh nghiệp vận tải đã có đơn đề nghị và NH đã giải quyết giãn nợ, giảm lãi suất vì họ thuộc nhóm đối tượng chịu ảnh hưởng trực tiếp dịch bệnh.

Tuy nhiên với cá nhân, vướng ở chỗ mục đích vay vốn ban đầu người vay thường kê khai là mua xe phục vụ gia đình chứ không khai mua để chạy xe công nghệ hoặc cho thuê để chạy xe công nghệ. Họ cũng chứng minh nguồn trả nợ là từ thu nhập khác.

"Do ban đầu khai mua phục vụ gia đình, giờ lại lấy lý do ảnh hưởng dịch bệnh để yêu cầu giảm lãi suất, giãn nợ rất khó cho NH" - vị chủ tịch HĐQT NH này nói.

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, rất nhiều tài xế kê khai mục đích vay vốn mua xe ban đầu là phục vụ gia đình, ít khi khai chạy xe công nghệ là do kinh doanh xe rủi ro hơn bởi thu nhập không ổn định nên NH cũng ngại cho vay. Có khai vậy mới được cho vay mua xe. Chưa kể hiện đối tác của các hãng xe công nghệ không ký hợp đồng trực tiếp mà phải thông qua các hợp tác xã nên họ thường khai mua phục vụ gia đình. Chính điều này đang đẩy tài xế vào thế khó khi NH vin vào mục đích vay ban đầu nên không xét giảm lãi, giãn nợ.

Chưa... xiết xe

Để giải quyết khó khăn cho người mua xe trả góp chạy xe công nghệ, mỗi NH có quy định khác nhau.

Ông Nghiêm Xuân Thành - chủ tịch HĐQT Vietcombank - cho hay theo yêu cầu từ Bộ GTVT, taxi phải dừng chạy trong vòng 15 ngày cách ly xã hội nên họ không còn doanh thu. Những trường hợp vay mua ôtô trả góp để chạy xe công nghệ nếu đủ điều kiện NH sẽ giảm lãi, cơ cấu nợ. Tuy nhiên, phía người vay phải chủ động liên hệ với chi nhánh NH nơi khách hàng vay vốn để đề nghị và chứng minh bị ảnh hưởng nguồn thu bởi dịch COVID-19.

Ông Võ Tấn Hoàng Văn - tổng giám đốc NH Sài Gòn (SCB) - cho biết các trường hợp vay mua xe tại NH này phần nhiều kê khai mua phục vụ gia đình. Một số ít vay để kinh doanh, chạy xe công nghệ. Trong điều kiện khó khăn hiện nay, NH sẽ vận dụng quy định để cơ cấu nợ, giảm lãi cho họ. "Chắc chắn không có việc xiết xe trong thời gian này" - ông Văn khẳng định.

Trong khi đó, Grab trong thông báo gửi tài xế cho biết "hiểu áp lực với những khoản vay NH" và cho biết đang cùng với các HTX tích cực thương thảo với các NH để giảm lãi suất và kéo giãn thời gian trả khoản vay. Tuy nhiên trao đổi với Tuổi Trẻ, Grab cho biết cần có thời gian để thực hiện việc này.

Ông Phan Văn Mến (giám đốc Bảo hiểm xã hội TP.HCM):

Cần đưa vào diện đóng BHXH bắt buộc

TP.HCM hiện có khoảng 2.000 tài xế taxi công nghệ không tham gia đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc và đang chịu thiệt thòi. Một số hãng taxi cũng chuyển sang hình thức giao khoán, theo dạng hợp đồng khoán xe, phân chia thu nhập theo tỉ lệ nên có một số lượng lớn tài xế cũng không được đóng BHXH bắt buộc.

Điều này đồng nghĩa với việc không được hưởng các chế độ như hưu trí, ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, tử tuất và đặc biệt là trợ cấp thất nghiệp. Trước đây nhiều người không quan tâm lắm vì lương hưu là chuyện tương lai xa. Nhưng đại dịch xảy ra, bị thất nghiệp, người không tham gia BHXH bắt buộc mới thấy thiệt thòi ngay trước mắt khi không có bất cứ một khoản trợ cấp nào, nhất là với người làm những công việc bấp bênh, không có tích lũy.

Mục tiêu của BHXH là đưa các nhóm tài xế xe công nghệ, tài xế làm theo hợp đồng khoán xe vào diện đóng BHXH bắt buộc. Nhưng hiện chưa có quy định pháp luật để thực hiện. Thời gian qua chúng tôi đã vận động các tài xế tham gia BHXH tự nguyện. Mức đóng sẽ bằng 22% mức thu nhập hằng tháng do người tham gia lựa chọn, tối thiểu bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn và tối đa bằng 20 lần mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

VŨ THỦY ghi

Từ 1-4, hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam Từ 1-4, hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam

TTO - Từ 1-4, khi nghị định 10 chính thức có hiệu lực sẽ hợp pháp hóa xe công nghệ tại Việt Nam. Điều này giúp các hãng xe công nghệ “rộng cửa” phát triển hơn, vượt ra khỏi giới hạn 5 tỉnh thành, đem lại nhiều lợi ích và đối tác tài xế.

THU DUNG - ÁNH HỒNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên