31/03/2021 08:01 GMT+7

Tắc nghẽn kênh Suez: Câu chuyện toàn cầu

BẢO ANH
BẢO ANH

TTO - Vụ tàu Ever Given bị kẹt ở kênh đào Suez trong gần một tuần qua đã để lại một bài học cho thế giới. Nói như báo Washington Post, đây là một câu chuyện toàn cầu bởi bản thân Ever Given đã cho thấy một câu chuyện toàn cầu trong nó.

Tắc nghẽn kênh Suez: Câu chuyện toàn cầu - Ảnh 1.

Tàu Ever Given cùng một tàu kéo di chuyển trên kênh đào Suez ngày 29-3 - Ảnh: AFP

Con tàu thuộc sở hữu của một công ty ở Nhật Bản, do một công ty vận tải container (Tập đoàn hàng hải Evergreen) của Đài Loan vận hành, được một công ty Đức quản lý và đăng ký ở Panama.

Ngoài ra, 25 thành viên thủy thủ đoàn là công dân Ấn Độ. Hành trình của con tàu và sự tham gia của các đội giải cứu cũng cho thấy điều đó.

Nhiều bài học rút ra

Cuộc khủng hoảng trên kênh đào Suez gần một tuần qua đã cho thấy tính mong manh của nền kinh tế toàn cầu. Cách đây khoảng 1,5 thế kỷ, việc mở kênh đào Suez đã báo hiệu về một kỷ nguyên vận tải nhanh toàn cầu.

Theo báo New York Times, trong nửa thế kỷ qua, công suất trên các tàu hàng đã tăng khoảng 1.500%, tăng số hàng tiêu dùng và hạ giá thành khắp thế giới. Tuy nhiên, sự gia tăng quy mô đã tạo ra những "cổ chai" (tức chỗ hẹp dễ bị tắc nghẽn) tại các tuyến đường nhộn nhịp như kênh đào Suez.

"Các tàu ngày nay lớn hơn so với trước đây" - báo Washington Post dẫn lời một hoa tiêu dẫn tàu làm việc cho Cơ quan Quản lý kênh đào Suez (SCA). Vị này cho biết nhiệm vụ dẫn các tàu như Ever Given đi qua kênh đào Suez đã trở nên thách thức hơn.

Đặc biệt, sự cố tắc nghẽn tại kênh đào Suez nhắc nhở về những lỗ hổng của chuỗi cung ứng toàn cầu phức tạp.

"Sự gián đoạn trong vòng một tuần với quy mô lớn cỡ này sẽ tiếp tục dẫn tới một chuỗi tác động. Sẽ phải mất ít nhất 60 ngày trước khi mọi thứ được giải quyết và tình hình trở lại bình thường đôi chút" - giáo sư Stephen Flynn tại Đại học Northeastern (Mỹ) đánh giá.

Theo kênh CNBC, vụ việc đã dẫn tới các phản ứng dây chuyền, gồm tắc nghẽn tại các cảng và ảnh hưởng đến lịch trình nhiều tàu.

Quan trọng nhất, sự cố Ever Given càng gây căng thẳng cho chuỗi cung ứng - vốn đã đối diện tình trạng thiếu thốn container giữa đại dịch COVID-19. Nhiều dây chuyền lắp ráp sẽ tạm thời rơi vào tình trạng nhàn rỗi vì các linh kiện không được chuyển đến như dự kiến.

Bên cạnh đó, sự cố Ever Given đã nhắc nhở thế giới về tầm quan trọng của những đoạn đường biển chiến lược hay các vị trí án ngữ trong vận tải biển quốc tế, đồng thời dấy lên cuộc thảo luận về việc đa dạng hóa các tuyến đường biển chiến lược.

Một cuộc khủng hoảng tại kênh đào Suez, kênh đào Panama, eo biển Malacca hay eo biển Hormuz sẽ tác động mạnh tới các thị trường toàn cầu. Đồng thời những tuyến đường này có khả năng sẽ trở thành điểm căng thẳng và đối đầu địa chính trị giữa các bên.

Trong bài viết trên tạp chí Time, cựu đô đốc Mỹ James Stavridis đề xuất tại những tuyến đường quan trọng này, cần tạo ra lực lượng quốc tế giúp quản lý, cũng như tiến hành các cuộc diễn tập thường xuyên về đối phó những thảm họa giống sự cố vừa xảy ra ở kênh đào Suez, và có các nguồn lực quốc tế giúp đảm bảo chúng vẫn mở cửa trong khủng hoảng.

Hậu quả nặng nề để lại

Chủ tịch Osama Rabie của SCA cho biết hoạt động đi lại ở cả hai hướng của kênh đào đã nối lại lúc 18h cùng ngày (giờ địa phương).

Khi kênh đào Suez khai thông trở lại, 3 tàu đầu tiên đi qua kênh đào là các tàu chở gia súc sống. Ông Rabie nói thêm 113 tàu dự kiến đi qua tuyến đường quan trọng này tính tới 8h sáng 30-3 (giờ địa phương).

Ever Given là một trong những tàu container lớn nhất thế giới, với chiều dài 400m và trọng tải 224.000 tấn. Các đội giải cứu đã làm việc cả trên bờ và dưới nước trong khoảng 6 ngày, gồm nạo vét cát, xúc bỏ đất đá ở phần mũi và đuôi tàu.

Ông Rabie khen khoảng thời gian giải cứu tàu Ever Given đã "phá kỷ lục", cho rằng sẽ mất tới 3 tháng để làm điều tương tự ở bất kỳ nơi đâu trên thế giới.

Kênh đào Suez - tuyến đường dài 193km phục vụ tới 15% công suất vận tải biển của toàn thế giới - tạo điều kiện để vận chuyển hàng hóa trực tiếp hơn giữa châu Âu và châu Á, mà không phải đi vòng qua mũi Hảo Vọng của châu Phi, giúp cắt giảm thời gian di chuyển từ nhiều ngày tới nhiều tuần.

Dù tàu Ever Given đã được giải cứu, nhưng tác động từ sự cố này sẽ kéo dài tới nhiều tháng, theo cảnh báo của chuyên gia hàng hải Andrew Kinsey tại Công ty Allianz (Đức).

Công ty dữ liệu hàng hải Lloyd's List cho biết việc Ever Given chắn ngang kênh đào Suez đã chặn đứng dòng hàng hóa trị giá khoảng 9,6 tỉ USD giữa châu Á và châu Âu.

Với hơn 420 tàu vẫn đợi chờ đi qua sau khi tàu Ever Given được giải phóng, sẽ phải mất nhiều ngày để di chuyển xong số tàu này từ hai đầu kênh đào.

Chưa tính đến thống kê chính thức về thiệt hại, giới chuyên gia cảnh báo quá trình kiện tụng đòi bồi thường cho vụ mắc cạn của siêu tàu Ever Given tại kênh đào Suez sẽ vô cùng rối rắm, thậm chí mất nhiều năm giải quyết.

Hãng tin Bloomberg dự đoán sắp tới sẽ có hàng ngàn hợp đồng bảo hiểm được lật lại để truy tìm bên chịu trách nhiệm. Các khoản bồi thường thiệt hại từ vụ việc này có thể lên đến hàng triệu USD.

Điều tra nguyên nhân

Ông Osama Rabie, người đứng đầu Cơ quan Quản lý kênh đào Suez, tối 29-3 (giờ địa phương) thông báo cuộc điều tra nguyên nhân siêu tàu container Ever Given mắc cạn đã chính thức bắt đầu.

Dù phần đông cho rằng gió lớn và bão cát là nguyên nhân chính khiến Ever Given mắc cạn, ông Osama Rabie nói với báo giới rằng cuộc điều tra sẽ không chỉ chú trọng vào yếu tố thời tiết, cả yếu tố con người và kỹ thuật cũng sẽ được rà soát.

NGUYÊN HẠNH

Siêu tàu Ever Given được giải cứu, hơn 100 tàu đầu tiên đã qua kênh đào Suez Siêu tàu Ever Given được giải cứu, hơn 100 tàu đầu tiên đã qua kênh đào Suez

TTO - Sau khi tàu Ever Given được giải cứu thành công và kênh đào Suez khai thông, hơn 100 tàu đầu tiên đã đi qua tuyến đường quan trọng này. Tổng cộng hơn 420 tàu đợi đi qua kênh đào này.

BẢO ANH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên
    Chủ đề: Suez kênh đào Suez