16/07/2020 07:54 GMT+7

Tác giả Koh Kyoung Tae: Đồng cảm để chữa lành

TUYỀN - NGUYÊN thực hiện
TUYỀN - NGUYÊN thực hiện

TTO - 12-2-1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị - cuốn sách của tác giả Koh Kyoung Tae nói về trận thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị (Điện Bàn, Quảng Nam) do binh lính Hàn Quốc tiến hành vừa được ra mắt độc giả Việt Nam.

Tác giả Koh Kyoung Tae: Đồng cảm để chữa lành - Ảnh 1.

Tác giả Koh Kyoung Tae

Năm 2000, tờ báo Hankyoreh 21 tại Hàn Quốc do nhà báo Koh Kyoung Tae làm chủ bút đã vấp phải phản ứng cực đoan của những cựu binh khi cho đăng loạt bài về quân đội nước này đến Việt Nam vào cuối thập niên 1960. 

Nhưng một cách đầy kiên định, Koh Kyoung Tae đã tiến hành thu thập hồ sơ và thực địa để năm 2015 ra mắt cuốn 12-2-1968. Cuốn sách lập tức gây chú ý đặc biệt, được dịch sang tiếng Anh và nay là tiếng Việt (Nguyễn Ngọc Tuyền dịch, Phanbook & NXB Đà Nẵng ấn hành).

Nhà báo Koh Kyoung Tae dành cho Tuổi Trẻ cuộc trao đổi xoay quanh tác phẩm này.

* Khơi lại vết thương và làm lành vết thương, điều gì khó khăn hơn, thưa ông? Liệu có một giải pháp nào thỏa đáng để chữa lành "những vết thương tiếp nối" cho những vùng đất đã đi qua thảm sát như case study (điển cứu) Phong Nhất, Phong Nhị?

- Cả hai đều khó. Việc tiếp cận những người bị tổn thương để nghe chuyện của họ là một việc cần hết sức thận trọng. Chữa lành vết thương thì tôi không biết. Tôi chưa bao giờ làm việc này với mục đích để chữa lành vết thương. 

Những câu chuyện tôi viết ra trở thành bài báo và với sức mạnh của bài báo, những câu chuyện về nạn nhân được lan truyền, rồi các độc giả Hàn Quốc bắt đầu tìm đến các nạn nhân để gặp gỡ. Vậy những điều đó có trở thành một hành động chữa lành vết thương? Tôi không biết.

Người ta nói những gì là ám ảnh thì sẽ đi suốt cuộc đời. Lại có người nói ký ức biến con người ta thành những Zombie. Vậy bước đầu tiên của quá trình chữa lành vết thương không phải là biết cho, đau cùng và đồng cảm với nỗi đau đó hay sao? 

Tôi chỉ mong cuốn sách này của tôi sẽ là chiếc chìa khóa đầu tiên đó. Nghe nói đây là cuốn sách đầu tiên tại Việt Nam viết về các cuộc thảm sát thường dân gây ra bởi quân đội Hàn Quốc, vậy tôi xin đặt hi vọng cho khả năng này.

Tác giả Koh Kyoung Tae: Đồng cảm để chữa lành - Ảnh 2.

Bìa cuốn sách 12-2-1968 - Ký ức kinh hoàng về cuộc thảm sát Phong Nhất, Phong Nhị

* So với bản tiếng Hàn thì bản in tiếng Việt có bổ sung 3 nội dung mới, nhờ vào những dữ liệu cũng như thực tế ông tìm thấy sau khi bản sách tiếng Hàn xuất bản. Và ông có nghĩ rằng ấn bản tiếng Việt lần này đã có thể xem là khép lại câu chuyện vết thương Phong Nhất, Phong Nhị chưa?

- Không. Hoàn toàn không. Ấn bản tái bản có chỉnh sửa bằng tiếng Hàn sắp sửa sẽ ra mắt, trong đó lại cũng có bổ sung thêm những câu chuyện mới. Đó là những câu chuyện được viết thêm kể về làng Hà My, Gò Nổi của Điện Bàn. 

Cũng có cả bài viết về việc tôi đi Trà Vinh Đông, Quảng Ngãi - nơi vẫn luôn được truyền tụng trong hàng ngũ thủy quân lục chiến Hàn Quốc như một chiến công hiển hách - để xác nhận xem những ghi chép đó có thật hay không. Có thể nói, tôi là phóng viên Hàn Quốc đầu tiên đến Mỹ Lai để phỏng vấn những nạn nhân sống sót.

Việc liên quan tôi làm gần đây nhất là đi tác nghiệp ở Gò Nổi vào tháng 7-2019. Lúc đó, tôi cũng được nghe nhiều câu chuyện khủng khiếp. Đó là những sự vụ kinh hoàng liên quan đến các cuộc thảm sát thường dân Việt Nam của quân đội Hàn Quốc. 

Tuy nhiên, giờ thì tôi muốn thôi, không điều tra thêm những câu chuyện mới như vậy nữa. Một mình tôi không thể đảm đương hết nổi. Tôi mong rằng những bạn trẻ của Việt Nam và Hàn Quốc sẽ tiếp nối chúng tôi trong hành trình này.

Theo tôi được biết, có khoảng gần 100 vùng đã gánh chịu các cuộc thảm sát thường dân do quân đội Hàn Quốc gây ra trong thời kỳ chiến tranh Việt Nam. Tôi chắc chắn rằng so với những câu chuyện đã được kể thì những câu chuyện ta còn chưa biết vẫn rất nhiều. 

Những người chứng kiến, những nạn nhân sống sót đang lần lượt nhắm mắt xuôi tay. Tôi rất mong phía Việt Nam sẽ sớm tiến hành công tác nghe và ghi lại những chứng ngôn của các nạn nhân, người sống sót một cách quy củ hơn.

* Quá trình thực địa và nghiên cứu chiến tranh ở Việt Nam, điều gì làm ông thấy cảm tình nhất, điều gì làm ông thấy trở ngại nhất?

- Điều tôi thấy có cảm tình nhất là thời tiết và ẩm thực của Việt Nam. Dĩ nhiên tôi cũng có may mắn đã sang Việt Nam vào thời điểm tránh được mùa mưa lê thê, ẩm ướt. Về ẩm thực, tôi thích mì Quảng và bánh mì. Tôi thích cả vị bia mà tôi uống trên bãi biển Việt Nam. 

Tôi cũng muốn kể về tấm lòng hiền hậu của những con người Việt Nam. Đến cả những nạn nhân chiến tranh cũng quá đỗi hiền hậu. Người ta cứ nói rằng đó là vì Việt Nam đã thắng trong cuộc chiến, nhưng có lẽ lý do không chỉ nằm ở đó. Và điều khó khăn nhất? Có lẽ là sự quan tâm, lo lắng quá chi li, tỉ mỉ của chính quyền các cấp.

"Nếu tôi không làm thì những ghi chép về một thời khắc lịch sử hết sức quan trọng sẽ bị lỡ mất" - Koh Kyoung Tae nghĩ vậy và ông mất 6 năm với hàng chục chuyến đi từ Hàn Quốc đến Phong Nhất, Phong Nhị để tái hiện một vụ thảm sát đẫm máu lấy đi 74 sinh mạng thường dân mà quân đội Hàn Quốc trực tiếp gây ra trong chiến tranh Việt Nam. Sau khi công trình bằng tiếng Hàn ra mắt (2015), ông vẫn trở lại Quảng Nam nhiều lần.

Chọn đi thực địa, phỏng vấn kết hợp với biên khảo, cuốn sách của ông đã có một ngôn ngữ vừa rung cảm của đời sống vừa chặt chẽ của những chứng cứ trên văn bản.

Khí chất Đại Việt trong tiểu thuyết Trần Thủ Độ Khí chất Đại Việt trong tiểu thuyết Trần Thủ Độ

TTO - Tiểu thuyết Trần Thủ Độ (Bestbooks và NXB Hội Nhà Văn) của Trần Thanh Cảnh tái hiện lịch sử nước Đại Việt trong giai đoạn phế nhà Lý, lập nên nhà Trần mà nhân vật chính là thái sư Trần Thủ Độ.

TUYỀN - NGUYÊN thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên