24/01/2019 10:31 GMT+7

Tà áo dài lượn một cuộc canh tân

PHẠM VŨ
PHẠM VŨ

TTO - Áo dài không chỉ là áo dài. Tà áo dài Lemur trong sách Áo dài Lemur và bối cảnh Phong Hóa & Ngày Nay lượn thổi quanh cả một cuộc canh tân văn hóa đã diễn ra cấp tập, dữ dội tại Việt Nam trong 15 năm 1930 - 1945.

Tà áo dài lượn một cuộc canh tân - Ảnh 1.

Bìa tập sách (giữa) và bìa các tờ báo Ngày Nay, Phong Hóa số tết in trong tập sách - Ảnh: P.VŨ

Những câu chuyện kể về "y phục phụ nữ tân thời Lemur" với tư liệu xác thực và không ít chất riêng tư từ gia đình họa sĩ Cát Tường thật thú vị. Không mấy khoảng cách với áo dài tung tẩy ngày nay, những bước đi của Lemur quả là đã rất dài, rất xa so với những bộ y phục thùng thình thâm nâu thời xa xưa ấy.

Cũng cổ viền, cổ bẻ, cổ lá sen, cổ trái tim, đính đăng ten. Cũng tay bồng, tay thắt, tay loe. Cũng nhấn eo, xén vạt. Lại còn có cả những áo lót, áo yếm, áo cánh mới, mẫu quần mới, giày cao gót lần đầu nâng niu, chăm chút dáng thon thả của các cô gái Việt. Kéo theo đó hẳn nhiên là các tiệm may, xưởng dệt, tiệm đóng giày và những cuộc tranh luận nảy lửa giữa hai phe tân - cựu...

Ấy vậy mà tất cả lại bắt đầu từ chỉ một chuyên mục mới "Vẻ đẹp riêng tặng các bà các cô" trên báo Phong Hóa.

Tà áo dài quyến rũ người đọc đi tiếp vào cuộc canh tân văn hóa, xã hội Việt Nam 1930 - 1945 được tác giả khảo sát, nghiên cứu chủ yếu trên hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay.

Quá nhiều cái "đầu tiên" đã được khám phá: lần đầu tiên một văn đoàn được thành lập với tôn chỉ "Tự sức mình làm ra những sách có giá trị về văn chương để làm giàu thêm văn sản trong nước":

- Ấy là Tự lực văn đoàn với những thành tựu rực rỡ.

- Lần đầu một tờ báo của nền báo chí non trẻ xây dựng một nhân vật biếm họa dài hơi như Lý Toét, Xã Xệ có tên tuổi, lý lịch, tính cách để qua những bức tranh mà bộc lộ cho người xem cái nghèo khó, cái tủi cực, cái lạc hậu của người nông dân cần được soi sáng, những thói hư tật xấu cần được sửa đổi.

- Lần đầu báo đăng tiểu thuyết trinh thám.

- Lần đầu báo đăng những ca khúc tân nhạc mới được sáng tác của các nhạc sĩ trẻ trong nền tân nhạc trẻ...

Những câu chuyện về những "lần đầu" không phải xa lạ nhưng vẫn thật hấp dẫn khi được viết lại với tâm thế của một người trong nhà: tỉ mỉ, say mê, ngưỡng vọng.

Và thêm một khám phá dành cho người đọc: lạ thay là thời ấy, khi gần 90% dân số còn chưa biết chữ nhưng văn chương, báo chí lại có sức ảnh hưởng không ngờ. Cái mới phô bày vẻ đẹp, khuếch trương sức sống tự do ở đó. Cái cũ cố cựu, bảo thủ lên tiếng quyết liệt cũng ở đó.

Thắng bại giữa hai phe được đo lường ngay chính bằng số lượng báo bán ra. Lịch sử đã chọn được đúng những tài năng để làm những người tiên phong. Một sự nghiệp báo chí, văn chương thật đáng để say mê, cống hiến.

Thế rồi cũng chính lịch sử đã khép lại sự nghiệp ấy. Xem lại những bản tranh, những bài viết của Phong Hóa, Ngày Nay được in lại trong phần sau cuốn sách, cũng như đã được tác giả số hóa để lưu giữ và phổ biến trên mạng lại càng thấy tiếc.

Giá như sự nghiệp canh tân "vì sự tiến bộ" ấy vẫn được duy trì từ ngày ấy, vẫn được đẩy mạnh bằng những người tài năng tâm huyết như thế, thì chắc chắn sẽ góp phần thúc đẩy Việt Nam phát triển hơn rất nhiều.

H’Hen Niê mang áo dài thổ cẩm lên tạp chí Vogue Thái Lan H’Hen Niê mang áo dài thổ cẩm lên tạp chí Vogue Thái Lan

TTO - Chiếc áo dài cách tân may bằng thổ cẩm của nhà thiết kế Linh San đã giúp H’Hen Niê tạo được sự chú ý tại Hoa hậu Hoàn vũ 2018 và lên tạp chí thời trang Vogue Thái.

PHẠM VŨ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên