Các bạn trẻ hào hứng trao đổi về cách tân áo dài tại diễn đàn sáng 15-3 - Ảnh: NGUYỄN KHANG
Khán phòng của Nhà văn hóa Phụ nữ TP.HCM sáng 15-3 chật kín chỗ ngồi bởi chủ đề này, đặc biệt trong thời điểm Lễ hội áo dài TP lần thứ 5 đang diễn ra sôi nổi.
Các khách mời của diễn đàn gồm NSƯT Thành Lộc, thạc sĩ nghệ thuật - nhà thiết kế Sĩ Hoàng và bà Đặng Hồng Linh, trưởng phòng xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình Sở Văn hóa thông tin TP.HCM, đều thừa nhận: điểm độc đáo của áo dài Việt so với những trang phục thời trang đơn thuần khác là sự ứng biến kịp thời, luôn cập nhật, biến đổi để hòa mình vào thời cuộc.
Tiết mục mở màn Lễ hội Áo dài Thành phố Hồ Chí Minh
Bàn về áo dài cách tân
Thường được đưa ra mổ xẻ trong hầu hết các tọa đàm, thảo luận của Lễ hội áo dài 5 năm qua, những câu hỏi như cách tân áo dài đến đâu, có nên gọi "áo dài váy đụp" là áo dài hay không... vẫn được nhiều người quan tâm và tranh luận.
Là một trong những nam nghệ sĩ đồng hành với áo dài ở nhiều sự kiện quan trọng, đưa áo dài vào các hoạt động sáng tạo nghệ thuật (gần đây nhất là vở Tiên Nga), nghệ sĩ Thành Lộc chia sẻ:
"Người Việt không phải ai cũng có chiều cao lý tưởng và ba vòng cân đối, nên chọn áo dài váy đụp có thể làm người mặc xấu đi vì không tôn lên được dáng vóc mà ngược lại. Thành ra, với tôi đây không phải là vấn đề từ nhà thiết kế mà từ người dùng".
Đồng ý với điều này, bà Hồng Linh nói thêm trong hai năm gần đây khi tổ chức cuộc thi Duyên dáng áo dài Việt Nam tại Lễ hội áo dài, ban tổ chức nêu rõ tiêu chí: thí sinh dự thi phải mặc áo dài truyền thống, không mặc váy đụp hay áo dài cách tân quá mức tham dự cuộc thi này.
Điều cốt yếu là muốn hướng các thí sinh của cuộc thi đến một cái đẹp thuần khiết của tà áo dài Việt Nam với hai tà áo chuẩn mực.
“Áo dài cần được làm mới để không bị lạc hậu, nên những nhà thiết kế thời trang có quyền làm mới áo dài theo cách của họ. Nhưng quan trọng nhất vẫn là người dùng chọn mặc gì
Phần trình diễn áo dài của nữ sinh trường THPT Trưng Vương tại lễ hội áo dài TP.HCM - Ảnh: TỰ TRUNG
Áo dài cho nam sinh?
Điều thú vị của Lễ hội áo dài năm nay là trong 10 đại sứ áo dài của lễ hội thì số lượng đại sứ nam lại nhiều hơn nữ. "Đa số họ đều là người của công chúng, sức ảnh hưởng của họ sẽ giúp lan tỏa rộng hơn cảm hứng mặc áo dài đến với những người trẻ.
Rằng áo dài còn thì hồn Việt còn! Đặc biệt, tôi tự đặt ra mục tiêu trong vai trò đại sứ năm nay của mình là phải làm sao để đàn ông Việt Nam cảm thấy bình thường hơn với việc mặc áo dài" nghệ sĩ Thành Lộc nói.
Thành Lộc thú nhận trước đây anh rất ngại mặc áo dài, nhưng "xem lại hình ảnh của các vị nguyên thủ quốc gia, các vị tổng thống ngày xưa mặc áo dài đẹp quá! Tôi thấy suy cho cùng, suy nghĩ của mình lại là rào cản của chính mình", anh chia sẻ.
Trong những buổi giao lưu với học sinh về áo dài, khi được hỏi các nam sinh nghĩ sao về việc mặc áo dài đi học, một học sinh nam đã nói: "Nếu các chú thiết kế cho tụi con kiểu áo dài thoải mái trong sinh hoạt, tụi con thấy mặc áo dài đi học sẽ làm tụi con trở nên sang trọng hơn!".
"Nghe tụi nhỏ nói từ "sang trọng" tôi thích quá! Với vai trò đại sứ, tôi xin lĩnh hội ý kiến này. Thử tưởng tượng trong một buổi lễ chào cờ mà cả nam và nữ sinh đều mặc áo dài trắng đến trường, thật đẹp biết bao nhiêu!" NSƯT Thành Lộc hào hứng kể.
Nhà thiết kế Sĩ Hoàng cũng ủng hộ quan điểm trên: "Tôi từng được xem hình ảnh các học sinh nam và nữ thập niên 30-40 thế kỷ trước tại Hà Nội mặc áo dài trắng, quần trắng, đội nón cũng màu trắng.
Tôi để ý khi mặc áo dài chúng ta luôn cẩn trọng và ý tứ hơn, hạn chế phần nào cách hành xử thô lỗ, bạo lực. Đó là lý do tôi nói áo dài là vật vô tri nhưng khi mặc nó có nội lực, "điều chỉnh" hành vi của người mặc trong giao tiếp".
Từ đây cho đến ngày 25-3, ngày bế mạc Lễ hội áo dài lần 5-2018, hàng loạt hoạt động văn hóa, lễ hội tôn vinh tà áo dài đồng loạt diễn ra tại nhiều địa điểm trong thành phố như: vòng bán kết cuộc thi Duyên dáng áo dài TP vào ba ngày 15, 16 và 17-3 tại Nhà văn hóa Thanh niên; tọa đàm Lịch sử áo dài Việt Nam vào sáng 16-3 tại Bảo tàng Áo dài (Q.9); áo dài với thiếu nhi và gia đình với hội thi vẽ trên áo dài dành cho các em nhỏ vào ngày 18-3 tại Nhà thiếu nhi TP...
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận