Hai cuốn sách khai thác chủ đề thân phận trẻ em trong Thế chiến II - Ảnh: THIÊN ĐIỂU
Đó là Max - Bi kịch của "chủng tộc thượng đẳng" của Sarah Cohen-Scali - tác phẩm giành 12 giải thưởng tại Pháp (trong đó có Giải Prix Sorcières năm 2013) và Cây vĩ cầm Ave Maria của Kagawa Yoshiko - tác phẩm đoạt giải vàng Huân chương Sakura của Hiệp hội Thư viện trường học Nhật Bản.
Chia sẻ tại buổi tọa đàm ra mắt hai cuốn sách này vào ngày 7-4 tại Hà Nội, dịch giả Nguyễn Hồng Vân kể khi cô dịch tới đoạn cô bé Do Thái Hannah phải vừa chơi vĩ cầm vừa bất lực nhìn cậu em trai bé bỏng của mình bị lùa vào lò thiêu và tan lẫn trong cột khói trắng bay lên bầu trời, cô đã không thể tiếp tục việc dịch đang rất gấp gáp của mình trong suốt một tuần.
Cây vĩ cầm Ave Maria kể về một thiếu nữ Nhật Bản chơi violon ở trình độ "bình thường" tên Asuka, bỗng một ngày được duyên phận dẫn lối gặp gỡ một cây đàn violon đặc biệt.
Đó chính là cây đàn của Hannah Janssen - thiếu nữ mười bốn tuổi người Do Thái đã thoát chết khỏi trại tập trung của Đức quốc xã nhờ tài năng âm nhạc. Từ cây đàn cổ, câu chuyện về cô bé Do Thái chơi vĩ cầm trong trại tập trung của phát xít Đức được mở ra. Cả gia đình Hannah đã bị đưa đến trại tập trung Auschwitz.
Hannah tình cờ đeo cây đàn violin trên vai nên thoát khỏi bị thảm sát, trở thành một thành viên của dàn nhạc trại tập trung. Dù sống sót nhưng Hannah đã không thể thoát khỏi những ám ảnh kinh hoàng trong quá khứ.
Còn nhân vật chính trong Max - Bi kịch của "chủng tộc thượng đẳng" là đứa trẻ đầu tiên sinh ra từ chương trình Lebensborn của Đức quốc xã, một chương trình được khởi xướng với mục tiêu làm tăng dân số của "chủng Aryan ưu việt" bằng cách "nhân giống" từ các đối tượng đã được chọn lọc kỹ; cũng như "Đức hóa" trẻ em từ các lãnh thổ bị Đức quốc xã chiếm đóng.
Ở Max hội đủ các yếu tố của "chủng người thượng đẳng". Cậu được đào tạo để trở thành một "vũ khí" tàn nhẫn từ khi còn nhỏ... Nhưng rồi, một đứa trẻ hoàn toàn không có ý niệm về gia đình, không có tuổi thơ, không có tình yêu thương, được nuôi dạy bằng sự thù hận, bằng kỷ luật để trở thành kẻ máu lạnh như Max bỗng một ngày bắt đầu bị xáo trộn bởi phần "con người" còn lại trong mình "cựa quậy".
Theo nhà nghiên cứu Mai Anh Tuấn, cả hai cuốn đều có lối viết rất thú vị và tuy là những tác phẩm hư cấu, hai tác giả đã phải xử lý rất nhiều dữ liệu lịch sử để đưa vào tác phẩm của mình khiến từng câu chuyện hay nhân vật của lịch sử đều cho cảm nhận rất chân thật.
"Hai tác giả đã tránh lồng các bài học mang tính giáo huấn, rao giảng đạo đức nhưng lại rất hiệu quả trong việc giúp người đọc trẻ có khả năng thấu cảm" - nhà phê bình Mai Anh Tuấn chia sẻ.
Dù chẳng cố gắng đưa ra bài học gì, hai cuốn sách chắc chắn khiến người đọc phải suy tư về cách ứng xử với trẻ em ở hiện tại và tương lai, về sự cực đoan, độc tài sẽ dẫn tới thảm họa cho bất kỳ thời đại nào...
Những người lớn qua câu chuyện của Max cũng thấm thía một điều: người lớn không nên thiết kế sẵn cuộc đời một đứa trẻ mà hãy tạo cảm hứng cho chính đứa trẻ thiết kế tương lai cho mình.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận