07/10/2013 05:11 GMT+7

Sững sờ như mất người thân

TH.LỘC - L.GIANG
TH.LỘC - L.GIANG

TT - Ngày 6-10, rất nhiều người dân tiếp tục đến viếng tại căn nhà xưa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp ở làng An Xá, xã Lộc Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Bên cạnh bà con và người dân lân cận trong vùng, còn có rất nhiều người đến từ Hà Nội, Huế, Nghệ An...

YRyVhxBm.jpg
Học sinh Trường THPT Lệ Thủy dâng hương lên bàn thờ vị Đại tướng - Ảnh: Tiến Long

Anh Nguyễn Công Sơn quê ở Nam Đàn, Nghệ An - là tổ trưởng một nhóm công nhân đang sửa đường trên đường Hồ Chí Minh - dẫn đầu một nhóm công nhân cùng quê tìm đường đến thắp hương cho Đại tướng. Anh cho biết khi nghe Đại tướng mất, ai trong nhóm công nhân làm đường cũng sững sờ như mất người thân.

Đôi mắt rưng rưng, anh nói: “Đại tướng tuổi đã già, ra đi là lẽ tự nhiên, nhưng tôi vẫn thấy tiếc. Vì nếu còn Đại tướng thì đất nước có lợi rất nhiều việc, Đại tướng là tấm gương rất sáng cho con cháu noi theo!”. Khi nghe phong thanh thông tin thi hài Đại tướng được đưa về quê Quảng Bình, anh Sơn cũng như nhiều người nói sẽ xin nghỉ làm để đưa vị Đại tướng tôn kính đến nơi an nghỉ cuối cùng.

Trong hàng trăm người đến viếng có ông Trần Sự, nguyên chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình, người bà con khá gần, đồng thời nhà gần sát vách nhà “chú Văn”. Ông nhiều lần được gặp Đại tướng trong chiến tranh lẫn trong thời bình và được Đại tướng trao đổi, chia sẻ nhiều lần nên biết rất nhiều chuyện riêng tư. “Nghĩ đến chú là tôi nhớ ngay đến câu: Nhẫn nại ôn hòa khi tức giận/Bình tâm sáng suốt lúc gian nan” - ông Sự nói. Với ông, Đại tướng ra đi không bất ngờ, nhưng ông cũng như nhiều người cứ có cảm giác hụt hẫng, mất mát.

Ấn tượng nhất đối với ông Sự là lần Đại tướng từ miền Bắc vào thăm ông năm 1956, khi ấy ông đang là tỉnh đội trưởng của Quảng Bình. Đó cũng là thời điểm cao trào của công cuộc cải cách ruộng đất. Ông kể: “Khi tôi báo cáo các vấn đề sản xuất địa phương, chú hỏi rất nhiều, hỏi đi hỏi lại tình hình đời sống của bà con. Việc học hành của học sinh cũng vậy. Nhưng khi tôi báo cáo vấn đề cải cách ruộng đất, chú im lặng, chỉ nghe thôi, rất kỹ, rất chăm chú, thái độ ưu tư”. Ông Sự sau này mới biết rằng đó là chuyến Đại tướng thăm dò tình hình để có cơ sở phát biểu với trung ương về những điều chỉnh sau này.

LrcuGR7u.jpg
Người dân huyện Lệ Thủy xem truyền hình đưa tin Đại tướng Võ Nguyên Giáp qua đời - Ảnh: Tiến Long

Những ngày này, ông Võ Đại Hàm - người trông coi nhà lưu niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp và cũng là người cháu gọi Đại tướng bằng ông - luôn nghẹn ngào. Ông Hàm kể rằng bôn ba xa quê bao năm trời nhưng Đại tướng vẫn nhớ rất kỹ căn nhà của cha mẹ ngày xưa. Có lần Đại tướng thấy cổng ở nhà cũ trổ mới lại đi thẳng vào sân giữa nhà chứ không phải trổ như ngày xưa, vậy là Đại tướng xăm xăm đi vào, nhưng không phải là đi vào từ cổng mới trổ vào, mà là rẽ mấy bụi cây chè tàu làm hàng rào và đi vòng theo lối cổng ngày xưa. Sau đó cổng vào được trổ lại đúng y vị trí cổng ngày xưa. Hay khi họ hàng, người dân và chính quyền địa phương sửa lại căn nhà cũ, Đại tướng về thấy vậy liền bảo: “Nhà tôi không phải như ri mô! Mà nhà tôi ngày trước nhỏ hơn”.

Bây giờ, Đại tướng đã đi xa, nhưng với những người dân ruột rà quê nhà, vị Đại tướng nhân dân ấy luôn ở đâu đây.

___________

Tin bài liên quan:

Người dân, thầy - trò Quảng Bình viếng chật nhà đại tướng "Ngang tầm với Alexander đại đế, vượt tầm Napoleon"Đại tướng Võ Nguyên Giáp 102 mùa xuân cuộc đờiHuyền thoại mùa thuĐề nghị thành lập Bảo tàng Võ Nguyên GiápChúc thọ Đại tướng Võ Nguyên GiápTriển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang TháiTặng tỉnh Quảng Bình tượng Đại tướng Võ Nguyên GiápXem ảnh đời thường Đại tướng Võ Nguyên GiápCuộc đời đại tướng qua ảnhĐại tướng Võ Nguyên Giáp sẽ an nghỉ tại Quảng BìnhCuba mãi trân trọng đóng góp vô giá của Đại tướng Võ Nguyên Gíáp

TH.LỘC - L.GIANG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên