13/07/2017 12:24 GMT+7

Sủng Hoảng một năm sau cơn lũ dữ

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
HÀ THANH - CHÍ TUỆ

TTO - Gần một năm trước, đêm 4 rạng sáng 5-8-2016, cơn lũ dữ đã quét qua thôn Sủng Hoảng 2 (xã Phìn Ngan, huyện Bát Xát, Lào Cai) san thành bình địa một ngôi làng.

Nơi tái định cư của 35 hộ dân thôn Sủng Hoảng với nhà cửa khang trang hơn nhưng không có đất sản xuất, chưa có điện và nước sạch  - Ảnh: C.TUỆ

Ba người chết và nhiều ngày sau mới tìm thấy thi thể. 16 ngôi nhà bị cuốn trôi. Ruộng vườn, trâu bò, heo gà mất sạch. Từ trong hoang tàn, người dân Sủng Hoảng gượng dậy nhưng vẫn còn lắm gian nan.

Tái định cư vẫn bị cô lập

Sau lũ, 35 hộ dân được định cư trên một quả đồi mới cao ráo, cách bản cũ đã bị xóa sổ khoảng 10km. Tuy có nơi ở mới nhưng gần 180 nhân khẩu vẫn vất vả trong cảnh “ba không” - không đường, không điện, không nước sạch.

Những ngày này, có mặt tại điểm suối - nơi có con đường tạm, mới bị lũ cuốn - chúng tôi thấy người dân đang gian nan vượt suối mỗi khi đi lại.

Ông Chảo Sảnh Chẳn (49 tuổi) nói: “Trước có đường tạm còn đi được nhưng mưa lũ to quá trôi hết rồi. Không có đường sang đâu, nguy hiểm lắm, không cho phụ nữ và người già qua suối đâu”.

Trưởng thôn Chảo Láo Khờ là người vất vả nhất. Hằng ngày anh băng qua suối không biết bao nhiêu lần để mua thức ăn cho dân, xay xát thóc hoặc đưa người qua suối. Ngoài ra, do mưa lớn nhiều ngày qua nên thôn cử một nhóm thanh niên khỏe mạnh, bơi giỏi túc trực bên bờ suối, ai qua suối thì giúp.

Anh Tẩn Cáu Sinh (26 tuổi) đứng ở bờ suối, nói bận lũ năm ngoái, suýt chút nữa anh không được đứng ở đây nói chuyện.

“Trời mưa mình vẫn cõng vợ, cõng con qua suối chạy lũ. Lũ to, lên nhanh quá nên mình bị trôi. May mà cả nhà không sao. Sáng về thì không thấy lán đâu nữa, lũ cuốn mất 28 bao thóc, một máy cày, máy nổ và máy tuốt mới mua về” - anh Sinh tâm sự.

Ngồi nhớ lại chuyện cũ, ông Chảo Sảnh Chẳn bùi ngùi: “Đêm đó chỉ cố gắng chạy thôi. Nhà cửa mất hết, đứa cháu mình bị lũ cuốn cả chục mét, may thoát được. Lũ rút, không có gì ăn. Đường cắt đứt, không ai tiếp tế gì được. Hai hôm sau may có ít mì gói Nhà nước cho. Hôm sau nữa Nhà nước lại mang gạo cho ăn, quần áo cho mặc”.

Đời sống người dân vẫn khó khăn. Hôm có khách, trưởng bản mới vượt suối mua ít thịt về cho bà con liên hoan - Ảnh: HÀ THANH

Dân về lại nơi từng bị xóa sổ

Chiều xuống, ở khu tái định cư vắng vẻ. Tối, đèn điện le lói ở 4-5 ngôi nhà mới. Những nhà khác cửa đóng then cài. Trưởng thôn Chảo Láo Khờ cho biết bà con trở về bản cũ để làm kinh tế, chỉ có 3-4 hộ dân sinh sống ở đây, chủ yếu là phụ nữ, trẻ em và người già.

Ở bản mới, 35 hộ dân không chỉ chịu cảnh không điện, không đường mà cả không có đất canh tác. Buổi tối không có điện, trẻ con chỉ ngủ, không học bài. Trưởng thôn Chảo Láo Khờ cho hay trước tết cả thôn góp được 4,3 triệu đồng kéo điện về bản dùng tập thể, chỉ đủ mỗi hộ thắp một bóng đèn.

Tại nơi ở mới nhưng cái nghèo khó cũ vẫn cứ đeo đẳng bà con, vẫn cứ cơm với muối và rau rừng. “Nếu mà cứ khó khăn như thế này thì bà con sẽ về lại trên kia hết” - trưởng thôn Chảo Láo Khờ nói.

“Trên kia” tức là chỗ cũ, nơi thảm cảnh diễn ra cách một năm về trước. Đường từ nơi tái định cư đến bản cũ khoảng 10km, mùa mưa đi lại khó khăn nên bà con dựng lán ở lại luôn trên bản Sủng Hoảng cũ, tiện bề canh tác.

Chỉ 10km nhưng phải mất gần hai giờ đi xe máy chúng tôi mới đến được thôn Sủng Hoảng cũ. Tại nơi này có khoảng 10 hộ dân lập lán ở lại bám đồi, bám nương ngô, nương lúa. Trong trí nhớ của họ vẫn còn đó những ký ức đau thương về trận lũ dữ. Sợ lũ nhưng họ vẫn bám trụ lại đây để “làm lại từ đầu thôi”.

Chị Lý Mán Mẩy (33 tuổi) tâm sự: “Năm ngoái lũ về chỉ kịp bỏ chạy hết lên đỉnh núi, con trâu, con lợn đi hết, vợ chồng chỉ kịp ôm lấy ba đứa con. Hôm trước con gái đi qua suối cũng bị nước cuốn, may người dân kéo lại được.

Thích về bên kia lắm (chỗ ở mới) vì ở đây sợ rồi, nhưng chỗ đó chỉ để ở, phải về đây làm nương thôi, lập lán ở tạm đợi nước rút, xong mùa màng rồi về. Chỉ mong Nhà nước cấp cho chỗ ở mới có nước, nước cần lắm”.

Tại một lán lập tạm, từ người lớn đến trẻ nhỏ ai nấy cũng xắn tay vào hỗ trợ nấu bữa cơm tập thể. Bữa cơm nay như vui vầy hơn vì có thêm cân thịt và bao gạo mới xát của trưởng thôn Chảo Láo Khờ vượt đồi mang đến cho họ.

Một năm rồi nhưng vẫn còn đó gian nan.

Có điện, nước cho dân trong tháng 7

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Tẩn Láo Tả - chủ tịch UBND xã Phìn Ngan - cho biết sau một năm, đời sống của nhân dân ở khu tái định cư vẫn còn nhiều khó khăn vì phần lớn người dân mất nhà, mất ruộng nương.

Song khó khăn nhất là một số cơ sở hạ tầng thiết yếu chưa thể hoàn thành. Trước đó người dân đã tự kéo đường điện tạm thời về thắp sáng. Chính quyền xã đã làm việc với phía huyện, tỉnh và “trong tháng này nhân dân sẽ có nước, có điện sinh hoạt” - ông Hoàng Đăng Khoa, chủ tịch UBND huyện Bát Xát, xác nhận.

Về việc người dân trở về bản cũ sản xuất, ông Tẩn Láo Tả cho rằng chỗ tái định cư là chỗ ở. Người dân về bản cũ để làm lụng vì đất đai, ruộng rẫy đều ở đó.

Về phương án đề phòng mưa lũ thời gian tới, bên cạnh xây dựng khu tái định cư mới, chính quyền địa phương cũng tuyên truyền người dân khi đi sản xuất, làm lán tạm thời ở chỗ cũ phải đảm bảo vấn đề an toàn, tránh xảy ra rủi ro.

Về cầu, đường, ông Tả cho biết việc này “không thể làm trong một sớm một chiều”. Sắp tới đây sẽ làm một cầu tre tạm cho người dân đi lại trong khi chờ làm cầu bêtông.

HÀ THANH - CHÍ TUỆ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên