Đó là thông tin vừa được Bệnh viện Chợ Rẫy báo cáo Bộ Y tế liên quan đến chùm ca bệnh ngộ độc botulinum sau khi ăn cá chép ủ muối chua tại huyện miền núi Phước Sơn, tỉnh Quảng Nam.
Chùm ca ngộ độc đến nay được ghi nhận tổng cộng 10 người, nhập Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam cấp cứu từ ngày 7 đến 17-3. Hiện có 1 bệnh nhân tử vong, 5 bệnh nhân tình trạng nặng, trong đó có 3 trường hợp được chỉ định dùng thuốc Botulism Antitoxin Heptavalent (BAT) giải độc tố clostridium botulinum.
Ông Nguyễn Tri Thức - giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy - cho biết sau 20 giờ sử dụng thuốc giải độc BAT, cả 3 bệnh nhân được chỉ định đều có cải thiện khá tốt. "Trong đó có 1 bệnh nhân được rút nội khí quản, bệnh nhân khác có khả năng rút nội khí quản trong vài ngày tới và chỉ còn 1 bệnh nhân tiên lượng còn dè dặt" - ông Thức thông tin.
Trường hợp nặng nhất và có tiên lượng "dè dặt" mà giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy nói đến đó là ông H.V.Đ. (57 tuổi, ngụ xã Phước Kim). Từ chỗ lơ mơ, liệt toàn thân, thở máy… sau truyền giải độc BAT tuy sức cơ của bệnh nhân đã cải thiện đáng kể (đạt 3/5) nhưng vẫn còn phụ thuộc vào máy thở.
Theo các chuyên gia hồi sức của Bệnh viện Chợ Rẫy, ngoài ngộ độc thì vấn đề mà ông Đ. đang phải đối diện đó là viêm phổi liên quan đến thở máy.
Tuy bệnh nhân đã được chuyển đổi kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn đa kháng nhưng kháng sinh này hiện không đủ. Các chuyên gia vừa đề nghị Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam báo cáo Sở Y tế tỉnh Quảng Nam.
Trong số này, bệnh nhân H.V.Đ. (26 tuổi, cùng ngụ xã Phước Kim) được đánh giá bị ngộ độc botulinum nặng nhưng có cải thiện rất tốt sau truyền giải độc. Hiện tại sức cơ của chàng trai này phục hồi đáng kể và đang được các bác sĩ áp dụng phương áp hỗ trợ hô hấp để tiến tới tự thở và cai máy thở trong vài ngày tới.
Khả năng không dùng đến thuốc BAT
Trong số 5 bệnh nhân nặng, có 2 bệnh nhân gồm H.T.M. (24 tuổi) và H.T.C. (12 tuổi, cùng ngụ xã Phước Kim) được theo dõi sát tình trạng yếu liệt nhằm quyết định có nên sử dụng BAT hay không. Đến ngày 20-3, cả hai bệnh nhân này đều có tiến triển phục hồi tốt, sức cơ bình thường, ngưng oxy và tự ăn qua miệng.
Với tình trạng này, theo TS Lê Quốc Hùng - trưởng khoa bệnh nhiệt đới Bệnh viện Chợ Rẫy, khả năng cả hai bệnh nhân này sẽ không phải sử dụng thuốc giải độc BAT. Năm lọ thuốc BAT cuối cùng của cả nước được Bệnh viện Chợ Rẫy chuyển ra Quảng Nam đã sử dụng hết 3 lọ, còn 2 lọ đang được Bệnh viện Đa khoa khu vực Bắc Quảng Nam lưu trữ, sử dụng.
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận