05/09/2022 14:37 GMT+7

Sửa Luật đất đai: Những ai sẽ được ghi tên trong sổ đỏ?

THÀNH CHUNG
THÀNH CHUNG

TTO - Theo lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường), dự kiến việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên sổ đỏ sẽ do các thành viên tự thỏa thuận bằng văn bản.

Sửa Luật đất đai: Những ai sẽ được ghi tên trong sổ đỏ? - Ảnh 1.

Các chuyên gia đánh giá việc ghi đủ tên người cùng sở hữu tài sản trên sổ đỏ có lợi cho người dân - Ảnh: T.L

Luật đất đai 2013 đã quy định cấp sổ đỏ cho hộ gia đình

Ngày 5-9, một lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên - Môi trường) thông tin thêm với Tuổi Trẻ Online xung quanh nội dung sổ đỏ sẽ ghi tên các thành viên trong hộ gia đình được quy định trong dự thảo Luật đất đai sửa đổi.

Theo vị này, Luật đất đai năm 2013 đã có quy định đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất (gọi tắt là "sổ đỏ") cho đối tượng là hộ gia đình.

Còn tại thông tư số 23 năm 2014 của bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường quy định về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cũng nêu rõ:

- Trường hợp cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho đối tượng là hộ gia đình thì ghi “hộ ông” (hoặc “hộ bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số của giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình, địa chỉ thường trú của hộ gia đình.

- Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình.

- Trường hợp chủ hộ gia đình hay người đại diện khác của hộ gia đình có vợ hoặc chồng cùng có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi cả họ tên, năm sinh của người vợ hoặc chồng đó.

Nếu có nhu cầu cấp một sổ đỏ, ghi đầy đủ tên thành viên

Theo lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai, tại khoản 33, điều 3 dự thảo Luật đất đai sửa đổi tiếp tục quy định hộ gia đình sử dụng đất là những người có quan hệ hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình có quyền sử dụng đất chung tại thời điểm được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, công nhận quyền sử dụng đất, nhận chuyển quyền sử dụng đất.

Để đồng bộ với quy định pháp luật về dân sự trong xác định các thành viên của hộ gia đình là chủ thể tham gia, thỏa thuận giao dịch dân sự, dự thảo luật đã tạo sự lựa chọn cho các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình nếu có nhu cầu thì cấp một sổ đỏ ghi đầy đủ tên thành viên và trao cho người đại diện.

Việc xác định các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình để ghi tên trên sổ đỏ do các thành viên này tự thỏa thuận bằng văn bản có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật.

Theo vị này, việc quy định cấp sổ đỏ ghi đầy đủ tên các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình trên cơ sở nhu cầu của các thành viên này nhằm tránh tranh chấp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

Đồng thời tạo sự minh bạch về đối tượng khi hộ gia đình đưa quyền sử dụng đất tham gia vào thị trường bất động sản.

Quy định này được thực hiện trên cơ sở nhu cầu của người sử dụng đất bằng văn bản thỏa thuận có công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật mà không bắt buộc.

Căn cứ nội dung Luật đất đai sửa đổi sau khi được ban hành, trên cơ sở văn bản thỏa thuận của các thành viên có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình được công chứng hoặc chứng thực theo quy định của pháp luật, cơ quan đăng ký sẽ ghi đầy đủ tên các thành viên trên sổ đỏ.

Lãnh đạo Cục Đăng ký đất đai thông tin thêm, hiện dự thảo Luật đất đai sửa đổi đang được lấy ý kiến toàn dân cũng như các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Do đó, Tổng cục Quản lý đất đai sẽ ghi nhận các ý kiến góp ý để hoàn thiện nội dung quy định về cấp sổ đỏ cho hộ gia đình sử dụng đất, bảo đảm quy định được ban hành phù hợp với thực tiễn.

Cũng trao đổi với Tuổi Trẻ Online, nguyên thứ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường Đặng Hùng Võ cho rằng khi chọn lọc ghi tên ai vào "sổ đỏ" sẽ chính xác hóa được quyền tài sản thực sự với thửa đất đó. Việc này có lợi cho người dân.

Tuy nhiên, ông Võ cho rằng dù có lợi nhưng cũng có khó khăn đó là phát sinh thủ tục hành chính để chứng minh được tài sản đó thuộc về ai.

Do đó, ông Võ đề nghị cần có hướng dẫn cụ thể để làm rõ thế nào là quyền tài sản, quyền tài sản chung và khi ghi vào "sổ đỏ" phải ghi thế nào cho chính xác.

Tôi mua nhà có nhiều người đứng tên, muốn làm lại sổ đỏ chỉ có tên mình? Tôi mua nhà có nhiều người đứng tên, muốn làm lại sổ đỏ chỉ có tên mình?

TTO - Tôi mua nhà năm 2015, bên bán gồm 6 người cùng đứng tên trên giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà đất (sổ đỏ), sau đó tôi có từng sửa chữa nhà.

THÀNH CHUNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên