Sữa giả: Cơ quan chức năng ở đâu?

Sữa giả, thuốc giả tồn tại nhiều năm mới bị phát hiện, người bán không sợ, người mua không biết, cơ quan quản lý chậm hoặc không lên tiếng... Cứ mãi như vậy sao?

sữa giả - Ảnh 1.

Đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả bị cơ quan chức năng triệt phá khiến nhiều người bức xúc - Ảnh: TTO

Những sản phẩm cần thiết cho trẻ em và người bệnh lại bị làm giả, thật quá phẫn nộ. 

Một ly sữa không còn là thực phẩm an toàn bổ dưỡng mà nơm nớp lo bị làm giả. Một viên thuốc không còn tác dụng chữa bệnh mà có thể khiến bệnh nặng thêm.

Đạo đức kinh doanh và cả nhân tính ở đâu?

Khi lợi nhuận đứng trên sinh mạng 

Liên tiếp những đường dây sản xuất, kinh doanh sữa giả, thuốc giả bị cơ quan chức năng triệt phá khiến nhiều người bức xúc.

Trong 573 nhãn hiệu sữa giả được phân phối rộng rãi tại nhiều địa phương trên toàn quốc, có cả sữa dành cho những người đái tháo đường, suy thận, trẻ sinh non, thiếu tháng và phụ nữ có thai. 

Các sản phẩm được quảng cáo "đạt chuẩn chất lượng quốc tế".

Những cái tên dễ khiến người tiêu dùng nhầm tưởng với các sản phẩm ngoại nhập chất lượng cao khác.

Tương tự, đường dây sản xuất thuốc giả vừa bị Công an tỉnh Thanh Hóa khởi tố đã sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả với quy mô lớn. 

Họ thâm nhập thị trường thuốc dưới vỏ bọc dược sĩ, người trong ngành dược dùng mạng xã hội Zalo, Facebook quảng cáo có nguồn thuốc kháng sinh chính hãng. 

Rồi với lý do "thuốc đấu thầu dư ra", thuốc "không xuất được hóa đơn"... để lừa người dân ham giá rẻ. Bằng cách trà trộn thuốc thật vào thuốc giả trong giai đoạn đầu để chiếm được lòng tin khách hàng. Khi "cá cắn câu", các đối tượng sẽ tuồn 100% thuốc giả tự sản xuất.

Thực trạng này không chỉ là hiện tượng đơn lẻ, mà phản ánh một hệ sinh thái kinh doanh bất chấp sức khỏe, tính mạng người dân của một số công ty.

Các đường dây sản xuất sữa giả, thuốc giả quy mô lớn trở thành minh chứng cho một thực tế đáng sợ đặt lợi nhuận trên hết. Nó đang âm thầm gây ra những tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe cộng đồng.

Với trẻ em, việc dùng phải sữa giả thời gian dài có thể dẫn đến thiếu vi chất dinh dưỡng, chậm phát triển trí tuệ, suy giảm hệ miễn dịch. 

Với người lớn tuổi và người bệnh, dùng thuốc giả không chỉ khiến bệnh không thuyên giảm mà còn khiến cho biến chứng phát sinh, kháng thuốc lan rộng.

Một bệnh nhân tim mạch sử dụng thuốc giả với hoạt chất sai lệch có thể gặp tình trạng tăng huyết áp đột ngột, đột quỵ, thậm chí tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời. 

Nguy hiểm hơn, bệnh nhân không biết thuốc là giả, vẫn tin rằng mình đang được điều trị đúng cách, khiến tình trạng bệnh tiến triển âm thầm, đến khi phát hiện thì đã quá muộn.

Hậu quả về mặt tâm lý cũng không hề nhỏ. Họ sẽ trở nên hoang mang, không dám sử dụng thuốc, nghi ngờ cả những sản phẩm chính hãng. 

Sự tồn tại của sữa giả, thuốc giả còn tạo ra môi trường kinh doanh không lành mạnh cho ngành công nghiệp dược và thực phẩm. Những doanh nghiệp làm ăn tử tế bị mất thị phần, bị cạnh tranh bởi giá rẻ phi lý từ các đối thủ gian dối. 

Những nỗ lực đổi mới công nghệ, cải thiện chất lượng để phát triển bền vững của đơn vị tử tế sẽ phút chốc trở nên vô nghĩa khi hành vi gian lận không bị xử lý nghiêm.

Điều đáng lo ngại hơn cả là sự dung dưỡng im lặng của không ít người trong giới buôn bán cũng biết rõ sản phẩm là giả, nhưng vì lợi nhuận, họ vẫn nhập hàng, bán ra với lãi cao gấp 5 - 10 lần.

Người bán không sợ, người mua không biết, cơ quan quản lý không lên tiếng... Cứ mãi như vậy sao? 

Cơ quan chức năng ở đâu?

Cơ quan chức năng đã ở đâu khi hàng trăm ngàn sản phẩm giả được sản xuất và tiêu thụ công khai trong thời gian dài?

Trong 4 năm trời, đường dây sữa giả đã tuồn hàng trăm nhãn hàng ra thị trường trước sự "không hay biết" của các ngành chức năng. 

Rất nhiều cơ quan có vai trò trong kiểm tra, giám sát chất lượng hàng hóa lưu hành. 

Vậy tại sao các công ty không có nhà máy, không có giấy phép sản xuất... lại có thể phân phối hàng trăm ngàn hộp sữa đi khắp các đại lý?

Làm thế nào thuốc giả có thể lọt qua các thủ tục kiểm nghiệm và được phép lưu hành nhiều năm? Những câu hỏi đó chưa được trả lời thỏa đáng.

Khi doanh nghiệp vứt bỏ đạo đức kinh doanh, khi người dân hoài nghi sản phẩm trên kệ, khi cơ quan quản lý không phát hiện các hành vi gian dối..., chúng ta sẽ phải chứng kiến các hậu quả khôn lường.

Với hai vụ việc xảy ra gần đây, công luận chờ đợi những bản án thật thích đáng đối với những kẻ gian lận. 

Đồng thời mong cơ quan chức năng mở rộng điều tra không bỏ lọt tội phạm tiếp tay, đồng lõa hoặc thiếu trách nhiệm từ lực lượng chức năng liên quan đến các vụ án này.

Có như vậy chúng ta mới có thể gửi đi thông điệp rõ ràng: kinh doanh bất chấp đạo đức là tội ác cần loại trừ.

Sữa giả, thuốc giả bủa vây người dùng và 'góc khuất' quản lý - Ảnh 3.Người tiêu dùng mãi tự chịu trách nhiệm vì mua phải sữa giả, thuốc giả?

Sau vụ gần 600 loại sữa giả bị phát hiện, dư luận lại bức xúc với chuyện thuốc giả bị cơ quan chức năng phát hiện. Bao giờ người dân không còn phải thấp thỏm, lo lắng?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên