Từ vụ gần 600 loại sữa giả ra thị trường: Doanh nghiệp rút hồ sơ, 'dấu vết' biến mất

Theo thông tin từ Chi cục An toàn thực phẩm Hà Nội, khoảng 10% trong số gần 600 loại sữa giả đã công bố tiêu chuẩn chất lượng tại đơn vị này, còn lại là công bố ở Hòa Bình và một số tỉnh khác.

sữa giả - Ảnh 1.

BTV Quang Minh xin lỗi vì quảng cáo sữa kém chất lượng - Ảnh: FBNV

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ, chỉ trong tháng 3-2025, riêng tại tỉnh Hòa Bình - nơi có nhiều nhà máy sản xuất, chế biến thực phẩm đạt tiêu chuẩn - đã có hơn 100 hồ sơ sản phẩm tự công bố gửi về Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong đó chủ yếu là thực phẩm bổ sung.

"Chi nhánh" Hòa Bình

Hầu hết các sản phẩm tự công bố tại đây có "chi nhánh Hòa Bình". Thậm chí chỉ trong vài ngày, có những công ty đăng ký hàng chục loại thực phẩm bổ sung, từ sản phẩm sữa đến các sản phẩm bổ sung sức khỏe khác. 

Đây cũng là "chiêu trò" của đường dây buôn bán sữa giả vừa bị cơ quan chức năng triệt phá. Những công ty này thành lập nhiều công ty con khác và đăng ký "chi nhánh" tại các tỉnh lân cận để tự công bố sản phẩm.

Theo danh sách hồ sơ tự công bố của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong tháng 3-2025, không ít sản phẩm tự công bố rút hồ sơ, tuy nhiên sau khi rút hồ sơ tự công bố thì các sản phẩm này vẫn được bán trên thị trường. Điều này sẽ càng thêm khó khăn cho cơ quan quản lý trong công tác kiểm soát, hậu kiểm. 

Trên website của Chi cục An toàn thực phẩm tỉnh Hòa Bình, trong ngày 17-3, hồ sơ đăng ký tự công bố sản phẩm thực phẩm bổ sung Misure cùng nhiều sản phẩm khác của chi nhánh Hòa Bình - Công ty cổ phần dược phẩm quốc tế Việt Nam Anh Quốc Trường Đại Hưng đồng loạt xin rút hồ sơ khỏi hệ thống. 

Tuy nhiên, đến ngày 28-3, các sản phẩm vẫn được chào mời rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội. Đến nay, một số cửa hàng phân phối vẫn bán sản phẩm. Tại website chính thức của công ty để lại dòng chữ "đã ngừng đưa sản phẩm ra thị trường vì xuất hiện hàng giả".

Xóa video quảng cáo

Mới đây hãng sữa Hiup từng làm mưa làm gió với những quảng cáo "nổ tung trời" về việc "cứ uống là cao, bất chấp bố mẹ thấp lùn" cũng xóa bỏ nhiều video quảng cáo. 

Trước đây, chỉ cần gõ tìm kiếm "sữa hiup", hàng loạt video với sự xuất hiện của Vân Hugo, BTV Quang Minh... Hiện nay, những video này trên các nền tảng đã không còn xuất hiện. Tối 15-4, trên trang cá nhân BTV Quang Minh cũng đã đăng tải nội dung bày tỏ xin lỗi khán giả và khẳng định sẵn sàng đón nhận các biện pháp xử lý nếu sai phạm vì "mình gây ra bất cứ điều gì thì phải gánh chịu hậu quả đó".

Hiện nay một số website rao bán sản phẩm Sure IQ Pedia Plus do Công ty cổ phần dược quốc tế Group phân phối đã bị tháo gỡ toàn bộ. Một số sàn thương mại điện tử lớn đã từng rao bán loại sữa này, nhận được hàng nghìn lượt đánh giá của khách hàng cũng đã "biến mất".

Sẽ cung cấp danh sách sữa giả

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 16-4, lãnh đạo Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho hay đơn vị này đang chờ báo cáo của 63 tỉnh thành tổng hợp danh sách tự công bố sản phẩm của 11 công ty trong "hệ sinh thái" làm sữa giả bị cơ quan chức năng triệt phá. Vị này cũng khẳng định ngay khi có thông tin sẽ cảnh báo đến người tiêu dùng, đồng thời sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Bộ Công an để có căn cứ xử lý đúng pháp luật.

Nâng cao nhận thức cộng đồng dưới góc độ kinh doanh

Ông Oba Yusuke - phó tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT Công ty Morinaga Le May Viet Nam (phân phối kinh doanh sữa Morinaga nhập khẩu từ Nhật Bản): "Các nhà cung cấp sữa nên giúp người tiêu dùng nâng cao nhận thức và khả năng phân biệt giữa sản phẩm chính hãng và hàng giả. Cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng để phát hiện, xử lý các cơ sở sản xuất và phân phối sữa giả cũng là một hướng đi cần thiết, góp phần làm trong sạch thị trường và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng".

Đại diện thương hiệu sữa Cô Gái Hà Lan của Công ty FrieslandCampina Việt Nam (thuộc Tập đoàn Royal FrieslandCampina, Hà Lan): "Nạn sữa giả từng làm ảnh hưởng lớn đến thương hiệu này. Chúng tôi đánh giá cao sự vào cuộc mạnh mẽ của các cơ quan chức năng và kêu gọi tiếp tục thúc đẩy hoạt động hậu kiểm dựa trên nguyên tắc quản lý rủi ro. Vì sức khỏe cộng đồng và sự phát triển lành mạnh của ngành hàng, để vừa bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng vừa tạo môi trường cạnh tranh công bằng cho các doanh nghiệp làm ăn chân chính".

Dưới góc độ người tiêu dùng

Lãnh đạo Hội Bảo vệ người tiêu dùng TP.HCM: "Điểm đáng chú ý nhất là nhiều người tiêu dùng Việt Nam còn chưa hiểu đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình, dễ dãi khi mua hàng hóa. Với nền kinh tế thị trường, quyền của người tiêu dùng rất lớn. Chẳng hạn quyền được thỏa mãn nhu cầu cơ bản; quyền được khiếu nại và bồi thường; quyền được giáo dục, đào tạo về tiêu dùng và quyền được có môi trường sống lành mạnh và bền vững…

Người tiêu dùng cần nắm các quyền này để bảo vệ chính mình.

Ngoài ra để bảo vệ lợi ích của người tiêu dùng còn rất nhiều giải pháp. Chẳng hạn hoàn thiện hệ thống pháp luật, có luật rồi chúng ta sẽ thực thi như thế nào để quản lý hữu hiệu hàng hóa, thị trường.

Hay cần xây dựng được phong trào bảo vệ người tiêu dùng trong mọi người đủ mạnh, được sự đầu tư, quan tâm hơn nữa của Nhà nước; và cần học hỏi kinh nghiệm ở nhiều nước trên thế giới như ở Pháp, Trung Quốc, Ấn Độ… tội làm hàng giả sẽ bị bỏ tù nặng kèm phạt tiền.

Hay ở Thái Lan có chính sách khuyến khích người tố cáo làm hàng giả sẽ được hưởng 35% số tiền mà tòa án tuyên phạt các cơ sở làm hàng giả".

Rút hồ sơ, xóa 'dấu vết' - Ảnh 2.Danh sách chi tiết hàng trăm loại sữa giả được đăng ký tại tỉnh Hòa Bình

Dù có trụ sở sản xuất tại Hà Nội, các công ty nằm trong đường dây sữa giả đã mở các chi nhánh ở nhiều địa phương, trong đó tại tỉnh Hòa Bình các công ty này đã đăng ký công bố hàng trăm sản phẩm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0

Tuổi Trẻ Online Newsletters

Đăng ký ngay để nhận gói tin tức mới

Tuổi Trẻ Online sẽ gởi đến bạn những tin tức nổi bật nhất

Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên